Khai thác xu thế “sống xanh”
Với lợi thế sở hữu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước, từ các mô hình tôm-lúa, Cà Mau còn lồng ghép phát triển du lịch sinh thái cho hiệu quả kinh tế cao.
Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, điểm đến đặc biệt về địa lý, văn hóa là một trong những địa phương tận dụng tốt lợi thế này.
Ông Bùi Thanh Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, cho biết bên cạnh rừng tự nhiên sẵn có, người dân ở Đất Mũi còn trồng rừng đước để lấy gỗ kết hợp nuôi trồng thủy hải sản, trong đó tôm rừng đã có thương hiệu vang xa.
Hiện địa phương đã xây dựng các điểm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nuôi trồng thủy sản, cùng các tuyến tham quan xuyên rừng để du khách có cơ hội trải nghiệm, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn.
“Đất Mũi có lợi thế là nằm trong Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước ta, nơi tiếp giáp với biển Đông và biển Tây. Đất Mũi còn sở hữu những di tích lịch sử mang tính biểu tượng - mũi thuyền hướng ra biển, mốc tọa độ Quốc gia, cột cờ Hà Nội, đền thờ Lạc Long Quân.
Đến với Đất Mũi Du khách có thể ở lại qua đêm trong những homestay ven rừng ngập mặn, trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân vùng sông nước.
Không chỉ được tham quan rừng đước, hít thở không khí trong lành, du khách còn có thể trải nghiệm bắt tôm, cua, câu cá, bắt ba khía, ốc len, sò huyết, mò vọp trong rừng đước. Chắc chắn không có gì thú vị hơn là thưởng thức những sản vật địa phương do chính tay mình bắt được. Từ khi Nhà nước mở tuyến đường bộ Hồ Chí Minh xuống Đất Mũi, khách du lịch tới đây rất nhiều”, ông Thương chia sẻ.
Theo ông Thương, phát triển du lịch mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân xã Đất Mũi trong tương lai. Chính quyền xã Đất Mũi tiếp tục quy hoạch khu vực làng nghề nuôi trồng thủy sản ngay ở Mũi Cà Mau, ven rừng ngập mặn.
Các nhà hàng ở khu này được xây dựng theo một mẫu, phục vụ các sản phẩm đặc sản từ biển và rừng ngập mặn. Rõ ràng, rừng ngập mặn đã khẳng định được giá trị vốn có của mình, giúp cho hàng ngàn người dân ở Cà Mau sống khỏe”, ông Thương khẳng định.
Tỉnh Cà Mau có khoảng 60.000 ha rừng ngập mặn, trải dài trên địa bàn các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh, Ngọc Hiển, Năm Căn.
Đến nay, rừng ngập mặn với hệ sinh thái phong phú, đa dạng không chỉ có giá trị về đa dạng sinh học, tạo lá phổi xanh, phòng, chống sạt lở bờ biển, mà còn mang lại giá trị kinh tế lớn. Nhiều hộ dân ở Cà Mau đã có sinh kế bền vững nhờ khai thác đúng hướng, hiệu quả rừng ngập mặn.
Kích hoạt dư địa
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, để phát huy những thế mạnh của xã Đất Mũi nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung, trong thời gian qua địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó nổi bật nhất là việc hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030; đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông; tổ chức giới thiệu quảng bá du lịch Đất Mũi; đào tạo bồi dưỡng cho lực lượng tham gia hoạt động du lịch tại xã Đất Mũi.
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho thấy, từ năm 2018 đến nay, mỗi năm có hơn 1,5 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong đó các điểm du lịch như Khu du lịch Mũi Cà Mau, khu du lịch Khai Long là những nơi thu hút đông du khách nhất.
Từ sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh Cà Mau, đến nay hệ thống giao thông từ TP. Cà Mau đến Khu du lịch Mũi Cà Mau đã được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm.
Cùng với đó hạ tầng tại Khu du lịch Mũi Cà Mau được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới với nhiều công trình như: Cột cờ Hà Nội (do Đảng bộ, Nhân dân Thủ Đô Hà Nội tặng), đền thờ Lạc Long Quân, điểm cuối đường Hồ Chí Minh, góp phần tạo ra những điểm nhấn đặc biệt để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: Nhằm khai thác tốt tiềm năng cũng như lợi thế để phát triển du lịch, tỉnh Cà Mau đã đề ra mục tiêu trong thời gian tới sẽ xây dựng các điểm du lịch tại tỉnh Cà Mau nói chung, Khu du lịch Mũi Cà Mau nói riêng trở thành những điểm đến hấp dẫn, có uy tín và phát triển bền vững.
Theo đó, đối với sản phẩm du lịch, ông Trần Hiếu Hùng cho rằng, tỉnh Cà Mau đang phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc thù của từng khu, điểm du lịch như tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau bằng đường thủy xuyên rừng, phát triển dịch vụ du lịch dưới tán rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tổ chức hoạt động trải nghiệm lướt bùn, trồng cây lưu niệm và tham quan khu vực bãi bồi, khám phá hệ sinh thái ven biển, tham quan mô hình nuôi trồng thủy hải sản...
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau tiếp tục phát triển các điểm du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp hơn, các làng nghề truyền thống như tôm khô, ba khía Rạch Gốc và các khu, điểm du lịch phụ cận trở thành vệ tinh hỗ trợ cho Khu du lịch trọng điểm Đất Mũi….
“Địa phương phấn đấu đến năm 2030 sẽ đón khoảng 2,8 triệu lượt du khách, trong đó có 110 ngàn lượt du khách quốc tế; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 7.200 tỷ đồng; tạo việc làm cho 53.000 lao động trong lĩnh vực du lịch”, ông Trần Hiếu Hùng chia sẻ.
“Qua đi thực tế tôi nhận thấy, dù giá trị từ du lịch nông nghiệp không lớn nhưng khách hàng sẽ biết nông dân Cà Mau nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn. Từ cảm nhận thực tế, du khách sẽ thành “tuyên truyền viên” giúp chúng ta mở rộng kênh bán hàng về nông sản, hạn chế bỏ tiền xúc tiến thương mại. Đây là giá trị lớn hơn mà ta thu về” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong chuyến công tác tại tỉnh Cà Mau vừa qua.