| Hotline: 0983.970.780

Nguồn thu lớn từ phụ phẩm nông nghiệp

[Bài 4]: Khá giả nhờ tận dụng mùn cưa trồng nấm

Thứ Năm 11/11/2021 , 11:54 (GMT+7)

Nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao. Nhờ tận dụng mùn cưa để sản xuất nấm, nhiều hộ nông dân ở Bình Phước đã vươn lên khá giả.

Biến mùn cưa thành phôi nấm chất lượng

Trong những năm gần đây, ngành trồng nấm ở Việt Nam rất phát triển, đem lại lợi ích rất lớn về mặt kinh tế. Ở Bình Phước, các hộ dân trồng nấm ngày càng nhiều do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, đảm bảo được thu nhập cũng như tận dụng thời gian nhàn rỗi của người nội trợ, nông dân cho việc chăm sóc, thu hái nấm.

Nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao, thời gian gần đây, nhiều người dân Bình Phước chọn loại cây này để phát triển kinh tế. Ảnh: Trần Trung.

Nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao, thời gian gần đây, nhiều người dân Bình Phước chọn loại cây này để phát triển kinh tế. Ảnh: Trần Trung.

Xã Tân Thành (TP Đồng Xoài) là một trong những địa phương có truyền thống trồng nấm bào ngư và nấm mèo từ rất lâu đời của tỉnh Bình Phước. Trước đây, bà con trồng với quy mô nhỏ lẻ và làm thủ công. Vài năm trở lại đây, nghề trồng nấm phát triển mạnh cả về diện tích và số lượng. Người dân đã đầu tư nhà xưởng, lò hấp để tự sản xuất và còn cung cấp cho người có nhu cầu trồng nấm.

Cơ sở sản xuất nấm của gia đình chị Hạnh. Ảnh: Trần Trung.

Cơ sở sản xuất nấm của gia đình chị Hạnh. Ảnh: Trần Trung.

Cơ sở sản xuất nấm của gia đình chị Bùi Thị Hạnh ở ấp 6, xã Tân Thành là một trong số những cơ sở có quy mô lớn, hiện đại tại địa phương, với diện tích nhà xưởng gần 4.000m2, có thế chứa gần 140 ngàn phôi nấm. Mỗi năm trại nấm của gia đình chị Hạnh cung cấp ra thị trường từ 23-25 tấn nấm bào ngư tươi và 20 tấn nấm mèo khô, với giá từ 90.000-120.000 đồng/kg, mỗi năm đem lại lợi nhuận lớn cho gia đình.

Mỗi năm gia đình chị Hạnh cung cấp ra thị trường hàng chục tấn nấm các loại. Ảnh: Trần Trung.

Mỗi năm gia đình chị Hạnh cung cấp ra thị trường hàng chục tấn nấm các loại. Ảnh: Trần Trung.

Theo chị Hạnh, nguyên liệu chính để trồng nấm là mùn cưa, trong đó, mùn cưa cây cao su được xem là tốt nhất. Nhờ đứng chân trên địa bàn là thủ phủ cây cao su của cả nước nên việc tìm nguyên liệu rất dễ dàng, giá lại rất “mềm” nên việc phát triển nấm của gia đình cũng như bà con nơi đây rất thuận lợi. Tuy nhiên, để đảm bảo nấm sinh trưởng phát triển tốt đòi hỏi người trồng tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, đồng thời có bề dày kinh nghiệm để xử lý từ phôi nấm đến quá trình trồng, chăm sóc lẫn thu hoạch.

Từ hiệu quả kinh tế mang lại chị Hạnh mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất phôi nấm. Ảnh: Trần Trung.

Từ hiệu quả kinh tế mang lại chị Hạnh mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất phôi nấm. Ảnh: Trần Trung.

“Trồng nấm không khó, quan trọng là phải biết cách lựa chọn meo và phôi giống đạt chất lượng. Thời gian đầu, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, phôi nấm không đạt chuẩn nên phải thực hiện nhiều lần. “Thuốc dạy thầy, cây dạy thợ”, sau nhiều lần “làm đi, làm lại”, nhận thấy làm thủ công nhiều bất cập, tôi đầu tư mua thêm dây chuyền đóng bịch tự động, dây chuyền khử trùng, đóng gói cùng với việc áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP. Từ đó, việc sản xuất ngày càng ổn định, cơ sở ngày càng đi lên”, chị Hạnh chia sẻ.

Cùng nhau làm giàu

Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Hạnh còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, đồng thời cung cấp phôi giống chất lượng với giá cả phải chăng cho người dân tại địa phương, kể cả các huyện, thị lân cận để cùng nhau phát triển cây nấm.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Hạnh còn hỗ trợ, cung cấp phôi giống nấm giúp bà con trong vùng cùng làm giàu. Ảnh: Trần Trung.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Hạnh còn hỗ trợ, cung cấp phôi giống nấm giúp bà con trong vùng cùng làm giàu. Ảnh: Trần Trung.

Xã Phú Trung huyện Phú Riềng là xã thuần nông, đời sống bà con chủ yếu dựa vào khai thác mủ cao su. Từ việc chia sẻ kinh nghiệm của chị Hạnh, đến nay, không ít người dân tại địa phương này chuyển đổi mô hình, đem lại kinh tế ổn định.

Gia đình chị Trương Thị Mai ở thôn Phú Tâm xã Phú Trung là một trong những hộ đầu tiên đưa cây nấm từ cơ sở chị Hạnh về địa phương để phát triển kinh tế. Theo chị Mai, khi chưa trồng nấm, nguồn thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng khoảng 10 triệu đồng từ công việc cạo mủ cao su cho doanh nghiệp trên địa bàn. Từ khi trồng nấm, thu nhập của gia đình đã khá hơn trước.

Người dân huyện Phú Riềng khấm khá nhờ trồng nấm. Ảnh: Trần Trung.

Người dân huyện Phú Riềng khấm khá nhờ trồng nấm. Ảnh: Trần Trung.

“Đây là mô hình phù hợp với gia đình, tôi vừa đi cạo mủ vừa tranh thủ được thời gian rảnh rỗi sau chăm sóc thêm nấm để bán. Từ khi trồng thêm nấm, thu nhập gia đình tôi cũng khá hơn so với trước kia. Dù diện tích trồng không lớn, chỉ với vài trăm mét vuông canh tác nấm nhưng mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình tôi trên 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, chị Mai phấn khởi nói.

Theo ông Vũ Thanh Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Trung, cây nấm là loại cây khá phù hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương, dễ trồng, ít công chăm sóc, thời gian thu hoạch nhanh, chi phí đầu tư không lớn, cho lợi nhuận khá…  Mô hình trồng nấm không chỉ mang lại thu nhập thêm cho nhiều hộ mà còn tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Qua đánh giá của Hội Nông dân xã, mô hình trồng nấm năng suất tốt rất phù hợp với bà con nông dân thiếu đất canh tác.

Địa phương đang từng bước hỗ trợ, tiếp sức người trồng nấm để nhân rộng mô hình. Ảnh: Trần Trung.

Địa phương đang từng bước hỗ trợ, tiếp sức người trồng nấm để nhân rộng mô hình. Ảnh: Trần Trung.

“Hiện địa phương đã có 11 hộ thực hiện mô hình trồng nấm và mang lại hiệu quả thu nhập kinh tế ổn định. UBND xã và Hội Nông dân cũng đang đề xuất các hộ trồng nấm xây dựng thương hiệu OCOP của địa phương. Đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ để bà con mở rộng sản xuất kinh doanh góp phần trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, ông Long nói.

Ông Lê Ngọc Sử, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành cho biết thêm, mỗi năm nông dân xã Tân Thành sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 50 tấn nấm mèo phơi khô và gần 100 tấn nấm bào ngư tươi. “Có thể thấy, việc đẩy mạnh phát triển trồng nấm vừa duy trì hiệu quả nghề truyền thống vừa đem lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho người dân. Hiện, chính quyền xã cũng như các cấp hội đã và đang quan tâm, hỗ trợ người trồng nấm tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để giúp bà con từng bước chuyển đổi từ làm thủ công sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp xã Tân Thành giữ vững, củng cố, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, ông Sử nhấn mạnh.

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.