| Hotline: 0983.970.780

Lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt

[Bài cuối] Bao năm chịu cảnh ăn đong, nghề rừng Nghệ An cần một lực đẩy

Thứ Ba 12/07/2022 , 06:52 (GMT+7)

Không phải câu chuyện của riêng Nghệ An, chế độ ít ỏi của ngành lâm nghiệp là thực trạng chung của cả nước, nếu không có 'bước ngoặt' sẽ khó khăn hơn nữa.

Nỗi cơ cực của lực lượng bảo vệ rừng Nghệ An đã toát lên bức tranh tổng quan chung của ngành lâm nghiệp lúc này. Ảnh: VK.

Nỗi cơ cực của lực lượng bảo vệ rừng Nghệ An đã toát lên bức tranh tổng quan chung của ngành lâm nghiệp lúc này. Ảnh: VK.

Khó giữ rừng với chính sách hiện tại

Nhắc lại câu chuyện ở Nghệ An, qua khảo sát dễ thấy cách bố trí lao động tại các chủ rừng thực sự đáng lưu tâm. Vườn Quốc gia Pù Mát, các Khu bảo tồn thiên nhiên được giao quản lý 227.435,64 ha/654.931,44 ha, chiếm 35% diện tích nhưng số lao động chỉ đạt 18% (tương đương 222 người); Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Tổng đội Thanh niên xung phong được giao 376.593,2 ha/654.931,44 ha, chiếm 58% diện tích nhưng lao động được bố trí chỉ đạt 36% (562 người). Trong khi đó, các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp nhà nước dù chỉ quản lý 50.902,62 ha/654.931,44 ha, chiếm 8% diện tích thôi nhưng lực lượng lao động chiếm đến 36% (433 người).

Được giao hơn 172.696 ha rừng nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn chỉ được bố trí 35 người. Việc nặng nhưng neo người, thành thử tình hình luôn căng như dây đàn. Ảnh: Việt Khánh.

Được giao hơn 172.696 ha rừng nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn chỉ được bố trí 35 người. Việc nặng nhưng neo người, thành thử tình hình luôn căng như dây đàn. Ảnh: Việt Khánh.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đứng tốp đầu về “nhiều rừng nhưng neo người”, đơn vị này được giao 172.696,29 ha, chiếm 26% diện tích rừng đã giao cho các chủ rừng là tổ chức quản lý nhưng chỉ có 35 người ngày đêm thay nhau quán xuyên, chiếm tỷ lệ ít ỏi 3%. Hay như Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, được giao 86.602,35 ha, chiếm 13% diện tích, được bố trí 60 người, chiếm 5%. Ngược lại, Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn chỉ giữ 3.634,4 ha (chiếm 1%) nhưng được bố trí đến 66 người, chiếm 5%, riêng số lượng viên chức lên đến 23 người. Nơi thừa thãi thái quá, nơi thiếu hụt trầm trọng càng khiến tình hình chung thêm phần rối rắm. 

Đó là một trong những nguyên nhân chủ quan, về khách quan lại càng gian nan hơn. Bàn đến yếu tố “đầu tiên”, suốt nhiều năm qua ngành lâm nghiệp Nghệ An luôn canh cánh với câu hỏi “tiền đâu”?

Nhân đây phải đề cập đến Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, riêng kinh phí phân bố cho công tác bảo vệ và phát triển rừng vô cùng ít ỏi.

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, thông qua 7 nội dung hỗ trợ (kinh phí khoán bảo vệ rừng; kinh phí quản lý bảo vệ rừng; kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên đang đóng cửa rừng tại các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp; bảo vệ rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên; tuần tra truy quét ngăn chặn hành vi phá rừng; Công tác phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững), giai đoạn 2016 - 2020 ngành lâm nghiệp Nghệ An luôn trong tình cảnh “ăn đong”.

Nhiều đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn luôn trong tình trạng 'ăn đong'. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn luôn trong tình trạng "ăn đong". Ảnh: Việt Khánh.

Chi tiết hơn, từ 2016 đến 2019 mỗi năm địa phương này chỉ được phân bổ khoảng 51 tỷ 600 triệu đồng, riêng năm 2020 “nhích” lên 56 tỷ đồng, con số trên chỉ bằng một phần nhỏ nhu cầu thực tế. Nói có sách mách có chứng, nếu áp dụng định mức khoán 300.000 đồng/ha (Nghị định 75/2015/NĐ-CP) cho hơn 786.550 ha rừng tự nhiên thì tổng tiền đã ngót nghét 236 tỷ đồng. Nếu tính toán chi ly toàn bộ diện tích rừng trong diện được hỗ trợ, thực chất toàn ngành cần trên dưới 300 tỷ đồng/năm mới đảm đương nổi.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, các đơn vị lâm nghiệp, đặc biệt là các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Tổng đội Thanh niên xung phong, các công ty lâm nghiệp đều mong ngóng những sự thay đổi mang tính bước ngoặt về chính sách, chế độ, có điều diễn biến trước mắt không lấy gì làm khả quan.

Đã qua 2 năm nhưng đến tận lúc này Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt (mới phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 05/8/2021). Trong khi đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng báo dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 dù đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 nhưng vốn thực hiện vẫn chưa được phân bổ. Cả 2 chính sách lớn “chưa thông” khiến mọi việc càng thêm phần bí bách hơn.

Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chưa được phê duyệt, 6 tháng đầu năm 2022 Nghệ An chưa có nguồn ngân sách hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: VK.

Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chưa được phê duyệt, 6 tháng đầu năm 2022 Nghệ An chưa có nguồn ngân sách hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: VK.

Vì lý do trên, 6 tháng đầu năm 2022 Nghệ An chưa có nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Để chữa cháy, ngày 3/6/2022 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1523/QĐ-UBND trích ngân sách, tạm cấp kinh phí sự nghiệp bảo vệ rừng năm 2022 với số tiền ít ỏi 7 tỷ 840 triệu đồng. Trước đó, kinh phí phân cho công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2021 cũng chỉ đạt hơn 33 tỷ đồng, bằng 60% so với năm 2020.

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước nhưng lực lượng kiểm lâm đang thiếu hụt trầm trọng, giai đoạn 2015-2021 đã thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW 74 người, tương ứng 19,22% (tính thêm những trường hợp nghỉ việc, thực chất đã giảm đến 104 người, ngược lại chỉ tuyển dụng được 30 người). Để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, nhất thiết phải tạm dừng tinh giản trong giai đoạn 2021-2025.

Khó khăn tứ bề

Tiếp nhận một số câu hỏi của PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở NN-PTNT Nghệ An đã có phản hồi khá chi tiết. Đơn vị này xác nhận tình trạng bỏ việc, chuyển công tác của lực lượng làm công tác bảo vệ rừng đang diễn ra khắp cả nước chứ không riêng gì Nghệ An. Nguyên nhân là địa bàn làm việc chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhưng thu nhập lại thấp, áp lực  lớn, trách nhiệm cao.

Đi sâu vào chi tiết, phần đa các chủ rừng trên địa bàn Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập có thu nhưng thực chất không có nguồn thu ổn định. Riêng các chủ rừng là các công ty lâm nghiệp được giao quản lý diện tích rừng sản xuất là rừng trồng, ngoại trừ Sông Hiếu và Lâm nghiệp Đô Lương đảm bảo được một phần kinh phí từ hoạt động kinh doanh, các đơn vị còn lại không thể tự cáng đáng do hoạt động kinh doanh gần như bằng không.

Các chủ rừng trên địa bàn Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập có thu nhưng thu không bù chi, đồng nghĩa quyền lợi của người lao động không đảm bảo. Ảnh: VK.

Các chủ rừng trên địa bàn Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập có thu nhưng thu không bù chi, đồng nghĩa quyền lợi của người lao động không đảm bảo. Ảnh: VK.

Ở khía cạnh khác, nếu bám theo Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg về quy chế quản lý rừng phòng hộ (700 ha rừng có 1 biên chế); Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng (tối đa 500 ha có 1 công chức kiểm lâm), đồng nghĩa tổng số biên chế cần để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tại các Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh phải là 820 người. Dù vậy, tổng biên chế từ trước đến nay mới chỉ bố trí 349 người, đáp ứng 43%. Thiếu hụt biên chế bắt buộc các chủ rừng phải ký hợp đồng lao động theo diện đơn vị tự trang trải, điều này chẳng khác nào đánh đố.

“Để chấm dứt thực trạng này, Sở NN-PTNT đã có kiến nghị Bộ NN-PTNT bổ sung chính sách để tạo nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp  bằng nguồn bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang trong thời gian đóng cửa rừng. Bên cạnh đó, đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất xây dựng Nghị quyết cơ chế đặc thù cho lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng trình HĐND trích ngân sách tỉnh hàng năm để bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng”, bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin.

Sau bao năm thiếu thốn đủ bề, lực lượng bảo vệ rừng vẫn lẫm lũi với công việc thường nhật. Ảnh: VK.

Sau bao năm thiếu thốn đủ bề, lực lượng bảo vệ rừng vẫn lẫm lũi với công việc thường nhật. Ảnh: VK.

Về chế độ ít ỏi của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Sở NN-PTNT khẳng định đây không phải là đối tượng được nhận khoán bảo vệ rừng được quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ, nếu triển khai sẽ sai chính sách.

"Sở NN-PTNT đã tham mưu xin đưa vào thuộc đối tượng nhận khoán về giao khoán bảo vệ rừng cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Nghệ An cấp kinh phí bảo vệ rừng cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ theo mức cấp khoản 2 điều 7 Quyết định 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng về chính sách đầu tư rừng đặc dụng, đó là hỗ trợ bảo vệ vùng đệm với kinh phí 100.000 đ/ha/năm", lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An thông tin.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các chủ rừng là lực lượng nòng cốt, thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, vừa trực tiếp tuần tra rừng lại có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, nghiệm thu cho các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng. Khối lượng công việc nặng nề, áp lực thường trực đè nặng nhưng họ chưa có một chính sách cụ thể để đảm bảo cuộc sống thường nhật, đó là nghịch lý. Mức 100.000 đồng/ha/năm tiền hỗ trợ là không đủ, đội ngũ này xứng đáng được quan tâm, chăm lo hơn thế.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.