| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi - Yếu tố quan trọng sản xuất nông nghiệp [Bài 4]: Kênh tiêu mặc 'áo mới'

Thứ Bảy 08/10/2022 , 15:45 (GMT+7)

Tây Ninh Không chỉ thoát nước trong mùa mưa, các tuyến kênh tiêu còn được khoác lên chiếc áo mới từ chương trình thủy lợi đa mục tiêu giúp nền nông nghiệp địa phương phát triển.

Diện mạo nông thôn đổi thay

Nhằm giúp người dân chủ động nguồn nước tưới tiêu để chuyển đổi cây trồng, tạo hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2019, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành NN-PTNT tỉnh Tây Ninh triển khai Dự án phát triển hạ tầng chuyển đổi cây trồng ở huyện Dương Minh Châu theo hướng phát triển kênh thủy lợi đa mục tiêu.

Tuyến kênh T0-3 hiện hữu. Ảnh: Trần Trung.

Tuyến kênh T0-3 hiện hữu. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, Ban quản lý đã tổ chức nạo vét kết hợp kéo điện, làm đường giao thông nội đồng thay đổi công năng tuyến kênh T0-2, T0-3, A4, thay vì trước đây, nhiệm vụ của các tuyến kênh chỉ phục vụ tiêu thoát nước trong mùa mưa thì hiện nay còn đảm nhiệm trữ nước trong mùa khô. Ngoài ra, hành lang tuyến kênh còn được nâng cấp thành đường giao thông nông thôn cùng hệ thống điện lưới quốc gia, hiện dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Từ đó, diện mạo nông thôn của 2 xã Phước Ninh, xã Phước Minh đã đổi thay, đời sống người dân càng nâng cao.

Theo chân cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đến thăm tuyến kênh tiêu T0-3 vừa được đầu tư tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, chúng tôi ngỡ ngàng trước những ruộng ngô, những vườn sầu riêng xanh mướt, trải dài từ đầu đến cuối tuyến kênh. Bà con đang tập trung xử lý vườn cây sau một mùa thu hoạch bội thu.

Tổ thủy nông địa phương thực hiện điều tiết nước tưới. Ảnh: Trần Trung.

Tổ thủy nông địa phương thực hiện điều tiết nước tưới. Ảnh: Trần Trung.

Theo người dân địa phương, từ năm 2018 trở về trước, người dân nơi đây chủ yếu sản xuất lúa nước nhưng cũng không mấy thuận lợi, do địa hình phức tạp, trước khi gieo sạ nhiều người phải thức đêm hôm, luân phiên chờ chực, mất nhiều thời gian, công sức mới dẫn nước về ruộng để cày bừa, thuận lợi thì mỗi năm làm được 2 vụ lúa, phần lớn chỉ làm được 1 vụ, mùa nắng để ruộng hoang. Hiện nhờ có hệ thống kênh, nay bà con đã chuyển đổi một phần sang trồng cây ăn quả, phần còn lại bà con làm 1 vụ lúa, 2 vụ màu, hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt.

Chị nguyễn Thị Lan (ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh) cho biết, gia đình chị đến lập nghiệp tại vùng đất này được hơn 20 năm, trước đây, việc sản xuất lúa nước gặp khá nhiều khó khăn. Do địa hình phức tạp nên khó nhất là công đoạn dẫn nước vào từng thửa ruộng để làm đất trước khi gieo sạ hoặc tiêu thoát nước khi có mưa lũ dài ngày. Nhiều người phải thức đêm hôm, luân phiên chờ chực, mất nhiều thời gian, công sức mới dẫn nước về ruộng để cày bừa.

Cánh đồng lúa cạnh kênh tiêu T-03 phát triển xanh tốt nhờ nước thủy lợi. Ảnh: Hồng Thủy.

Cánh đồng lúa cạnh kênh tiêu T-03 phát triển xanh tốt nhờ nước thủy lợi. Ảnh: Hồng Thủy.

Hiện kênh được nâng cấp, nhờ có nước, ngoài trồng lúa chị còn luân canh ngô và sắn, như vụ này chị đang xuống 1 ha ngô, dự kiến năng suất đạt hơn 50 tấn, với giá 1.500 đồng/kg sau trừ chi phí đem lại thu nhập cho gia đình chị hơn 20 triệu đồng. “Đặc biệt, nhà nước còn xây dựng tuyến đường cặp kênh, nếu như trước đây khi thu hoạch bà con phải thuê trâu bò kéo hoặc khuân vác, thì nay xe cơ giới xuống tận ruộng đồng để đưa vật tư đầu vào cũng như vận chuyển nông sản ra, góp phần giảm chi phí tăng thu nhập, hơn 100 hộ dân ở đây ai cũng phấn khởi”, chị Nguyễn Thị Lan nói.

Tập trung khai thác tiềm năng

Theo ông Phạm Văn Tín, Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, nằm ở phía Đông của tỉnh Tây Ninh, huyện Dương Minh Châu hội tụ rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy lợi thế nguồn nước hồ Dầu Tiếng và các công trình thủy lợi, huyện đã thực hiện quy hoạch chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, hoa màu có giá trị kinh tế cao. Tính đến nay, tổng diện tích địa phương đã chuyển đổi trên 2.222,7 ha.

Ngoài lúa, ngô sinh khối được xem là cây trồng hiệu quả, bà con nơi đây đang tích cực chuyển đổi 1 vụ lúa 2 vụ màu nâng cao thu nhập. Ảnh: Hồng Thủy.

Ngoài lúa, ngô sinh khối được xem là cây trồng hiệu quả, bà con nơi đây đang tích cực chuyển đổi 1 vụ lúa 2 vụ màu nâng cao thu nhập. Ảnh: Hồng Thủy.

Riêng trong năm 2021, đất lúa một vụ trên địa bàn huyện được chuyển đổi sang trồng cây hằng năm là 200 ha, cây lâu năm 332 ha. Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của UBND huyện giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích sẽ được chuyển đổi là 3.092 ha. Trong đó, lúa một vụ chuyển sang trồng cây hằng năm là 740 ha, trồng cây ăn quả 2.308 ha, nuôi trồng thuỷ sản 44 ha.

Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, chính quyền sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Công tác quản lý Nhà nước về thủy lợi, vật tư nông nghiệp, bảo đảm chất lượng cây giống, các loại vật tư thiết yếu sẽ được chú trọng.

Cán bộ ngành nông nghiệp địa phương thăm hỏi, động viên bà con tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ ngành nông nghiệp địa phương thăm hỏi, động viên bà con tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Ảnh: Trần Trung.

“Địa phương xác định việc phát triển nông nghiệp không tách rời với phát triển thủy lợi. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý, bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có, từ đó, hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi… góp phần tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác nhằm đem lại nguồn lợi cao nhất cho người dân”, ông Phạm Văn Tín khẳng định.

Theo Chi cục thủy lợi tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2016-2021, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức thực hiện đầu tư 229 dự án, công trình, tổng kinh phí 1.981,661 tỷ đồng. Theo đó, các công trình dự án chủ yếu tập trung đầu tư các tuyến kênh tưới, tiêu, đê bao được đầu tư kết hợp với bờ kênh làm đường giao thông nhằm kết nối giao thông trong và ngoài khu vực vùng sản xuất nông nghiệp với tổng chiều dài 225,214 km. Từ đó giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Vượt thách thức, triển khai toàn diện công tác thủy lợi, nước sạch nông thôn

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024, nhưng Cục Thủy lợi đã triển khai thực hiện toàn diện công tác về thủy lợi, nước sạch nông thôn.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…