| Hotline: 0983.970.780

Chương trình OCOP nâng tầm nông nghiệp Hà Tĩnh: [Bài 3] Hướng đến thị trường quốc tế

Thứ Sáu 11/11/2022 , 15:04 (GMT+7)

Sau khi xây dựng thương hiệu, sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm; sứa Mai Dung và bánh ram Anh Thu đã xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu và châu Á.

Vụ bưởi Phúc Trạch năm 2022 vừa kết thúc cũng là lúc tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch Anh Quân, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hoàn tất các thủ tục chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước phương Tây.

122d2162210t52790l0

Bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê đã đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: TL. 

Thị trường đầu tiên tổ hợp tác (THT) này hướng đến là nước Nga. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh, việc đàm phán, ký hợp đồng và thống nhất giá mua bán giữa THT và đối tác không đạt như mong muốn nên sản phẩm chưa thể xuất ngoại.

Theo lãnh đạo UBND huyện Hương Khê, hiện THT đang nỗ lực tìm kiếm thị trường khác nước khác để xuất khẩu trong vụ bưởi năm 2023, góp phần đưa quả bưởi Phúc Trạch – sản phẩm đầu tiên ở Hà Tĩnh được cấp chứng nhận GlobalGAP đi xa hơn, bền vững hơn trong tương lai.

THT sản xuất bưởi Phúc Trạch Anh Quân có gần 10 ha, được trồng từ 7 năm trước. Năm nay là năm thứ 3 vườn bưởi cho quả với sản lượng khoảng gần 1.000 tấn. Việc chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch tại trang trại được thực hiện nghiêm ngặt theo bộ tiêu chí sản xuất sạch. Trong đó, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường xung quanh. Sự thay đổi phương thức canh tác đó đã mang lại niềm tự hào khi người dân đã tự tay sản xuất được quả bưởi đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Empty

Bánh đa vừng Nguyên Lâm, sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao đã vươn xa đến các nước Nga, Ba Lan và Nhật Bản. Ảnh: TL.

Một sản phẩm OCOP đặc sản khác không chỉ “phủ sóng” toàn quốc mà còn vươn sang thị trường Nhật Bản là bánh đa vừng Nguyên Lâm, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh.

Anh Lê Văn Duẩn, Giám đốc HTX Nguyên Lâm chia sẻ, sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, năm 2021, HTX đã xuất được lô hàng đầu tiên là 64.000 chiếc bánh đa vừng sang Nhật. Theo anh, sản xuất bánh đa vừng là nghề truyền thống của gia đình từ lâu đời và sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong địa bàn huyện Kỳ Anh. Tuy nhiên, cơ hội thực sự rộng mở khi năm 2020, cơ sở đăng ký tham gia chương trình OCOP và đạt chuẩn 3 sao.

“Từ khi tham gia OCOP, cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng hơn đến quy trình sản xuất, bao bì nhãn mác và khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Nhờ đó, HTX ngày càng “ăn nên làm ra”, doanh thu năm 2020 đạt 2,7 tỷ đồng và năm 2021 đạt 3,5 tỷ đồng; góp phần tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng”, anh Duẩn nói.

Đồng thời cho biết, khi tham gia OCOP, mọi thông tin sản xuất sẽ được cung cấp đầy đủ thông qua mã QR trên nhãn hàng. HTX cũng kết nối với các ngân hàng để nhận thanh toán trực tuyến khi giao dịch trên không gian mạng.

Empty

Năm 2022, chỉ tính riêng 4 đơn hàng đi nước ngoài, dự kiến sẽ đem về cho HTX Nguyên Lâm trên 1,3 tỷ đồng. Ảnh: TL.

Đặc biệt, HTX giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng, trang thương mại điện tử. Qua quá trình tích cực tiếp thị sản phẩm đã được nhiều đối tác quan tâm.

“Năm 2022, sản lượng dự kiến của HTX Nguyên Lâm sẽ đạt 3 triệu bánh, đặc biệt đã có 4 đơn hàng xuất khẩu sang các nước: Nga, Ba Lan và Nhật Bản với số lượng 365 nghìn bánh, trị giá gần 1,3 tỷ đồng”, anh Duẩn phấn khởi nói.

Song song với đầu tư nâng tầm chất lượng, việc chủ động số hóa sản phẩm, thích ứng với những đòi hỏi khắt khe của thị trường xuất khẩu cũng là bí quyết thành công của Công ty CP Sản xuất thực phẩm Hồ Cầm, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh. Hiện công ty này có 3 đơn hàng với gần 6 tấn vỏ bánh ram mang thương hiệu Nam Chi được xuất khẩu sang Hàn Quốc, giá trị khoảng 250 triệu đồng.

84d2101028t60057l0

Bánh ram Nam Chi tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Ảnh: TL.

Theo Giám đốc Công ty CP Sản xuất thực phẩm Hồ Cầm, OCOP chính là tấm giấy “thông hành” để bánh ram Nam Chi tiến gần hơn với thị trường thế giới. Nhờ tham gia chương trình OCOP, Công ty đã rút ngắn một phần quy trình kiểm định, vượt qua được các hàng rào kỹ thuật khắt khe của các nước trên thế giới.

Bên cạnh bánh đa vừng Nguyên Lâm, bánh đa nem Nam Chi, đến nay, Hà Tĩnh đã có nhiều sản phẩm OCOP khác đã xuất khẩu ra thị trường thế giới như: sứa Mai Dung, bánh ram Anh Thu. Ngoài ra, một số sản phẩm khác như: nem chua Ý Bình, hải sản Hoa Linh Chi, mực Ngọc Diệp… đã được xuất bán qua đường tiểu ngạch.

Ông Lê Xuân Tùng, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh cho hay, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, hầu hết các sản phẩm đều tăng về doanh số bán hàng, bình quân tăng hơn 40%.

122d5215013t39342l0

Các thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm đều được cụ thể hoá thông qua mã QR trên nhãn hàng. Ảnh: TL.

Đặc biệt, việc áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP ở Hà Tĩnh được thực hiện rất tốt, nhất là khâu bán hàng. 100% cơ sở OCOP đã tham gia chuyển đổi số, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, trang thương mại điện tử... Từ đó, một số sản phẩm đã tiếp cận với các đối tác nước ngoài và xuất khẩu thành công.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ các cơ sở xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Trong đó, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tập trung nâng hạng sản phẩm OCOP, bởi khi đạt chuẩn 5 sao, sản phẩm sẽ đạt một số tiêu chuẩn quan trọng, cơ bản đủ điều kiện xuất khẩu.

Cùng với đó là hỗ trợ các cơ sở thiết lập quy trình sản xuất đủ tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, hữu cơ… Hiện Văn phòng đã kết nối các cơ sở sản xuất và các đơn vị chuyên xuất khẩu qua không gian mạng để tạo cơ hội hợp tác. Đặc biệt, Hà Tĩnh sẽ kết nối để các cơ sở OCOP tham gia các diễn đàn OCOP ASEAN (khi được thống nhất tổ chức), tham gia các hội chợ quốc tế để giao lưu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác ở nước ngoài”, ông Lê Xuân Tùng, Văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.