| Hotline: 0983.970.780

Mô hình nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

[Bài 2]: Ngọc Hiển và cái 'duyên' từ chuyến thăm của Đại sứ quán Thụy Sĩ

Thứ Năm 30/09/2021 , 11:37 (GMT+7)

Cà Mau Tôm sinh thái của Ngọc Hiển đang 'bay' khắp Mỹ, Nhật, EU cũng bắt đầu từ câu chuyện thú vị từ chuyến thăm của đoàn khách Đại sứ quán Thụy Sĩ, cách đây 22 năm.

Về vùng đất Ngọc Hiển (Cà Mau), chúng tôi ấn tượng mạnh với những cánh rừng đước ngập mặn xanh mướt, được người dân khoanh thành luống dài thẳng tắp để nuôi tôm sinh thái (tôm rừng).

Ông Nguyễn Văn Trung, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản, cho biết: "Tôm sinh thái bén duyên với thị trường nước ngoài từ năm 1999, khi đoàn khách của Đại sứ quán Thụy Sĩ do Bộ Thủy sản dẫn đi thăm Cà Mau và Kiên Giang. Trong bữa cơm dưới tán rừng đước, con tôm Cà Mau được chài lên đãi khách.

Sau chuyến thăm đó, tôm sinh thái được cấp giấy chứng nhận và bắt đầu hành trình xuất ngoại. Hiện sản phẩm tôm sinh thái đang được bán cho những thị trường khó tính nhất: Mỹ, Nhật hay khối EU. Giá bán của tôm sinh thái thường gấp đôi hoặc gấp ba lần so với giá tôm nuôi bằng thức ăn công nghiệp thông thường”.

Độc đáo nuôi tôm dưới tán rừng

Trò chuyện với chúng tôi, anh Huỳnh Văn Sử, một trong những hộ đầu tiên thành công với mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ở thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) cho biết, gia đình anh có 4,5 ha tôm. Với mô hình nuôi hoàn toàn theo tự nhiên dưới tán rừng, nhờ cây rừng điều hòa không khí, đã tạo được môi trường sống lý tưởng cho con tôm phát triển rất tốt.

Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, hướng đi bền vững. Ảnh: Trần Trung.

Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, hướng đi bền vững. Ảnh: Trần Trung.

Điều ấn tượng, mặc dù không được cho ăn, không sử dụng thuốc tăng trưởng, tôm của anh Sử vẫn lớn nhanh, được thị trường ưa chuộng, đem lại thu nhập cao cho gia đình. Tại sao vậy? Anh Sử cho biết: “Chỉ cần chất lượng nguồn nước tốt, con giống khoẻ, sạch bệnh, sau khi thả con giống, tôm tự tìm kiếm thức ăn từ tự nhiên, khoảng 4 tháng, người nuôi tiến hành thu hoạch.

Nuôi tôm sinh thái chỉ bỏ tiền giống, nhưng nhờ tôm sạch nên được các công ty thu mua với giá cao hơn các mô hình nuôi khác từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, giúp người nuôi ổn định sản xuất, giảm thiểu nguy cơ rủi ro về giá tôm.

Có thể con tôm sinh thái không vượt trội về năng suất như các loại hình nuôi khác như tôm thâm canh và siêu thâm canh, thế nhưng tính ổn định về chất lượng và giá cả thì... khỏi phải bàn cãi!”,  anh Sử vui vẻ nói.

Liên kết sản xuất

Theo tìm hiểu của NNVN, nhằm giữ vững hệ sinh thái rừng ngập mặn để phát triển nghề nuôi tôm rừng bền vững, những năm gần đây người dân đã liên kết sản xuất, từ đó, các Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX) lần lượt ra đời. Trong đó, chú ý là Hội quán Rạch Gốc, hội quán đầu tiên của tỉnh Cà Mau liên kết với các doanh nghiệp lớn nuôi tôm xuất khẩu.

Hội quán tôm rừng Rạch Gốc, hội quán đầu tiên của tỉnh Cà Mau liên kết với các doanh nghiệp lớn nuôi tôm xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Hội quán tôm rừng Rạch Gốc, hội quán đầu tiên của tỉnh Cà Mau liên kết với các doanh nghiệp lớn nuôi tôm xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Thanh Tín - Chủ tịch Hội quán tôm rừng Rạch Gốc cho biết, mặc dù mới thành lập cuối năm 2020, hiện Hội quán có 55 thành viên, với tổng diện tích canh tác 220 ha. Từ khi thành lập Hội quán đã ký hợp đồng với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Nhờ vậy, toàn bộ các thành viên trong Hội quán được Tập đoàn tập hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.

“Ngoài con tôm, bà con còn được đơn vị này hướng dẫn nuôi đan xen những vật nuôi khác như cua, sò huyết, vọp… Bình quân mỗi hộ thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm từ tôm sinh thái, 60 - 80 triệu đồng từ con cua và nhiều nguồn thu khác. Nhờ liên kết đảm bảo đầu vào, đầu ra nên giá cả ổn định, đời sống của các thành viên dần được nâng cao, nhiều hộ vươn lên khá giả”.

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình nuôi tôm tại Cà Mau. Ảnh: Trần Trung.

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình nuôi tôm tại Cà Mau. Ảnh: Trần Trung.

Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc Huỳnh Thanh Ðảm cho biết, thị trấn hiện có hơn 2.600 ha nuôi tôm sinh thái. Trước đây, phần lớn người dân sản xuất rời rạc, chưa tập trung, thiếu liên kết theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không biết được là sản phẩm mình làm ra có đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng hay không.

Những năm gần đây, nông dân đã biết liên kết sản xuất để việc tiêu thụ dễ dàng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, trong đó tiêu biểu có Hội quán tôm rừng Rạch Gốc.

Hiệu ứng lan tỏa

Ðể nâng cao giá trị con tôm sinh thái, hiện nay các HTX, THT nuôi tôm sinh thái không chỉ liên kết với các doanh nghiệp, công ty thu mua tôm nguyên liệu nhằm ổn định đầu ra, đầu vào sản phẩm; ở đó còn có sự liên kết giữa các hộ nuôi nhằm giúp giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh và tạo thương hiệu cho con tôm sinh thái trên thị trường.

Tôm rừng Rạch Gốc sản xuất đến đâu, thương lái đến tận nơi thu mua hết đến đó. Ảnh: Trần Trung.

Tôm rừng Rạch Gốc sản xuất đến đâu, thương lái đến tận nơi thu mua hết đến đó. Ảnh: Trần Trung.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Ngọc Hiển, đến nay địa phương đã thành lập được 6 HTX nuôi tôm sinh thái với 250 xã viên, 133 THT nuôi tôm sinh thái với 1.520 tổ viên và thành lập 1 Chi hội nghề nghiệp nuôi tôm sinh thái với 59 hội viên.

Nhìn chung, các HTX, THT nuôi tôm sinh thái ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống, cách chăm sóc để hạn chế dịch bệnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng mô hình nuôi tôm sinh thái, huyện Ngọc Hiển phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, hội thảo quy trình nuôi tôm sinh thái cho người dân để đáp ứng quy định, quy trình tôm sinh thái. Ðồng thời ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi để cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả của mô hình nuôi tôm sinh thái, hướng tới sự phát triển bền vững.

 Trong 2 năm trở lại đây, huyện đã tổ chức được 66 lớp tập huấn với 1.950 hộ dân tham dự; tư vấn kỹ thuật cho nông dân 15 cuộc, hơn 750 lượt người tham dự; hội thảo 18 cuộc với hơn 1.500 lượt người tham dự. Mở 3 lớp đào tạo kỹ thuật sản xuất giống tại xã Tân Ân Tây, hơn 60 kỹ thuật viên các cơ sở sản xuất giống tham dự.

Ðồng thời, bằng nhiều nguồn vốn đã xây dựng được 38 mô hình nuôi tôm sinh thái để làm cơ sở nhân rộng. Bên cạnh đó, hướng dẫn, khuyến khích người nuôi lựa chọn các loài thủy sản khác như cua, cá, vọp, sò huyết… nuôi bổ sung trên cùng diện tích nuôi tôm, góp phần tăng lợi nhuận và tạo được các loại hình nuôi sinh thái.

Mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm rừng mở ra cơ hội mới để người nuôi tôm Ngọc Hiển bứt phá đi lên. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm rừng mở ra cơ hội mới để người nuôi tôm Ngọc Hiển bứt phá đi lên. Ảnh: Trần Trung.

Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc nhìn nhận năng suất tôm sinh thái của địa phương tăng rõ rệt qua từng năm. Cụ thể: Năm 2017, bình quân năng suất nuôi tôm sinh thái là 180 kg/ha; năm 2020 năng suất 230 kg/ha; những tháng đầu năm 2021, nhiều diện tích nuôi tôm sinh thái trúng vụ đạt từ 230-250 kg/ha.

"Mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm rừng mở ra cơ hội mới để người nuôi tôm Ngọc Hiển bứt phá đi lên, tạo ra nguồn nguyên liệu tôm hữu cơ cho thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao vị thế, giá trị kinh tế và khẳng định uy tín tôm sạch Cà Mau trên thị trường trong và ngoài nước.

Về điều kiện nuôi, những vuông tôm sinh thái cần bảo đảm tỉ lệ tán rừng trên 40%, góp phần thúc đẩy người dân trồng rừng và tự giác bảo vệ rừng. Đây là mô hình nuôi tôm được cho là bền vững nhất, vừa bảo đảm giá trị kinh tế vừa góp phần bảo vệ rừng hiệu quả" - ông Lạc tâm đắc nói.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm