| Hotline: 0983.970.780

Thời điểm vàng giảm chi phí sản xuất lúa ở ĐBSCL:

[Bài 5]: Cách duy nhất để tăng lợi nhuận

Thứ Ba 07/06/2022 , 09:46 (GMT+7)

Hàng năm, nông dân trồng lúa ĐBSCL lãng phí gần 170 triệu USD do sử dụng chi phí đầu vào không hiệu quả, đòi hỏi một quy trình giảm chi phí thống nhất toàn vùng.

Quy trình thống nhất cho cả vùng

Chi phí sản xuất là yếu tố quan trọng quyết định đến lợi nhuận của bà con nông dân sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, nhiều quy trình giảm chi phí sản xuất đã được các địa phương vùng ĐBSCL đưa vào áp dụng với mong muốn giúp nông dân gia tăng lợi nhuận. Thế nhưng, một thực tế đã được các chuyên gia chỉ ra đó là “loạn quy trình” khiến nông dân loay hoay không biết lựa chọn phương pháp nào phù hợp.

Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL đưa ra các thông số cụ thể về lượng giống gieo sạ, liều lượng phân bón. Ảnh: Kim Anh.

Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL đưa ra các thông số cụ thể về lượng giống gieo sạ, liều lượng phân bón. Ảnh: Kim Anh.

Để tạo thành một quy trình thống nhất áp dụng trong toàn vùng ĐBSCL, trên cơ sở các quy trình kỹ thuật giảm chi phí sản xuất lúa của các địa phương, doanh nghiệp, cũng như các khuyến cáo, ý kiến của các nhà khoa học, ngày 25/4 vừa qua, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đưa ban hành quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN về việc công nhận “Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL”.

Theo quyết định này, quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL gồm 7 công đoạn: làm đất, chuẩn bị đồng ruộng; chuẩn bị hạt giống; phân bón; quản lý nước tiết kiệm hiệu quả; quản lý dịch hại; thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; phạm vi, địa điểm áp dụng quy trình.

Điểm nhấn của quy trình này là việc giảm lượng giống gieo sạ, một trong những nhân tố quan trọng quyết định thành bại của vấn đề giảm chi phí sản xuất. Quy trình khuyến cáo nông dân, tùy theo từng vụ, điều kiện sinh thái, thời tiết và từng nhóm giống, lượng giống gieo sạ không quá 80 kg/ha cho phương pháp sạ lan (sạ bằng tay, máy phun hạt), sạ hàng hoặc không quá 60 kg/ha cho phương pháp sạ theo cụm (khóm).

Sử dụng giống cấp xác nhận có thị trường tiêu thụ tốt, phù hợp điều kiện canh tác của địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Sử dụng giống cấp xác nhận có thị trường tiêu thụ tốt, phù hợp điều kiện canh tác của địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, khi thực hiện phương pháp này bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp để đảm bảo mật độ khi giảm giống lúa gieo sạ như: Làm đất (mặt bằng, xẻ rãnh); giống xác nhận; xử lý hạt giống bằng chế phẩm sinh học; bón lót phân lân; phòng trừ cỏ thật tốt; chủ động nước; phân bón lá tăng cường sức nảy mầm, mạ khỏe, cây mập, đẻ nhánh sớm…

Song song đó, trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, quy trình kỹ thuật vừa được công nhận này cũng hướng tới cơ cấu lại lượng bón phân cho từng vùng sinh thái và từng mùa vụ nhất định.

Trong đó, lượng phân bón được khuyến cáo sử dụng đối với vụ đông xuân là 90 – 100 kg/ha đạm (phân urê); 30 – 40 kg/ha lân và 30 kg/ha kali. Còn với vụ hè thu, tùy từng vùng sinh thái bà con cân đối sử dụng từ 80 – 100 kg/ha đạm; 40 – 50 kg/ha lân; 30 kg/ha kali. Đối với vùng ngọt cơ cấu 3 vụ lúa/năm trong vụ thu đông nên sử dụng lượng phân bón dao động từ 80 – 90 kg/ha đạm; 50 kg/ha lân và 40 kg/ha kali.

Đặc biệt bà con nông dân khi sử dụng phân bón cần đảm bảo các nguyên tắc: Bón đạm nặng đầu nhẹ cuối, có gia giảm theo thực trạng cây lúa; bón lân sớm, tập trung bón lót, bón đợt 1, đợt 2; bón kali tập trung cho đợt đón đòng, có thể bổ sung cho đợt 1 nếu cần thiết.

Việc Cục Trồng trọt công nhận quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL góp phần gọt dũa lại các công đoạn trong từng quy trình hiện đang triển khai tại các địa phương, để tạo nên một quy trình thống nhất áp dụng cho toàn vùng. Bên cạnh giúp giảm chi phí sản xuất, quy trình cũng tạo ra hàng rào kỹ thuật kiểm soát chất lượng sản xuất lúa gạo, phục vụ những mục tiêu xa hơn trên chặng đường nâng tầm thương hiệu gạo Việt.

Doanh nghiệp giống, phân bón, thuốc BVTV phải tuân thủ quy trình

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Chánh văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL, việc giá phân bón tăng rất cao như hiện nay, trong khi đó năng suất, giá bán lúa của người dân vùng ĐBSCL lại khó có thể tăng thêm trong thời gian tới. Muốn nông dân có được lợi nhuận, không còn cách nào khác là phải thực hiện giảm được chi phí trong sản xuất.

Thời gian qua, các chương trình tập huấn, hướng dẫn quy trình giảm chi phí sản xuất lúa của địa phương, các mô hình điểm trình diễn canh tác lúa thông minh của doanh nghiệp đã được triển khai rộng khắp trên đồng ruộng. Điển hình như Chương trình canh tác lúa thông minh của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền thực hiện tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Hay chương trình đưa sản phẩm men vi sinh Emuniv vào xử lý rơm rạ trên đồng ruộng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam… Bà con nông dân khi tham gia các mô hình này đều ghi nhận kết quả giảm lượng lúa giống, giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV rất đáng kể. Thế nhưng theo đánh giá của Cục Trồng trọt hiệu quả lại chưa được như kỳ vọng. “Trong từng quy trình của các địa phương đã làm từ trước đến nay, ngay cả các công đoạn trong sản xuất lúa của các doanh nghiệp hiện nay đang có những vấn đề”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh thêm.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã đưa ra những con số “giật mình”, trong một số nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nông dân đang sử dụng các yếu tố đầu vào như giống, phân bón, thuốc BVTV…vượt quá so với mức khuyến cáo của ngành nông nghiệp, cụ thể là hơn 30%. Điều này đồng nghĩa, hàng năm hơn 30% các chi phí sản xuất bị lãng phí.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, nông dân trồng lúa ĐBSCL đang lãng phí gần 170 triệu USD mỗi năm do sử dụng các yếu tố đầu vào không hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, nông dân trồng lúa ĐBSCL đang lãng phí gần 170 triệu USD mỗi năm do sử dụng các yếu tố đầu vào không hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Đáng báo động hơn, khi hàng năm tại vùng ĐBSCL nông dân trồng lúa đang lãng phí gần 170 triệu USD do sử dụng các yếu tố đầu vào không hiệu quả. “Nếu nông dân tiết kiệm được mỗi năm hơn 170 triệu USD thì số tiền này đủ lớn để nông dân tái đầu tư, việc giảm chi phí này cũng cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường rất nhiều”, ông Bình cho hay.

Cũng theo ông Bình, nếu nông dân ở ĐBSCL sản xuất theo đúng quy trình khuyến cáo của ngành nông nghiệp thì có thể giảm được 20% chi phí. Hiện nay, sau nhiều lần khảo sát tại một số địa phương ĐBSCL, ông Bình nhận thấy một số tỉnh đã thực hiện vượt hơn con số này lên tới 30%. Trước bối cảnh phân bón, thuốc BVTV nằm ở ngưỡng cao thì việc giảm chi phí này càng có ý nghĩa, tạo động lực cho nông dân áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nếu nông dân sản xuất theo đúng quy trình khuyến cáo của ngành nông nghiệp có thể giảm được 20% chi phí. Ảnh: Kim Anh.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nếu nông dân sản xuất theo đúng quy trình khuyến cáo của ngành nông nghiệp có thể giảm được 20% chi phí. Ảnh: Kim Anh.

Với quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL được Cục Trồng trọt công nhận trên cơ sở tổng hợp mang tính chất chung, khái quát để có thể phổ biến cho toàn vùng. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL cam kết thực hiện theo quy trình này. Song song đó, yêu cầu các doanh nghiệp về giống, phân bón, thuốc BVTV thực hiện mô hình tại địa phương phải tuân thủ, để dần dần lan tỏa quy trình.

“Dần dần mưa dầm thấm lâu, để nông dân thay đổi thói quen vô cùng khó khăn, phải có những cam kết mạnh mẽ của các địa phương. Góp phần trong chỉ đạo sản xuất của Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan, tạo thành một phong trào rộng khắp, đánh giá hiệu quả giảm chi phí sản xuất trong thời gian ngắn nhất. Tới đây, Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục xây dựng thêm các quy trình giảm chi phí trên các loại nông sản chủ lực khác” - ông Cường nhấn mạnh.

Được biết, Cục Trồng trọt đang có kế hoạch triển khai quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí, nâng cao hiệu quả tại ĐBSCL cho từng giai đoạn, từng thời kỳ cụ thể, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất có thể.

Ngày 29/5 vừa qua, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 4, tổ chức tại tỉnh Sơn La, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định tiết giảm chi phí sản xuất là “mệnh lệnh”, nếu quyết tâm nông dân sẽ thực hiện được. Từ các chuyến thị sát thực tế ở một số địa phương, Bộ trưởng nhận thấy nhiều nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, cách làm này giúp nông dân giảm đáng kể chi phí phân bón, mua vật tư nông nghiệp.

Bộ trưởng cũng chỉ ra hai yếu tố giúp nông dân thực hiện giảm chi phí sản xuất hiệu quả đó là tham gia HTX, từ đây nông dân có thể mua sỉ vật tư, phân bón với mức giá tiết kiệm hơn. Đó là hai yếu tố cấu thành giúp nông dân làm chủ được sản xuất, giảm bớt sự phụ thuộc vào biến động của thị trường.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất