| Hotline: 0983.970.780

[Bài 5]: Trợ lực công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

Chủ Nhật 09/10/2022 , 17:42 (GMT+7)

Nhằm khai thác, tận dụng tốt nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỉnh Tây Ninh đã xây dựng chính sách hỗ trợ công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

Còn nhiều bất cập

Theo Chi cục thủy lợi tỉnh Tây Ninh, tỉnh hiện có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh với 1.742 tuyến kênh, trong đó, 1.185/1.742 tuyến được kiên cố hoá với chiều dài 1.153,4km/1.619,5km, đạt tỷ lệ 71,22%. Kênh tiêu 215 tuyến, với chiều dài 576,146 km (196 tuyến kênh tiêu, chiều dài 501,429 km; 19 tuyến suối, rạch đã được đầu tư thành kênh tiêu có chức năng phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp dài 74,717 km, phân bố trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố).

Một số tuyến kênh chưa được duy tu sửa chữa, chưa phát huy hết công năng. Ảnh: Trần Trung.

Một số tuyến kênh chưa được duy tu sửa chữa, chưa phát huy hết công năng. Ảnh: Trần Trung.

Tuy nhiên, địa phương còn tồn tại khoảng 393 tuyến kênh đất, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, thường xuyên bị thấm, rò rỉ, thất thoát nước, gây tổn thất lãng phí nguồn nước trên hệ thống kênh tưới tương đối lớn, thậm chí bị bồi lắng, chưa phát huy hết được công năng.

Đơn cử, mặc dù có hệ thống kênh tiêu bằng đất, do nhiều năm chưa được nạo vét, nâng cấp, kênh bị bồi lắng nghiêm trọng, cuối tháng 8 vừa qua, sau một trận mưa lớn đã nhấn chìm gần 600 ha lúa của người dân tại cánh đồng Phước Lễ, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.

Theo ông Đỗ Tuấn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh, dù có hệ thống kênh tiêu nhưng do lâu ngày không được cải tạo, cỏ mọc, bị bồi lắng nên khi có mưa lớn kéo dài như đợt mưa vừa qua đã bị ngập úng cục bộ kéo dài gây thiệt hại nặng nề.

Với trách nhiệm là lãnh đạo địa phương, ông Đỗ Tuấn Kiệt cũng nhận thấy hệ thống kênh tiêu tại cánh đồng hơn 600 ha bị ngập vừa qua cần được ngành nông nghiệp, cơ quan chức năng có giải pháp như nạo vét hoặc đầu tư thêm kênh tiêu để phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã trong thời gian tới.

Các tuyến kênh phục vụ dưới 50 ha sản xuất hầu hết là kênh đất do sử dụng lâu ngày nên hầu hết bị bồi lắng, chưa phát huy hết công năng. Ảnh: Trần Trung. 

Các tuyến kênh phục vụ dưới 50 ha sản xuất hầu hết là kênh đất do sử dụng lâu ngày nên hầu hết bị bồi lắng, chưa phát huy hết công năng. Ảnh: Trần Trung. 

Theo ông Trần Quang Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi tỉnh Tây Ninh, hiện nay, nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa công trình thuỷ lợi được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm, trung bình mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp thuỷ lợi và khoảng 23 tỷ đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm dịch vụ, công ích thuỷ lợi để sửa chữa công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh. Do đó, nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, làm mới kênh dưới 50 ha hầu như không có. Vì vậy, việc đầu tư kiên cố hoá kênh tưới dưới 50 ha trên địa bàn tỉnh cần có chính sách đầu tư.

Cánh đồng mênh mong nước do tiêu thoát nước không kịp vào mùa mưa. Ảnh: Hồng Thủy.

Cánh đồng mênh mong nước do tiêu thoát nước không kịp vào mùa mưa. Ảnh: Hồng Thủy.

Ngoài ra, các tuyến kênh tưới dưới 50 ha chủ yếu là kênh đất, đã xuống cấp hiệu quả sử dụng nước tưới trên một đơn vị diện tích thấp chưa được đầu tư kịp thời để mở rộng vùng tưới; kết quả tỷ lệ kiên cố hoá đạt 70%, kết quả tưới đạt 75,8% so diện tích thiết kế; chưa đáp ứng nhu cầu cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trợ lực công trình

Trước những khó khăn, vướng mắc trong phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng tại địa phương, HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh .Theo đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng và kiên cố kênh mương với mức hỗ trợ 70% giá trị đầu tư xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức hỗ trợ không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Đối với mức hỗ trợ này, địa phương ưu tiên hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí thủy lợi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Việc hỗ trợ công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng giai đoạn 2022-2030 của tỉnh Tây Ninh là hết sức cần thiết. Ảnh: Hồng Thủy.

Việc hỗ trợ công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng giai đoạn 2022-2030 của tỉnh Tây Ninh là hết sức cần thiết. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, việc xây dựng quy định chính sách hỗ trợ công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ kinh phí để đầu tư kiên cố hoá kênh tưới dưới 50 ha, đồng bộ với hệ thống kênh mương hiện có, mở rộng vùng cấp nước, kết nối đồng bộ với hạ tầng giao thông, từng bước hiện đại hoá hệ thống công trình thuỷ lợi, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường, giảm thiểu các thiệt hại do nguồn nước gây ra.

Theo đó, đối với việc đầu tư công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng giai đoạn 2022-2030, tỉnh có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa và kiên cố hoá 393 tuyến kênh với tổng chiều dài là 129,67km, tổng mức đầu tư là 172,03 tỷ đồng phục vụ tưới 8.034 ha, trung bình một đơn nguyên kênh kiên cố hoá chiều dài 6m với kinh phí 7,96 triệu đồng.

Giai đoạn 2022-2030 dự kiến Tây Ninh sẽ đầu tư là 172,03 tỷ đồng nâng cấp sửa chữa các công trình. Ảnh: Trần Trung.

Giai đoạn 2022-2030 dự kiến Tây Ninh sẽ đầu tư là 172,03 tỷ đồng nâng cấp sửa chữa các công trình. Ảnh: Trần Trung.

Trong đó, giai đoạn 2022-2025, nâng cấp, sửa chữa và bê tông hoá là 230 tuyến kênh và công trình trên kênh với tổng chiều dài là 70,38km, tổng mức đầu tư là 93,37 tỷ đồng để phục vụ cấp nước cho diện tích tưới thiết kế là 4.871 ha.

Giai đoạn 2026-2030, nâng cấp, sửa chữa và bê tông hoá là 163 tuyến kênh và công trình trên kênh với tổng chiều dài là 59,29 km, tổng mức đầu tư là 78,66 tỷ đồng để phục vụ cấp nước cho diện tích tưới thiết kế là 3.433 ha.

Hiện nay, người dân sử dụng nước tưới từ công trình thuỷ lợi do nhà nước đầu tư đều không phải trả phí. Chính vì vậy, nguồn vốn đầu tư cho công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng của tỉnh rất hạn chế, chủ yếu từ kinh phí sự nghiệp thuỷ lợi, để đồng bộ, kết nối kênh thuỷ lợi nội đồng với công trình thuỷ lợi hiện có, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động, nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh rất có ý nghĩa.

Việc phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành, đơn vị liên quan góp phần nâng cao hiệu quả công trình thuỷ lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp.

Sở NN&PTNT đề nghị các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh lựa chọn danh mục công trình để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030 bố trí nguồn vốn đầu tư. Trong đó, ưu tiên các công trình cấp nước đến các vùng thường xuyên thiếu nước tưới, chưa có hệ thống thuỷ lợi”, ông Trần Quang Vinh nhấn mạnh.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.