| Hotline: 0983.970.780

Chương trình OCOP nâng tầm nông nghiệp Hà Tĩnh: [Bài 2] Chất lượng làm nên thương hiệu

Thứ Năm 10/11/2022 , 10:27 (GMT+7)

Những cái tên nước mắm Phú Khương; kẹo cu đơ Thư Viện; cam, bưởi Tân Thanh Phong; nem Ý Bình… nay không chỉ nổi tiếng ở Hà Tĩnh mà còn vươn xa khắp toàn quốc.

Trong rất nhiều cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đều nhấn mạnh rằng, Chương trình OCOP đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo trong cộng đồng. Đây là nền tảng quan trọng và là làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn.

z3861527678704_89f6aeca8bd078a37829d8a025e08d8d

Nem chua Ý Bình, một sản phẩm OCOP của huyện Hương Sơn ngoài phủ sóng toàn quốc còn xuất bán tiểu ngạch sang các nước Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản... Ảnh: TN.

Tuy nhiên, muốn sản phẩm OCOP đi xa, bền vững không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Chỉ có chất lượng mới làm nên thương hiệu.  

Nước mắm Phú Khương độ 5 năm về trước mỗi tháng chỉ sản xuất vài nghìn lít cung cấp cho người tiêu dùng tại các chợ đầu mối trong huyện Kỳ Anh. Đến năm 2018, khi được tỉnh, huyện lựa chọn làm cơ sở chỉ đạo điểm phát triển sản phẩm OCOP thì HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương được thành lập.

Bây giờ, ngắm nhìn cơ ngơi khang trang, bề thế rộng hơn 3 ha tọa lạc ở vị trí đắc địa trên tuyến đường ven biển Thạch Khê - Vũng Áng, đặc biệt là dây chuyền sản xuất nước mắm bằng công nghệ hiện đại, bà Lê Thị Khương, Giám đốc HTX vẫn chưa hết xúc động trước những nỗ lực của bản thân.

Theo bà, gia đình vốn làm nghề chế biến nước mắm manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu ủ chượp truyền thống. Khi tham gia Chương trình OCOP, HTX được tư vấn, hỗ trợ từ đầu tư dây chuyền sản xuất sử dụng năng lượng mặt trời đến thay đổi bao bì, nhãn mác; được tham dự nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Từ đó, sản phẩm được nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và quan trọng là tiếp thị được nhiều đối tượng người tiêu dùng hơn.

Empty

Từ tiêu thụ nội tỉnh, nước mắm Phú Khương sau khi tham gia Chương trình OCOP đã có mặt khắp các siêu thị lớn trên toàn quốc. Ảnh: TL.

Hiện nay, nước mắm Phú Khương đã đạt chuẩn 4 sao. Ngoài ra, HTX còn có thêm 2 sản phẩm (ruốc quết, cá mờm) được công nhận 3 sao.

Đặc biệt, từ khi tham gia OCOP, HTX đã tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm theo “chuẩn OCOP”. Đó là, tập trung cao cho quy trình, công nghệ sản xuất sạch, an toàn, bao bì nhãn mác bắt mắt và đa dạng hình thức tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, 3 năm qua, nước mắm Phú Khương đã có mức tăng trưởng lớn về sản lượng và doanh thu. Sản phẩm của HTX có mặt rộng rãi trên khắp các siêu thị lớn trên cả nước và trên sàn thương mại điện tử Shopee.

“Nếu như năm 2018, HTX chỉ sản xuất, tiêu thụ được 30.000 lít nước mắm, doanh thu đạt 3 tỷ đồng thì đến năm 2021, chúng tôi đã sản xuất, tiêu thụ 110.000 lít, doanh thu hơn 16 tỷ đồng. HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người /tháng”, bà Khương phấn khởi cho biết.

Empty

Nhờ xây dựng được thương hiệu, bày bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử nên sản lượng tiêu thụ mỗi năm của HTX Phú Khương tăng lên hàng chục nghìn lít. Ảnh: TL.

Một sản phẩm khác cũng tăng lượng tiêu thụ, giá trị kinh tế lên 20 – 25% chính là tinh bột nghệ Nhân Hoà, ở huyện Đức Thọ.

Năm 2021, anh Võ Quang Hoà đăng ký tham gia chương trình OCOP. Với sự hỗ trợ, tư vấn của cơ quan chuyên môn huyện, việc sản xuất, đóng gói bao bì, nhãn mác đến tiếp cận thị trường được thay đổi hoàn toàn. Chủ cơ sở đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng và nhiều máy móc, thiết bị hiện đại như: máy nghiền củ nghệ liên hoàn, máy lắng đọng, tách tinh bột nghệ, máy làm viên tinh nghệ mật ong, máy đo độ ẩm nông sản, máy kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Nhờ đổi mới công nghệ, sản lượng, doanh thu đã tăng 20%. Đầu năm 2022, sản phẩm tinh bột nghệ Nhân Hòa đã nâng hạng công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Tại huyện Nghi Xuân, năm 2020, 2 sản phẩm tôm nõn, cá ngần khô của Tổ hợp tác Kinh doanh và Chế biến hải sản Hoa Linh Chi ở thôn Đông Tây, xã Cương Gián được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Sau khi đạt chuẩn OCOP, cơ sở này không “dẫm chân tại chỗ” hay để “rơi chuẩn” mà tiếp tục đầu tư thêm máy móc như: máy sấy, máy hút chân không và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm hướng đến nâng hạng sản phẩm lên đạt chuẩn 4 sao.

Đặc biệt, tổ hợp tác tập trung cao cho công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, sản lượng tiêu thụ tăng lên theo từng năm.

72d3072857t67527l0

Trong 2 năm 2019 - 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã dành gần 60 tỷ đồng cho Chương trình OCOP. Ảnh: TL.

“Riêng năm 2021, chúng tôi đã sản xuất 1,7 tấn tôm nõn khô trị giá 500 triệu đồng và gần 1 tấn cá ngần khô trị giá 550 triệu đồng (tăng 15% so với năm 2020)”, chị Phạm Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ hợp tác Hoa Linh Chi chia sẻ.

Phải khẳng định rằng, qua chương trình OCOP, nhiều sản phẩm khác của Hà Tĩnh như: nhung hươu Hương Sơn, mật mía Sơn Thọ (Vũ Quang), bánh gai làng Khoóng (Đức Thọ), mực một nắng Thạch Kim (Lộc Hà) và sản phẩm nước mắm của các địa phương ven biển… được “đặt tên” thương hiệu, chất lượng, trở thành sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Đặc biệt, một số sản phẩm chất lượng cao như: bánh đa vừng Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh), sứa Mai Dung, bánh ram Anh Thu (Thạch Hà) tiếp cận được thị trường các nước châu Á, châu Âu. Đây là tín hiệu hết sức khả thi và đáng mừng cho người sản xuất ở Hà Tĩnh.

Trong 2 năm 2019 - 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã dành gần 60 tỷ đồng cho Chương trình OCOP. Ngoài ra, các địa phương cũng ưu tiên bố trí đất đai cho các cơ sở có sản phẩm tiềm năng, có năng lực, muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh để hình thành những cơ sở OCOP khang trang, đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất và có thể gắn với điểm tham quan, du lịch.

Cùng với đó, Hà Tĩnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và hình thành hệ thống phân phối sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn đã có 16 cửa hàng giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng ban hành quy chế quản lý cửa hàng để hình thành kênh tiêu thụ riêng cho sản phẩm OCOP, tránh việc lợi dụng thương hiệu OCOP để bán hàng kém chất lượng, hàng không phải OCOP.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.