| Hotline: 0983.970.780

Tăng 50.000 ha lúa thu đông ở ĐBSCL để chớp cơ hội thị trường

Thứ Ba 01/08/2023 , 18:02 (GMT+7)

Trong bối cảnh nhu cầu và giá gạo trên thế giới tăng cao, Cục Trồng trọt cho biết sẽ cơ cấu tăng 50.000 ha gieo trồng lúa vụ thu đông ở khu vực ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo thường kỳ tháng 7. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo thường kỳ tháng 7. Ảnh: Tùng Đinh.

Việc Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, trong khi một số nước tăng dự trữ, giảm bán gạo được xem là cơ hội cho hạt gạo Việt Nam, đẩy giá lúa Việt Nam tăng vọt. Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, giá gạo giai đoạn này đang vào khoảng 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Vấn đề này nhận được sự quan tâm lớn từ báo giới trong phiên họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ NN-PTNT. Đa số các phóng viên quan tâm đến việc tận dụng cơ hội này của ngành nông nghiệp, khả năng đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như hiện tượng El Nino đang bắt đầu xuất hiện sẽ ảnh hưởng thế nào đến thời cơ này.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khẳng định, thị trường lúa gạo hiện nay đang rất khởi sắc, qua đó đem lại lợi ích cho cả người nông dân lẫn các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Theo kế hoạch của năm 2023, cả nước gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, tương đương sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn. Cho đến thời điểm này, qua quá trình kiểm tra, nắm tình hình tại các vùng trồng trên cả nước, lúa đang sinh trưởng phát triển tốt. Nếu không có thiên tai nghiêm trọng và dịch bệnh trên diện rộng thì chắc chắn 2023 sẽ là một năm được mùa lúa gạo, sản lượng đạt trên 43 triệu tấn”, ông Nguyễn Như Cường khẳng định.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng cho biết thêm, đơn vị đã phối hợp với các địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất từ nay đến cuối năm và sẵn sàng cho vụ đông xuân vào đầu năm 2024.

Liên quan vấn đề El Nino, ông Cường nói hiện tượng này sẽ ảnh hưởng nhiều đến các vụ sản xuất vào năm 2024 ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, dựa trên những kinh nghiệm đối phó với El Nino vào các năm 2015-2016 và 2019-2020, Cục sẽ có những phương án đối phó với hiện tượng này, ví dụ như đợt El Nino năm 2019-2020, không có diện tích nào bị mất trắng là do các giải pháp được đưa ra kinh nghiệm từ năm 2015-2016.

“Ngoài những giải pháp mềm về thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chúng ta còn hệ thống giải pháp cứng liên quan đến các công trình thủy lợi trên toàn quốc để giảm thiểu tác động của El Nino với ngành trồng trọt nói chung và lúa gạo nói riêng”, Cục trưởng Cục Trồng trọt nói.

Theo Cục Trồng trọt, vụ thu đông ở ĐBSCL sẽ được điều chỉnh tăng 50.000 ha gieo trồng để tận dụng thời cơ về giá. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Cục Trồng trọt, vụ thu đông ở ĐBSCL sẽ được điều chỉnh tăng 50.000 ha gieo trồng để tận dụng thời cơ về giá. Ảnh: Tùng Đinh.

Quay trở lại vấn đề thị trường, để tận dụng thời cơ giá cả và nhu cầu tiêu thụ đều tăng, ông Cường cho biết Cục Trồng trọt đã nâng diện tích trồng lúa vụ thu đông ở khu vực ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha để đón thời cơ.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đã tham mưu cho Chính phủ để ra chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo trong giai đoạn này, theo đó, các bộ ngành và địa phương liên quan cùng phối hợp với Bộ NN-PTNT để tận dụng tốt cơ hội này của ngành hàng lúa gạo.

Giải đáp thêm về vấn đề an ninh lương thực với các nhà báo, Cục trưởng Nguyễn Như Cường khẳng định, với sản lượng ước đạt trên 43 triệu tấn lúa như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo mà vẫn đảm bảo được nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Củng cố thêm thông tin về sản lượng lúa gạo năm 2023, ông Nguyễn Quý Dương, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, về dịch bệnh trên lúa, năm nay các tỉnh phía Nam có hiện tượng rầy, còn phía Bắc là lùn sọc đen. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đối phó dịch bệnh trong những vụ mùa trước, Cục đã chủ động, dùng nhiều biện pháp để kiểm soát tốt tình hình.

“Các địa phương đã cắt cử nhân sự trực thường xuyên tại những diện tích có áp lực nhiễm bệnh cao để phòng chống từ sớm. Ngoài ra, Cục BVTV cũng chỉ đạo các trung tâm bám sát tình hình sản xuất trên khắp cả nước để có thể đảm bảo được năng suất 43 triệu tấn lúa cho năm 2023”, ông Nguyễn Quý Dương chia sẻ với báo giới.

Cũng tại buổi họp báo, các đơn vị của Bộ NN-PTNT đã khuyến cáo các doanh nghiệp đánh giá tình trạng dự trữ hiện có, nguồn cung và nhu cầu thị trường khi thương thảo hợp đồng mới đạt mức giá cao nhất nhằm đảm bảo lợi nhuận cho cả doanh nghiệp cũng như nông dân trồng lúa.

Lâm nghiệp, thủy sản quyết định mục tiêu xuất khẩu

Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về việc đảm bảo kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, hai ngành chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản liên tục có xu hướng giảm so với cùng kỳ 2022.

Cụ thể, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%. Những điều này đặt ra thách thức cho ngành nông nghiệp trong việc hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao là kim ngạch 54-55 tỉ USD.

Tuy nhiên, xuyên suốt các phát ngôn của mình, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiên định với mục tiêu trên. Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7/2023, ông đánh giá, trong điều kiện khó khăn, nhưng toàn ngành nông nghiệp vẫn nỗ lực hoàn thành mục tiêu, thể hiện rõ nhất trong các chỉ số phát triển của tháng đầu Quý III/2023.

Về mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỉ USD, Thứ trưởng cho rằng chỉ tiêu này có thể hoàn thành nếu hai ngành chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản lấy lại được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.

Một số tín hiệu lạc quan đã xuất hiện, như số đơn hàng tăng trở lại, nhiều thị trường lớn, tiềm năng với hai ngành kể trên như Hoa Kỳ, EU… tăng dần sức mua.

Đặc biệt, lâm nghiệp và thủy sản nhận sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ. Hồi tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST). Qua lắng nghe tâm tư của hai tổ chức, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tại Văn bản 5631/NHNN-TD.

Theo đó, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.

Các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Đến nay, 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình.

Bằng sự giải quyết kịp thời, chính xác của Chính phủ, cùng báo cáo của Cục Lâm nghiệp, Cục Thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, hai ngành sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 17 và 9-10 tỉ USD vào cuối năm.

“Lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Trong điều kiện hiện nay, hai ngành cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu, ký kết đơn hàng, nhằm tận dụng triệt để thời cơ khi thị trường các nước khởi sắc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm