| Hotline: 0983.970.780

Điện gió ken đặc đất lửa Quảng Trị

[Bài 5] Phá vỡ quy hoạch, mâu thuẫn dân sinh là trách nhiệm của chính quyền

Thứ Sáu 06/08/2021 , 08:58 (GMT+7)

Công trình Điện gió lấn vào vùng quy hoạch cà phê, doanh nghiệp thi công cày xới vào nghĩa trang của dân khi chưa GPMB... Vậy vai trò quản lý nhà nước ở đâu?

Trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện diện dày đặc các công trình điện gió. Ảnh: Công Điền.

Trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện diện dày đặc các công trình điện gió. Ảnh: Công Điền.

Đi nhanh, về chậm

Năm 2015, Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ 4 dự án với tổng công suất 110MW.

Chỉ 6 năm sau tỉnh này có đến 84 dự án điện gió được đề xuất, quy mô công suất tăng vọt trên 4.030MW. Hiện tại 31 dự án chính thức được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, số còn lại (53 dự án) đang xem xét, bổ sung quy hoạch. Ngoài ra phải kể thêm 8 dự án khác đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung với tổng công suất 1.620MW.

Bấy nhiêu thôi đủ để thấy khát vọng vươn tầm “thủ phủ năng lượng điện gió” của Quảng Trị lớn đến nhường nào. Dồn toàn lực cho mục tiêu trọng điểm, tiếc thay thành quả thu về lại rất đáng lưu tâm, chí ít là đến lúc này.

Phần lớn các dự án điện gió đều được dồn về huyện miền núi Hướng Hóa. Ảnh: Việt Khánh.

Phần lớn các dự án điện gió đều được dồn về huyện miền núi Hướng Hóa. Ảnh: Việt Khánh.

Theo tìm hiểu của Nông nghiệp Việt Nam, trong số 26 dự án đang triển khai đầu tư chỉ 1/2 (Hướng Phùng 2 - 20MW, Hướng Phùng 3 - 30MW, Gelex 1-2-3 (3x30MW), Hướng Linh 7 - 30MW, Hướng Linh 8 - 25,2MW, Phong Huy - 48MW, Phong Liệu - 48MW, Phong Nguyên - 48MW, Hướng Tân - 48MW, Tân Linh - 48MW, Liên Lập - 48MW) cơ bản hoàn thành đúc móng trụ tua bin, phần lớn đang chạy hết tốc lực để đẩy nhanh công tác vận chuyển, lắp đặt trang thiết bị.

Bên cạnh đó, 5 dự án khác là AMACCAO Quảng Trị 1 - 50MW, Tài Tâm - 50MW, Hoàng Hải - 50MW, Hướng Hiệp 1 - 30MW, Hướng Linh 3 - 30MW cũng đang tận dụng tất cả những gì có thể để cụ thể hóa mục tiêu.

Dự án Tài Tâm mới chỉ có quyết định thuê đất đối với 239.933m2, diện tích thiếu hụt còn lại (80.367m2) thuộc hạng mục bãi tạm thời, khu phụ trợ, một số tuyến đường nội bộ, turbin TT07; Hoàng Hải cơ bản hoàn thành 259.370m2, hiện đang vướng 65.630m2. Tính toán sơ bộ, họa lắm đến giữa tháng 8/2021 cả 2 dự án này mới hoàn thành thủ tục pháp lý về mặt đất đai.

Cuối cùng là dự án Amaccao Quảng Trị 1 của Công ty cổ phần điện gió Khe Sanh, công trình trải dài khắp các xã Húc, Tân Liên, Hướng Lộc, Tân Hợp và Thị trấn Khe Sanh với quy mô 221.000m2. Hiện doanh nghiệp mới chỉ nắm trong tay chưa được phân nửa (97.716m2), phần còn lại (123.284m2) đang… xa tít mù khơi.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, dự kiến đến ngày 31/10/2021 có tối đa 18 dự án điện gió đi vào vận hành thương mại. Như vậy đồng gần chục cái tên khác sẽ chính thức lỗi hẹn.

Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo đang góp phần bóp chẹt quy hoạch cà phê tại huyện Hướng Hóa. Ảnh: Công Điền.

Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo đang góp phần bóp chẹt quy hoạch cà phê tại huyện Hướng Hóa. Ảnh: Công Điền.

Điện gió phá vỡ… quy hoạch cà phê

Chưa cần bàn đến những nút thắt trong công tác GPMB hay tác động môi trường, chỉ riêng việc ưu ái quỹ đất cho các dự án điện gió thôi đã trực tiếp phá vỡ quy hoạch nông nghiệp của huyện Hướng Hóa, cụ thể là sản phẩm cà phê nức tiếng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị ban hành chỉ tiêu duy trì ổn định diện tích cà phê 5.000 ha. Tuy nhiên do thị trường không đảm bảo (giá sản phẩm giảm sâu, chi phí đầu vào tăng cao…), cộng với tác động từ chính các dự án điện gió khiến nhiệm vụ “tái canh và phát triển bền vững cây cà phê” đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Xin được nói thêm, huyện Hướng Hóa là vùng trồng cà phê Arabica chủ yếu của tỉnh Quảng Trị và khu vực Bắc Trung Bộ, hơn 100 năm trước người Pháp đưa cây cà phê đến trồng trên vùng đất đỏ bazan Khe Sanh, đến nay cây cà phê vẫn kiên trì bám rễ, là nguồn sống cho biết bao đồng bào nơi vùng đất biên cương.

Cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa luôn giữ vị thế tiên phong trong vùng cà phê chè miền Trung với quy mô khoảng 5.000 ha, tập trung phần lớn tại tại các xã Hướng Phùng , Hướng Linh, Tân Liên, ngoài ra còn phân bổ rải rác ở Hướng Tân, Hướng Sơn, Phùng Lâm và Húc. Oái oăm thay, những vị trí nêu trên lại nằm trong quy hoạch phát triển điện gió.

Thương hiệu cà phê Khe Sanh đang bị đe dọa, kéo theo đời sống của cơ man đồng bào vùng cao bị ảnh hưởng trầm trọng. Ảnh: Công Điền.

Thương hiệu cà phê Khe Sanh đang bị đe dọa, kéo theo đời sống của cơ man đồng bào vùng cao bị ảnh hưởng trầm trọng. Ảnh: Công Điền.

Lo ngại hệ lụy, UBND huyện Hướng Hóa đã nêu ý kiến thông qua Công văn số 108/BC-UBND ngày 9/3/2021: “… hiện nay một số dự án năng lượng đầu tư trên địa bàn làm ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, trong đó có diện tích cây cà phê. Kính đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh xem xét, trình UBND tỉnh cho phép chuyển đổi từ 1.000 – 1.500 ha sang trồng cây ăn quả khác như sầu riêng, bơ , mít thái. Diện tích duy trì và phát triển dao động từ 3.500 – 4.000”.

Phương án trên khá phù hợp với điều kiện thực tại, dù vậy tỉnh Quảng Trị vẫn chưa chấp thuận (?!)

Bên cạnh lợi ích kinh tế, các dự án điện gió tại Hướng Hóa đang gây nên không ít phiền lo. 

Bên cạnh lợi ích kinh tế, các dự án điện gió tại Hướng Hóa đang gây nên không ít phiền lo. 

Doanh nghiệp thi công cày xới cả nghĩa trang

Chưa làm thủ tục GPMB xong, doanh nghiệp đã cày vào đất của dân, thậm thí còn thi công vào đất nghĩa địa khiến nhân dân phản kháng quyết liệt. Bị chỉ mặt đặt tên, nêu đích danh trong trường hợp này là Công ty cổ phần điện gió Khe Sanh, chủ đầu tư dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1.

Ngày 27/7, chia sẻ với Nông nghiệp Việt Nam, ông Phan Châu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Liên khẳng định, mâu thuẫn bắt nguồn khi doanh nghiệp thi công vào đất rừng ma (nghĩa địa) của dân, ghi nhận có 65 hộ bị ảnh hưởng: “Doanh nghiệp cày vào đất của dân thì dân họ rào lại, về lý dân không sai. Cái sai lớn nhất của công ty là làm không đúng quy trình. Bà con yêu cầu công bằng giữa các hộ, diện tích giống nhau, cây cối giống nhau nhưng đền bù người thấp người cao nên họ không chấp nhận”.

Quá trình thi công của Nhà đâu tư không đảm bảo như cam kết. Ảnh: Công Điền.

Quá trình thi công của Nhà đâu tư không đảm bảo như cam kết. Ảnh: Công Điền.

Đề cập đến áp lực mà chính quyền cấp xã phải đối mặt khi dự án điện gió triển khai, ông Tuấn nói một tràng: Xã thực hiện theo chủ trương nhưng người dân lại nghĩ chúng tôi làm việc cho dự án. Doanh nghiệp làm sai quy trình thành thử áp lực dồn xuống cán bộ xã, có thể nói phá vỡ luôn cả hệ thống chính trị cấp xã bởi dân không tin cán bộ.

Doanh nghiệp đi đến nhà dân mà có cán bộ xã đi theo là không đồng ý, họ chỉ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để được đền bù giá cao, không theo quy định nào cả.

Hồ sơ thủ tục, pháp lý nhiều dự án chưa hoàn thành, phần nhiều đều xuất phát từ khúc mắc GPMB mà ra. Ảnh: Việt Khánh.

Hồ sơ thủ tục, pháp lý nhiều dự án chưa hoàn thành, phần nhiều đều xuất phát từ khúc mắc GPMB mà ra. Ảnh: Việt Khánh.

Về thủ tục triển khai dự án Amaccao, đến nay xã chỉ nhận được thông báo thu hồi đất của huyện, còn không có bất cứ văn bản giấy tờ nào liên quan đến pháp lý. Xã cũng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thủ tục nhưng không được đáp ứng…

Lãnh đạo xã Tân Liên xác nhận, đến nay đã tiếp nhận chục lá đơn phản ánh điện gió Amaccao và các dự án khác thi công không đảm bảo, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ruộng lúa dân bản.

Bức xúc ra mặt, bà Hồ Thị Mun, người dân thôn (bản) Cheng gay gắt: “Gia đình tôi có gần 1 mẫu ruộng, điện gió Amaccao thi công rầm rộ làm đất đá tràn hết xuống ruộng, đến nay họ vẫn chưa đền bù”.

Bà Mun khẳng định ruộng lúa của gia đình bị vùi lấp đáng kể khi thi hành dự án điện gió Amaccao. Ảnh: Công Điền.

Bà Mun khẳng định ruộng lúa của gia đình bị vùi lấp đáng kể khi thi hành dự án điện gió Amaccao. Ảnh: Công Điền.

Một chủ trương lớn nhưng đang được triển khai theo hình thức chắp vá, vấp ở đâu xử lý ở đó khiến sự thể liên tục đứt đoạn. Doanh nghiệp và người dân mâu thuẫn sâu sắc, dĩ nhiên trách nhiệm của chính quyền các cấp chưa được làm tròn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.