| Hotline: 0983.970.780

Phận nghèo những ngày phong tỏa

[Bài 1] Một chiếc rương, một con chó và đời toàn chuyện buồn!

Thứ Năm 12/08/2021 , 15:38 (GMT+7)

Ngày thường cực nhọc mưu sinh kiếm miếng ăn đã khốn khó, mỗi khi Hà Nội bị phong tỏa, tầng lớp lao động tự do ở Thủ đô lại càng thêm lao đao.

Vào những dịp Hà Nội giãn cách, cách ly, người dân không được ra đường nếu không có lý do chính đáng, tôi vẫn thường hỏi han cuộc sống của những bà Xuyên, bà Tuệ, ông Chế ở mạn Phúc Tân, Phúc Xá.

Họ là những lao động ở nông thôn hoặc là mất ruộng hoặc là làm ruộng không đủ sống, lên Hà Nội bám víu trong những xóm ngụ cư, những khu ổ chuột, làm đủ thứ nghề cực nhọc để mưu sinh.

Đói đến nơi rồi

Tôi cũng không biết giữa đất trời Thủ đô còn có bao nhiêu những xóm ngụ cư như Phúc Tân, Phúc Xá, chỉ biết một điều, chắc chắn đó là những nơi nhếch nhác, nghèo khổ và tăm tối nhất Hà Nội.

Là nơi nương náu của những phận người lao động cùng cực, chênh chao, nhất là vào thời điểm những ngày Hà Nội trong tâm chấn dịch Covid-19 với những quyết định cách ly lịch sử.

Xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên. Ảnh: Hoàng Anh.

Xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên. Ảnh: Hoàng Anh.

Con đường gốm sứ chạy dọc bờ sông Hồng, bên trong là phố cổ, bên ngoài là Phúc Xá, Phúc Tân. Từ những ngày đầu thực hiện quyết định kéo dài thời gian giãn cách của Hà Nội, tại những cửa khẩu đi ra phía ngoài đê sông Hồng là những chốt kiểm dịch, những hàng rào thép gai ngăn chặn người dân đi lại.

Phải rất khó khăn chúng tôi mới có thể vào Phúc Xá, còn Phúc Tân thì không thể do đang bị phong tỏa sau khi phát hiện có ca dương tính trong cộng đồng.

Trong một xóm ngụ cư gồm những mái nhà lụp xụp, những túp lều mái tôn tạm bợ được dựng lên bằng bạt và tạp nham những phế liệu ở cuối khu An Xá của phường Phúc Xá, dưới gầm cầu Long Biên, một nhóm dân lao động ngồi bên nồi cháo gà đang sôi lúp búp, bữa trưa của mười mấy con người.

Gọi cho sang thế thôi chứ nồi cháo ấy chỉ tốn mười nghìn mua một cân cổ gà, nhõn vài nhúm gạo, mỗi nhân khẩu chỉ có một bát không hơn. “Đói đến nơi rồi nhà báo ạ”, ấy là câu cửa miệng của già trẻ nơi này.

So với vài ba năm trước, chỗ ăn ở, sinh hoạt của dân ngụ cư ở Phúc Xá có thay đổi nhưng không nhiều. Vẫn là những “ổ chuột” rộng tầm khoảng 6 - 7m2, có khi 3 - 4 người ở để giảm thiểu tiền nhà. Thành thử nếu chia tỉ lệ đầu người có khi nơi này mật độ còn dày hơn cả dân phố cổ. Hôm nào nắng nóng, dân ngụ cư nằm ngồi nhao hết cả ra bờ sông Hồng.

Cái sự tăm tối ấy bao nhiêu năm nay dường như đã thành quen. Đời sống, công việc của họ cũng không có nhiều thay đổi. Vẫn là những người bán sức lao động, làm đủ thứ nghề chỉ với mục tiêu duy nhất là kiếm đủ miếng ăn. Đông nhất là làm cửu vạn ở các khu chợ, nhặt ve chai đồng nát, bán hàng rong... nói chung là bất cứ việc gì có thể ra tiền.

Không có việc làm, khó khăn bủa vây người lao động ở xóm ngụ cư Phúc Xá. Ảnh: Phạm Hiếu.

Không có việc làm, khó khăn bủa vây người lao động ở xóm ngụ cư Phúc Xá. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đợt dịch này đánh úp Hà Nội gấp gáp quá, thông báo cách ly, phong tỏa, khoanh vùng khiến dân ngụ cư không kịp trở tay. Chỉ số ít là kịp tháo chạy về quê, nhưng số còn lại kể cả có kịp thì cũng chẳng thể về. Cuộc sống nơi này làm ngày nào biết ngày đó, đủ miếng ăn, đủ chi tiêu sinh hoạt là may, tiền về quê không có.

Hôm nay nữa là gần một tháng dân ngụ cư ở Phúc Xá lâm vào cảnh ăn không ngồi rồi. Họ tính, ngày thường làm lụng đã chẳng tích cóp được gì, bây giờ phải ở yên trong nhà, không có việc nghĩa là không có ăn, nôm na gọi là treo niêu cũng chẳng quá. Thôi thì rau cháo gì cũng cố chèo chống, nương náu nhau để mà hi vọng khi vãn dịch còn có sức đi bán mưu sinh trở lại. Chỉ mong sao đừng có đau ốm lúc này, nói dại mồm, chẳng may bệnh tật ập đến bây giờ thì thôi luôn.

Cái ăn còn có thể chạy vạy, có thể trông chờ từ vài đợt hàng cứu trợ, trông chờ vào những đám rau dại ở ngoài bãi sông Hồng, dù nhắc đến hỗ trợ ai nấy đều buồn tủi bởi phàm là dân ngụ cư đa số không có khẩu, không đăng ký tạm trú tạm vắng, ai biết ai đâu.

Cái sự ở mới đáng để lo toan, thậm chí là sợ hãi. Mươi hôm trước chủ nhà trọ đã giục đóng tiền nhà, nhưng lấy đâu ra, ăn còn chả có, thôi thì xin xỏ, van nài, cho ở ngày nào thì quý, bằng không người ta có đuổi đi thì cũng phải chịu. Có mấy ông bà đã tính đến phương án xuống bãi hoang ngoài mép sông để cắm lều.

Tối hôm qua, đứa con chị Phạm Thị Thanh, một người phụ nữ quê ở Nông Cống, Thanh Hóa khi nhìn vào bữa cơm gia đình mình đã hỏi mẹ nó rằng: Ăn cơm kiểu gì thế này hả mẹ? Bữa cơm của bốn miệng ăn bao gồm một đĩa rau dại hái ngoài bãi sông, một bát nước luộc rau với mấy quả cà. Chị phải động viên con cố mà ăn bởi vì tình hình dịch bệnh thế này còn có cơm mà ăn đã là tốt lắm.

Hai vợ chồng chị Thanh đều là những người khỏe mạnh, chịu khó làm lụng đủ thứ nghề. Khi chưa bị cách ly chồng hết cửu vạn chợ Long Biên lại chạy xe ôm, vợ hết gồng gánh bốc hàng lại lượm lặt ve chai đồng nát. Cực nhọc lắm cũng chỉ đủ ăn. Bốn đứa con phải gửi ông bà ở quê hai đứa, còn hai đứa dắt díu theo ra ngoài này cũng chỉ lo được cho chúng cái ăn, còn học hành đành phải nhờ vào mấy lớp tình thương.

Gạo sắp hết, bữa cơm bây giờ chỉ cậy vào rau dưa. Ảnh: Phạm Hiếu.

Gạo sắp hết, bữa cơm bây giờ chỉ cậy vào rau dưa. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Anh tính mà xem, mỗi tháng cả hai vợ chồng kiếm được khoảng tầm 10 triệu. Tiền thuê trọ mất 1,6 triệu, ăn uống chi tiêu sinh hoạt của cả gia đình, gửi về quê hỗ trợ ông bà nuôi mấy đứa lớn ăn học là vừa hết, không tích lũy được đồng nào. Cả tháng nay không có việc làm, gạo ăn dè sẻn vẫn còn một ít nhưng chỉ ăn cơm với rau, với cà chứ không có cách nào khác”.

Ở quê thế nào mà phải dắt díu nhau ra đến tận đây?

“Dân ngụ cư chúng em có điểm chung là mất ruộng hoặc làm ruộng không sống nổi nên mới phải tha hương bán sức lao động kiếm miếng ăn chứ ai muốn bỏ xóm bỏ làng để ra ngoài này sống đời dặt dẹo như thế này hả anh”. Chị Thanh trả lời câu hỏi của tôi bằng cái giọng xót xa, buồn tủi.

Người khỏe mạnh, có vợ có chồng còn như thế, những phận lẻ loi lại đủ thứ bệnh tật như bà Đào Thị Nhung (60 tuổi) quê ở Kim Động, Hưng Yên thật khó tả hết bằng lời.

Bà Nhung có một đời chồng, hai đứa con nhưng đứa lớn không may chết đuối còn một đứa đang đi học. Nửa cuộc đời bám bíu ruộng đồng đến lúc bị khớp, bị tiểu đường không thể lội bùn được nữa đành phải theo đứa em dâu lên Hà Nội mưu sinh.

Ăn uống tuổi này cũng chẳng hết mấy, lại có người em trai dưới quê hàng tháng vẫn chở gạo lên trợ cấp, tốn là ở bệnh tật. Dù bị bệnh khớp, tiểu đường nhưng trước dịch bà nhung vẫn cùng với dân ngụ cư đẩy xe ngoài chợ. Tháng nào đi đủ kiếm được khoảng ba triệu đồng, trừ một ít nuôi đứa con trai học hành, còn lại vừa đủ ăn và để thuốc men.

Gần một tháng nay không có việc bà đâm ra thành người ngớ ngẩn. Ăn uống phải nhờ đứa em dâu đã đành, thuốc hết từ lâu, phải đi xin củ sả về đun uống.

'Đừng tưởng về quê mà dễ'

Ở những xóm ngụ cư dọc bãi sông Hồng có rất nhiều người già vẫn đang phải bán sức mình kiếm sống. Đều là thân phận buồn tủi cả. Có người có quê mà như không có quê, có gia đình như không có gia đình, gần trọn cả cuộc đời làm dân ngụ cư chốn phồn hoa Hà Nội.

Xóm ngụ cư Phúc Xá. Ảnh: Phạm Hiếu.

Xóm ngụ cư Phúc Xá. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nếu không có sự nhầm lẫn nào từ những người làm hộ khẩu, căn cước công dân thì bà Trần Thị Thắm quê ở Lạc Long, Kinh Môn, Hải Dương đích thị là trường hợp có một không hai. Đã 100 tuổi rồi nhưng vào những ngày Thủ đô chưa phong tỏa bà vẫn thường đi bộ hết ga Hà Nội, len lỏi trong các khu phố cổ để nhặt ve chai, đồng nát.

Bà Thắm mời tôi vào chỗ thuê ở. Đó là một túp lều ở cuối xóm ngụ cư, cạnh cống nước thải dưới gầm cầu Long Biên. Toàn bộ gia tài của người nhập cư vào Hà Nội từ những năm 1970 gói gọn trong một chiếc rương làm bằng tôn và một con chó. Cuộc đời toàn những chuyện buồn.

Bà Thắm có một người con gái nhưng không biết có phải bị lừa bán sang Trung Quốc rồi không mà nhiều năm nay sống chết không có thông tin gì. Cũng mấy lần chính quyền vận động bà rằng còn con cháu, họ hàng thân thích gì ở quê thì về nhưng bà bảo khó lắm, lúc nào chết đi thì may ra.

Dân ngụ cư có điểm chung là mất ruộng hoặc làm ruộng không sống nổi nên mới phải tha hương bán sức lao động kiếm miếng ăn...

Chị Phạm Thị Thanh

"Đừng tưởng về quê mà dễ. Họ hàng, cháu chắt còn đấy nhưng mà mình nghĩ cho chúng nó. Những phận người rời quê lên Hà Nội ngụ cư chúng tôi, cả đời cực khổ, có người cũng tích cóp được ít tiền với ý định về nhờ vả quê nương náu. Nhưng tôi cứ lấy hoàn cảnh bà bạn tôi mà rõ.

Bữa cơm cháu chắt nó nấu được thế nào ăn thế đấy. Nó bảo con chỉ thôi được có thế, bà ăn được thì ăn. Hay những khi nó mắng mỏ con cái thôi mà mình nghe như kiểu mắng mình. Cho nên tôi cứ lay lắt ở đây được thêm ngày nào thì ở, bao giờ chết đi thì hẵng hay”, bà Thắm xác định như thế.

Bà Trần Thị Thắm. Ảnh: Hoàng Anh.

Bà Trần Thị Thắm. Ảnh: Hoàng Anh.

Đi dọc những xóm ngụ cư ven sông Hồng hoàn cảnh như bà Thắm nhiều nhan nhản. Neo đơn, buồn tủi và vô vọng. Nhất là những ngày lễ tết, nhìn thấy dân lao động lũ lượt về quê, xóm ngụ cư lại càng tiêu điều, xơ xác. Không một lối thoát nào, những phận người cứ sống mòn với Thủ đô như thế, trong những chỗ chui ra chui vào mấy mét vuông rách nát, xập xệ, mấy chục năm nay rồi.

Chúng tôi rời những xóm ngụ cư khi có thông tin UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn, trong đó đối tượng lao động tự do đủ điều kiện cư trú hợp pháp nhận 1,5 triệu đồng/người/lần.

Nhưng chính sách là cả một giai đoạn, thời hạn đăng ký đến tận 31/12/2021, nghĩa là chưa có những hỗ trợ kịp thời cho người lao động trong những ngày “đói cận kề” này.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cấp cứu 2 trẻ mầm non nghi ngộ độc thuốc diệt chuột

Sáng 5/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận 20 trẻ mầm non, trong đó 2 cháu bé có biểu hiện ngộ độc.