| Hotline: 0983.970.780

Nguồn thu lớn từ phụ phẩm nông nghiệp

[Bài 3] – Tiềm năng lớn từ bã bia, bã đậu nành

Thứ Tư 10/11/2021 , 10:42 (GMT+7)

Bù Đốp là thủ phủ nuôi dê của Bình Phước. Trước thực trạng thức ăn khan hiếm vì 'bão' Covid-19, bã bia, bã đậu nành đã trở thành nguồn thức ăn chăn nuôi quan trọng.

Từng biết đến là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, từ khi cây tiêu xuống dốc, nhiều người dân tại huyện biên giới Bù Đốp tận dụng lá từ những trụ sống như keo, cẩm làm nguồn thức ăn chính để chăn nuôi dê. Từ đó, không ít hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Tận dụng keo, cẩm sẵn có để nuôi dê giúp người dân làm giàu. Ảnh: Hồng Thủy.

Tận dụng keo, cẩm sẵn có để nuôi dê giúp người dân làm giàu. Ảnh: Hồng Thủy.

Tuy nhiên, những năm gần đây phong trào nuôi dê tại địa phương phát triển quá mạnh khiến nguồn thức ăn sẵn có ngày càng cạn kiệt, trong khi quỹ đất của người dân địa phương có giới hạn khiến việc trồng thêm cỏ cũng gặp khó khiến. Chính vì thế, việc bổ sung bã bia, bã đậu nành vào nguồn cung cấp thức ăn cho dê được xem là giải pháp quan trọng của người dân nơi đây.

Nuôi dê từ năm 2010, sở hữu gần 2.000 trụ tiêu và diện tích trồng cỏ hơn 5.000m2, gia đình anh Nguyễn Trung Ân (ấp Tân Lập, xã Tân Thành) cũng đối mặt thực trạng thiếu thức ăn. Vào mùa mưa tổng đàn dê của gia đình có thể lên đến gần 50 con nhưng mùa nắng anh chỉ đủ sức giữ lại 10 con cái sinh sản để duy trì sản xuất. Thế nhưng, từ khi áp dụng bã bia và bã đậu nành để bổ sung làm thức ăn cho dê, hiện đàn dê của gia đình luôn duy trì vài trăm con.

Trước thực trạng thức ăn xanh ngày càng khan hiếm do phong trào nuôi dê phát triển mạnh, bã bia, bã đậu nành được xem là giải pháp của người chăn nuôi dê Bù Đốp. Ảnh: Hồng Thủy.

Trước thực trạng thức ăn xanh ngày càng khan hiếm do phong trào nuôi dê phát triển mạnh, bã bia, bã đậu nành được xem là giải pháp của người chăn nuôi dê Bù Đốp. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo anh Ân, nhu cầu dinh dưỡng là nền tảng cho việc tồn tại, hoạt động và tạo ra sản phẩm của dê. Cung cấp đầy đủ, hợp lý nhu cầu về vật chất khô, năng lượng, protein và các chất dinh dưỡng khác là một việc làm hết sức quan trọng trong chăn nuôi dê.

Tuy nhiên, so với trâu bò, dê có mức thu nhận thức ăn cao nếu tính theo trọng lượng cơ thể chúng, mỗi con dê có thể tiêu thụ hết lượng thức ăn ở mức 3 - 6%. Trước đây, bởi nguồn thức ăn xanh dồi dào, người nuôi dê địa phương chủ yếu chăn nuôi với phương châm cây nhà lá vườn. Khi người nuôi dê ngày một nhiều, thức ăn tại chỗ không đủ cung cấp, người dân đã dùng một lượng lớn phụ phế phẩm như bã bia, bã đậu nành làm nguồn thức ăn cho dê.

Nhờ bã bia, bã đậu nành, dê nhanh ăn chóng lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hồng Thủy.

Nhờ bã bia, bã đậu nành, dê nhanh ăn chóng lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hồng Thủy.

“Hèm bia, bã đậu nành vừa giàu đạm, vừa giàu năng lượng nên từ lâu đã được sử dụng phổ biến để nuôi bò sữa. Dê cũng thuộc loại gia súc hấp thụ được nguồn dinh dưỡng này khá tốt. Nhờ hèm bia và bã đậu không chỉ giải quyết việc thiếu thức ăn, mà còn giúp dê ăn nhanh chóng lớn. Nếu như thức ăn xanh phải mất 6 tháng mới có thể xuất chuồng 1 lứa dê, thì nay chỉ mất 3,5 tháng, chi phí dành cho mỗi con dê chỉ 7.000 đồng/ngày. Đặc biệt, nhờ bổ sung thức ăn này, thịt dê mềm, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng”, anh Ân tiết lộ.

Nhờ tận dụng tốt phụ phẩm nông nghiệp vào chăn nuôi, số trang trại dê tại địa phương mọc lên ngày càng nhiều. Ảnh: Hồng Thủy.

Nhờ tận dụng tốt phụ phẩm nông nghiệp vào chăn nuôi, số trang trại dê tại địa phương mọc lên ngày càng nhiều. Ảnh: Hồng Thủy.

Tương tự, nhận thấy hiệu quả từ việc bổ sung hèm bia và bã đậu nành cho dê hiệu quả, HTX chăn nuôi dê xã Tân Thành cũng mạnh dạn triển khai cho các xã viên thực hiện. Hiện 18/18 thành viên của HTX đều áp dụng, từ tổng số đàn dê ban đầu 200 con, đến nay đã tăng lên gần 500 con và tiếp tục được mở rộng.

Ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX chăn nuôi dê Tân Thành cho biết, bã bia và bã đậu nành rất hiệu quả trong nuôi dê. Tuy nhiên, 2 loại phụ phẩm này cũng có nhược điểm là hạn sử dụng ngắn, độ ẩm cao, nếu không có phương pháp bảo quản tốt chúng sẽ dễ hỏng và sinh độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe của dê. Theo đó, trước khi sử dụng người nuôi cần nắm bắt kỹ thuật ủ và phối trộn giữa thức ăn xanh và các loại phụ phẩm này theo đúng tỷ lệ để đàn dê sinh trưởng phát triển tốt.

Người nuôi dê ứng dụng cơ giới hóa vào khâu sản xuất thức ăn góp phần giảm công lao động, tăng thu nhập. Ảnh: Hồng Thủy.

Người nuôi dê ứng dụng cơ giới hóa vào khâu sản xuất thức ăn góp phần giảm công lao động, tăng thu nhập. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo ông Trọng, trước khi dịch bùng phát, việc chăn nuôi và mua bán dê dễ dàng, thuận lợi, mỗi tháng HTX xuất bán hàng trăm con dê thịt với giá dao động từ 120-150 ngàn đồng/kg. Các thương lái ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… tự tìm đến thu mua. Tuy nhiên từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tháng nay, dê đã đến kỳ xuất bán nhưng không có người mua, dù giá chỉ bằng nửa so với trước nên ít nhiều ảnh hưởng đến HTX bởi dê càng lớn thì tiêu tốn thức ăn càng nhiều, giá trị thịt càng thấp. Thế nhưng nhờ có hèm bia và bã đậu nành, nhìn chung, các xã viên trong HTX vẫn duy trì nhịp độ sản xuất. Hiện nhiều địa phương trở về trạng thái bình thường mới, giá dê đang dần hồi phục, bà con đang nắm bắt thị trường để mở rộng quy mô sản xuất.

Dù bị tác động bởi dịch Coid-19 nhưng người nuôi dê ở Bù Đốp vẫn duy trì phát triển đàn vật nuôi ổn định. Ảnh: Hồng Thủy.

Dù bị tác động bởi dịch Coid-19 nhưng người nuôi dê ở Bù Đốp vẫn duy trì phát triển đàn vật nuôi ổn định. Ảnh: Hồng Thủy.

“Để việc phối trộn theo đúng tỷ lệ đồng thời giảm công lao động, các thành viên trong HTX chủ động cải tiến nông cụ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Từ chiếc máy trộn bê tông, qua chỉnh sửa một số chi tiết đã trở thành máy trộn hỗn hợp bã bia, bã đậu nành, thức ăn xanh và các chế phẩm phòng trừ bệnh cho vật nuôi theo ý muốn của người sử dụng góp phần nâng cao thu nhập”, ông Trọng cho biết thêm.

Con dê trở thành kinh tế chủ lực của địa phương. Ảnh: Hồng Thủy.

Con dê trở thành kinh tế chủ lực của địa phương. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Lê Thanh Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, vài năm trở lại đây, khi giá tiêu tụt dốc thì giá dê lại cao và ổn định. Với thức ăn sẵn kết hợp phụ phẩm nông nghiệp nên người dân chuyển sang nuôi dê rất nhiều. Riêng xã Tân Thành có thời điểm số hộ nuôi dê chiếm 90% số hộ dân trong xã, với tổng đàn lên đến hàng chục ngàn con, trong đó không ít hộ sở hữu trang trại ngàn con. Cuộc sống của người dân khá ổn định, con dê trở thành kinh tế chủ lực của địa phương.

“Bù Đốp hiện có 1 hợp tác xã, 1 chi hội nghề nghiệp và 25 tổ nghề nghiệp chăn nuôi dê với hơn 6.200 hộ tham gia, tổng đàn gần 100.000 con. Để giúp các HTX, tổ hợp tác nói chung và người nuôi dê địa phương nói riêng phát triển bền vững, UBND huyện đã ban hành chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, tiến tới xây dựng các cơ sở chế biến. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ một phần vốn cho HTX nuôi dê xây dựng lò mổ và đầu tư kho đông lạnh. Mục tiêu lâu dài là xây dựng thương hiệu cho thịt dê Bù Đốp ra thị trường”, ông Mai Văn Sang - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đốp cho biết.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Chung kết hội thi 'Cán bộ Agribank tài năng - thanh lịch' năm 2024

Chung kết hội thi có sự góp mặt tranh tài của 20 đơn vị xuất sắc đại diện cho 173 Công đoàn cơ sở của Agribank khắp cả nước tham gia.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.