| Hotline: 0983.970.780

Mô hình nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

[Bài 4] – Xây dựng ‘thương hiệu xanh’ để rộng đường xuất khẩu

Thứ Bảy 02/10/2021 , 14:58 (GMT+7)

Cà Mau Vùng đất 3 bề giáp biển này đang có những bước đi đột phá vào phân khúc thị trường nông sản sạch, an toàn và mang thương hiệu đặc trưng riêng đầy triển vọng.

Kết quả từ quy hoạch bài bản

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, địa phương có ba bề giáp biển cho nên sản xuất nông nghiệp rất dễ bị tổn thương trước những tác động tiêu cực từ thời tiết và biến đổi khí hậu.

Ý thức rõ những tác động bất lợi ấy, thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh đã đẩy mạnh quy hoạch, định hình và tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh một cách khoa học, bài bản.

Cà Mau 3 bề giáp biển là thách thức không nhỏ nền nông nghiệp địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Cà Mau 3 bề giáp biển là thách thức không nhỏ nền nông nghiệp địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau Lê Thanh Triều phân tích: Trong chỉ đạo sản xuất, chúng tôi định hướng rõ là phải theo quy trình, tiêu chuẩn, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có các chứng nhận đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường nhằm có đầu ra ổn định, tránh tình trạng người dân thích gì trồng đó và làm theo tập quán.

Những cánh đồng cho lợi nhuận cao rộng mênh mông của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Sáng.

Những cánh đồng cho lợi nhuận cao rộng mênh mông của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Sáng.

Ðịnh hướng này giúp Cà Mau đột phá vào phân khúc thị trường nông sản sạch và an toàn đầy triển vọng.

Ðến nay, Cà Mau xây dựng thành công một số vùng chuyên canh lúa - tôm gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với tổng diện tích hơn 15.000 ha, chiếm khoảng 19% tổng diện tích canh tác lúa toàn tỉnh.

Trong đó, một số sản phẩm lúa đã được công nhận thương hiệu, như: "Lúa sinh thái Cà Mau", "Lúa sạch Thới Bình", "Gạo sạch Minh Tâm", "Gạo sạch Ông Muộn"…

Trong 10 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng lúa mà Cà Mau đã tạo dựng, có khoảng 8.500 ha lúa cao sản an toàn; 2.500 lúa thơm đặc sản (ST24, ST25, Ðài Thơm 8); lúa - tôm đặc sản (ST24, ST25) khoảng 3.000 ha; khoảng 700 ha lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế USDA, EU, JAS. USDA của Mỹ, EU của châu Âu và JAS của Nhật Bản.

Ðây đều là những tiêu chuẩn khắt khe và cao nhất thế giới hiện nay. Một khi đã có được ba "tấm thẻ xanh" này, hạt gạo và nông sản Cà Mau sẽ rộng đường xuất ngoại, cả với những thị trường "khó tính" trên thế giới.

Mục tiêu xa hơn

Phát huy kết quả đạt được, ngành nông nghiệp Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2025, có từ 30-50% diện tích lúa - tôm sản xuất theo mô hình an toàn, gắn với các tiêu chuẩn khắt khe phục vụ cho xuất khẩu nông – thủy sản.

Để thực hiện được mục tiêu này, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, tránh tình trạng nông dân làm theo sở thích, làm theo tập quán. Trong đó, ngoài vai trò nhà nước, địa phương kêu gọi các doanh nghiệp cùng thực hiện để hài hòa lợi ích cho người nông dân.

Theo ông Lê Minh Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn đã đầu tư vào ngành tôm của tỉnh Cà Mau từ rất sớm. Nằm trong chuỗi cung ứng tôm, Tập đoàn hỗ trợ, giúp đỡ kỹ thuật cho người nuôi tôm từ con giống đến thức ăn, thuốc, giám sát thu hoạch đến thu mua tôm cho người dân đưa về các nhà máy chế biến của Tập đoàn. 

Tập Đoàn Minh Phú tham gia chuỗi sản xuất tôm rừng Rạch Gốc. Ảnh: Minh Sáng.

Tập Đoàn Minh Phú tham gia chuỗi sản xuất tôm rừng Rạch Gốc. Ảnh: Minh Sáng.

Hiện nay, ngoài lĩnh vực chế biến xuất khẩu, Tập đoàn Minh Phú mong muốn cùng với tỉnh Cà Mau quy hoạch tổng thể lại ngành tôm, đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng nhau liên kết phát triển cho ngành tôm của tỉnh Cà Mau. Qua đó, góp phần cho ngành tôm tỉnh Cà Mau có sức cạnh tranh tốt, lợi nhuận bền vững để phát triển bền vững.

“Chúng tôi rất hiểu quá trình phát triển ngành tôm của tỉnh, chúng tôi nhận thấy rằng, hiện nay ngành tôm của tỉnh Cà Mau vẫn còn phân tán, làm giảm đi khả năng cạnh tranh.

Từ đó, Tập đoàn Minh Phú mong muốn để cho ngành tôm của tỉnh phát triển bền vững và có lợi nhuận tốt về giá thành cạnh tranh, thì không có cách nào hơn bằng chúng ta có một quy hoạch thật bài bản đối với ngành tôm vào quy hoạch chung của tỉnh”, ông Lê Minh Quang phân tích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, cho rằng: Dư địa ở Cà Mau còn nhiều nơi đất sạch, không nhiễm hóa chất, kháng sinh... Tuy nhiên, để cộng đồng nhà nông yên tâm hợp tác, phía doanh nghiệp cần cam kết lợi nhuận với nhà nông, có cơ chế bảo đảm sự minh bạch trong quá trình thực hiện mô hình.

Quá trình hợp tác phát triển sản xuất lúa - tôm, cần bảo đảm lợi ích hài hòa, đất đai và việc làm cho người dân, tiến tới ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giải quyết bài toán tổng thể về thích ứng biến đổi khí hậu…

Chiến lược “Cà Mau xanh”

Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nơi đây đang được hưởng lợi rất lớn từ lợi thế tự nhiên, địa phương không cần phải đi vào số lượng mà đi vào xây dựng sự khác biệt.

Cà Mau đang được hưởng lợi rất lớn từ lợi thế tự nhiên bởi có rừng vàng, biển bạc, nước mặn, nước ngọt... địa phương cần tối ưu hóa lợi thế xây dựng nền nông nghiệp thực chất, khác biệt, hiệu quả. Ảnh: Minh Sáng.

Cà Mau đang được hưởng lợi rất lớn từ lợi thế tự nhiên bởi có rừng vàng, biển bạc, nước mặn, nước ngọt... địa phương cần tối ưu hóa lợi thế xây dựng nền nông nghiệp thực chất, khác biệt, hiệu quả. Ảnh: Minh Sáng.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để sản xuất có được gạo sạch, tôm sạch không phải dễ, nhưng cần phải xây dựng chiến lược “Cà Mau xanh”. Từ đó mới xác định tới vấn đề quy hoạch tổng thể, tôm dưới tán rừng, tôm quảng canh, thâm canh… dựa trên giá trị sản xuất chứ không phải là số lượng. 

Vì thế, Cà Mau cần tạo ra một hệ sinh thái cho DN, HTX gắn bó với địa phương, ngành nông nghiệp để cùng nhau phát triển bền vững", Bộ trưởng nói.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu thăm vùng thủ phủ chuyên canh tôm lúa Thới Bình (Cà Mau). Ảnh: Minh Sáng.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu thăm vùng thủ phủ chuyên canh tôm lúa Thới Bình (Cà Mau). Ảnh: Minh Sáng.

Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương phải giữ được vai trò tổ chức hợp tác, liên kết và thị trường. Chính thị trường sẽ quyết định về quy mô, quy chuẩn, nên việc hình thành sản xuất xanh, “Cà Mau xanh” sẽ quyết định tất cả.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

DT Group nhận giải thưởng Sao Vàng đất Việt

Khánh Hòa Việc DT Group được vinh danh với giải thưởng Sao Vàng đất Việt đã khẳng định cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, uy tín và chất lượng của thương hiệu rong nho.