| Hotline: 0983.970.780

Lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt: [Bài 1] Giữ rừng Kỳ Sơn, bao người bỏ quên xuân xanh trên đỉnh trời

Thứ Tư 06/07/2022 , 16:29 (GMT+7)

Núi đồi Kỳ Sơn trùng trùng điệp điệp, nơi đó những người giữ rừng vẫn lầm lũi với công việc thường nhật. Có lẽ thời gian và nhịp sống đã quên mất họ là ai?

Xuất phát từ những yếu tố mang tính đặc thù, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Kỳ Sơn vô cùng khó nhọc. Ảnh: Việt Khánh.

Xuất phát từ những yếu tố mang tính đặc thù, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Kỳ Sơn vô cùng khó nhọc. Ảnh: Việt Khánh.

 2 người “gánh” 18.337ha rừng

Kỳ Sơn là dãy đất cao nhất của tỉnh Nghệ An, nơi được ví von như cổng trời xứ Nghệ. Đất này lắm núi nhiều sông, địa hình hiểm trở, rừng muôn phương ngàn hướng trải dài ngút mắt, bởi thế công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây vô cùng gian nan và đầy trắc trở.

Đành rằng “bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả cộng đồng” nhưng thực tế bấy lâu gánh nặng chủ yếu đè lên đôi vai gầy của cánh lâm nghiệp, như tại Kỳ Sơn trọng trách đó thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn. 33 con người gồm cả biên chế lẫn hợp đồng chuyên trách thay nhau quán xuyên hơn 177.000ha rừng, chung quy mỗi người gồng gánh trên 5.300ha, một con số khổng lồ, nếu không muốn nói là phi thực tế.

Trạm Quản lý bảo vệ rừng Na Loi có 2 cán bộ được giao quán xuyến... 18.337ha rừng. Ảnh: Việt Khánh.

Trạm Quản lý bảo vệ rừng Na Loi có 2 cán bộ được giao quán xuyến... 18.337ha rừng. Ảnh: Việt Khánh.

Bất cập là vậy nhưng phận đã mang vào người thì vẫn phải gắng sức, trong bối cảnh cơ chế còn lắm bất cập đòi hỏi anh em trong nghề chỉ biết động viên, dựa vào nhau cùng vượt qua khốn khó. Chuyện tưởng như bịa nhưng là sự thật hiển nhiên, lấy Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Na Loi (thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Kỳ Sơn) làm điểm, dù được giao đến 18.337ha nhưng vì thiếu hụt quân số trầm trọng thành thử đơn vị này chỉ có thể bố trí… 2 cán bộ thay phiên nhau quần thảo chốn rừng thiêng nước độc.

Na Loi cách trung tâm thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) trên dưới 40km, già nửa là những cung đường khổ ai. So với trước, nhiều điểm đường đã được đổ đá cấp phối nhưng chừng đó chưa nói lên nhiều điều. Xuất phát từ tính chất đặc thù, càng trên cao ẩm độ không khí càng lớn, nền đất quanh năm chịu cảnh ẩm ướt, gặp mưa rả rích khó tránh khỏi xuống cấp.

Mưa rừng âm ỉ suốt từ ngày này sang tháng khác đã bào mòn bề mặt cung đường vốn chẳng được đầu tư đến nơi đến chốn, sau mỗi lần mưa lượng lớn đất đá lại bị rửa trôi, nhiều nơi đá trồi lên lô nhô đến kinh người. Khó nhằn là vậy nhưng đấy mới là một phần nhỏ áp lực mà những người mang trọng trách bảo vệ rừng phải đối mặt, sâu thẳm phía sau là những góc khuất khó có thể giãi bày hết.

Tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Na Loi, anh Nguyễn Phương Bình là Trạm trưởng. Anh Bình vào ngành từ tháng 11/2005, qua 17 năm công tác dấu chân lầm lũi đã in khắp đất rừng Kỳ Sơn. Trước khi được phân công về Na Loi, anh Bình đã dừng chân ở Phà Đánh, ở Huội Tụ, rồi Mường Lống, tất thảy đều là những điểm xa tít mù khơi và ẩn chứa hàng loạt hiểm nguy.  

“Công tác quản lý bảo vệ rừng gần như chưa có nổi giây phút thảnh thơi, anh em xác định gắn bó với nghề là chịu nhiều thua thiệt đắng cay. Quanh năm suốt tháng bám riết núi rừng lấy thời gian đâu để làm tròn bổn phận, trách nhiệm với gia đình, với vợ con, xét đến khía cạnh kinh tế cũng không nốt. Nghề này đối diện với muôn vàn áp lực, trước nhất là áp lực công việc thường nhật, hai là áp lực với người thân, sau nữa là áp lực với chính bản thân mình. Bỏ thì thương mà vương thì tội, lắm lúc đau đáu, dằn vặt lắm”, Trạm trưởng Bình trải lòng.

Hiện anh Bình cùng đồng nghiệp Trần Kim Trâm, người có thâm niên trên 30 năm trong ngành đang trực tiếp phụ trách, quản lý trên 18.000ha, trải dài khắp 3 xã Na Loi, Keeng Đu, Đọoc Mạy. Hằng tháng 2 người có 8 ngày nghỉ, gồm 2 ngày tại trạm, 6 ngày còn lại tự bố trí.

Lý thuyết là vậy nhưng vì thu nhập còm cõi, trạm lại neo người, phòng khi có sự cố bất chợt xảy đến nên thi thoảng lắm các anh mới “xuống núi” với gia đình. Kể ra cũng chẳng còn lựa chọn, với 18.337ha rừng, trong đó hàng chục km đường biên, từ trạm lên đến điểm tận cùng dài trên 30km đường chim bay, mỗi chuyến tuần tra kéo dài dăm bảy ngày thì hoàn thành xong cũng rã rời chân tay, tinh thần, sức lực đâu nữa mà đèo bòng chuyện khác.

Đường rừng hiểm trở, lên hay xuống đều là cực hình, do đó hành trang tuần tra càng giản đơn càng tốt, thường chỉ gói gọn 1 bộ tăng võng, quần áo, nhu yếu phẩm thiết yếu (lương khô, nước lọc, mì gói). Nghề này không cố định hành trình, bạ đâu ăn đấy, vạ đâu ngủ đấy là chuyện thường ngày. Xuất phát từ quy định chung về “bảo vệ rừng tận gốc”, để hoàn thành công việc đòi hỏi phải túa đi nhiều hướng, nhiều bận phải di chuyển đến những điểm xa nhất, khó nhằn nhất.

Theo như tâm tư của chính những người trong cuộc, cực hơn cả là những chặng băng rừng lội suối chinh phục đỉnh Puxailaileng xa tít tắp, nơi thuộc biên giới xã Na Ngoi với độ cao đến 2.720m. Càng lên cao dốc càng thăm thẳm, ẩm thấp kết hợp với mưa rừng khiến đường trơn tựa đổ mỡ, chỉ một thoáng bất cẩn có thể gặp họa bất cứ lúc nào khi những phiến đá tai mèo nhe nhanh sắc nhọn chực chờ, sẵn sàng “chém ngọt” khi sẩy chân.

Hành trang giản đơn như thế này thôi nhưng đôi chân của Trạm trưởng đã in dấu khắp chốn Phà Đánh, Huội Tụ, Mường Lống. Ảnh: Việt Khánh.

Hành trang giản đơn như thế này thôi nhưng đôi chân của Trạm trưởng đã in dấu khắp chốn Phà Đánh, Huội Tụ, Mường Lống. Ảnh: Việt Khánh.

Một lần xuống dốc, do sơ ý anh Bình bị đá cắt một vết sâu hoắm sau bàn chân phải, băng bó, lê lết mãi mới về được đến trạm. Vết thương khá hiểm buộc phải điều trị non nửa tháng trời, bó gối một chỗ khiến khối lượng công việc dồn toa, thành thử bức bí vô cùng. Lần khác, do chặng đường tuần tra quá dài đành dừng chân qua đêm ngay giữa rừng vắng, ngặt nỗi tiết trời vào mùa đông giá, nền nhiệt chỉ khoảng 1 - 2oC, không khí giảm sâu đột ngột khiến anh Bình bị choáng nặng.

“Ngâm” mình suốt nhiều giờ liền trong cái lạnh cắt da cắt thịt khiến phế quản bị co thắt, báo hại về sau thở dốc liên hồi suốt thời gian dài, lắm khi lại hắt ra những tiếng khó nhọc.

Núi rừng thăm thẳm chẳng biết đường nào mà lần, ẩn sau những cánh rừng xanh mướt mắt là hàng loạt nguy cơ có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, nghiệt ngã thay đây là suy tư của số đông anh em lâm nghiệp. Không là ngoại lệ, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Na Loi cũng có cho mình kỷ niệm nhớ đời.

“Đã qua 3 năm rồi nhưng mỗi khi nghĩ lại vẫn chưa hết rùng mình, trong chuyến tuần rừng ở bản Noọng Hán, xã Đoọc Mạy chúng tôi phát hiện một vụ vi phạm lâm luật nên tiến hành lập biên bản theo quy định, qua đó thu giữ toàn bộ số tang vật liên quan. Dù đã ra sức giải thích, phổ biến pháp luật nhưng các đối tượng vi phạm vẫn khư khư quan điểm khai thác lâm sản về làm nhà là nhu cầu thiết yếu. Cho rằng chúng tôi cố tình gây khó dễ, họ lôi kéo, kích động cả bản ra chống đối, nhiều người mang theo gậy gộc, giắt cả dao mẹo đến đe dọa, một số khác mạnh động hơn còn tỏ rõ ý định dùng xăng để đốt xe của anh em, không khí lúc đó căng thẳng tột độ.

Nơi rừng thiêng nước độc ẩn chứa muôn vàn nguy cơ với lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: Việt Khánh. 

Nơi rừng thiêng nước độc ẩn chứa muôn vàn nguy cơ với lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: Việt Khánh. 

Để đảm bảo an toàn tính mạng, Trạm đã báo cáo lên cấp trên chờ phương án xử lý. Nhờ sự can thiệp của lãnh đạo huyện, xã, của cơ quan chức năng và tiếng nói của chính những người bản địa, qua nhiều giờ đấu trí căng thẳng sự việc mới tạm lắng xuống”.

Rừng là vàng sao bạc bẽo thế?

Trừ bảo hiểm, lương cứng sau 17 năm công tác của Trạm trưởng Nguyễn Phương Bình là 5.883.000 đồng, cộng thêm chút ít chế độ chức vụ cũng chưa nổi 8 triệu đồng, so với tính chất công việc và công sức bỏ ra, mức trên quá khiêm tốn.

Những cuộc tâm sự chớp nhoáng chưa thể giãi bày hết bộn bề khốn khó của bộ phận mang danh 'chủ rừng' tại Nghệ An. Ảnh: Anh Khôi.

Những cuộc tâm sự chớp nhoáng chưa thể giãi bày hết bộn bề khốn khó của bộ phận mang danh "chủ rừng" tại Nghệ An. Ảnh: Anh Khôi.

“Nơi đây xa xôi cách trở, vật dụng vận chuyển từ ngoài vào tốn kém hơn nhiều. Chi tiêu dè xẻn, tiền thức ăn hết khoảng 40.000 đồng/người/ngày, xăng xe hết 1.500.000 đồng/người/ tháng, tất cả đều là tiền túi cá nhân. Đồng lương còm cõi buộc chúng tôi phải tính toán chi ly, phải tăng gia sản xuất, cải tạo đất trống vun trồng thêm luống rau, làm chuồng nuôi thêm con gà, con vịt giảm thiểu chi tiêu, nhờ đó hàng tháng còn tích góp được đôi đồng gửi về, con cái còn được món quà tấm bánh. Ấy thế nhưng tháng nào lắm giỗ chạp, bản làng có công có buổi là nhẵn túi, lắm lúc phải vận động, cậy nhờ hậu phương, cơ cực lắm”.

Như bao người theo nghiệp lâm nghiệp, anh Bình cũng đối diện với muôn vàn áp lực không tên. Ảnh: Việt Khánh.

Như bao người theo nghiệp lâm nghiệp, anh Bình cũng đối diện với muôn vàn áp lực không tên. Ảnh: Việt Khánh.

Anh Bình lập gia đình năm 2009, đến giờ đã có 2 mặt con, cháu lớn 13 tuổi, cháu nhỏ mới 7 tuổi, cũng may lấy được người vợ tần tảo, quanh năm tay xách tay bồng nhưng chưa lúc nào than thân trách phận.

Dù vậy sức người có hạn, áp lực quá lớn khiến chị bị trầm cảm lúc nào không hay, riêng kinh phí điều trị ngốn đến 4 - 5 triệu/tháng, đồng lương còm không đủ buộc gia đình phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, may thay từ 2019 đến giờ bệnh tình của chị dần thuyên giảm nên mối lo cơm áo gạo tiền cũng vơi bớt phần nào.

“Thương lắm nhưng chẳng biết phải xoay xở ra sao. Đành rằng mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh nhưng chung quy đời sống của số đông anh em lâm nghiệp còn nhiều khốn khó, mức sống tụt lại khá xa so với mặt bằng chung. Mong sao tới đây Trung ương, tỉnh sẽ có những thay đổi mang tính căn cơ để những người bảo vệ rừng chuyên tâm gắn bó với nghề, chí ít đồng lương phải đủ để duy trì cuộc sống thường nhật”.

Dù vất vả, khó khăn nhưng thu nhập của những người trong diện biên chế như anh Nguyễn Phương Bình vẫn ổn định hơn nhiều so với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Ảnh: VK.

Dù vất vả, khó khăn nhưng thu nhập của những người trong diện biên chế như anh Nguyễn Phương Bình vẫn ổn định hơn nhiều so với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Ảnh: VK.

Nhân đây xin nhắc lại, bản thân Trạm trưởng Nguyễn Phương Bình là người có chức vụ, đồng nghĩa mức sống của cánh bảo vệ rừng chuyên trách, những người ăn lương tự trang trải, không trợ cấp còn “hẻo” hơn nhiều. Thu nhập thấp nhưng trách nhiệm cao, xót thân xót phận, nhiều người thốt lên cay đắng: Rừng vàng sao bạc thế!

Đã ra sức tuyên truyền, vận động nhưng tập tục du canh du cư, nay đây mai đó vẫn là thói quen khó bỏ của đồng bào vùng cao Nghệ An, rắc rối cũng từ đây mà ra. Sau mỗi bận thu hoạch, thường họ không tiếp tục canh tác mà bỏ bẵng suốt nhiều năm, khoảng thời gian này đẩy nhanh quá trình tái sinh rừng, qua kiểm đếm nếu thấy đủ trữ lượng (Áp dụng theo Thông tư 33/2018/TT-BNNPTNT; Luật Lâm nghiệp 2017) nghiễm nhiên người dân không được phép canh tác trở lại. Cán bộ bám theo quy định hiện hành, người dân lại khăng khăng đó là đất của tổ tiên để lại, trên dưới không thông tất thảy đẩy căng thẳng lên cao, áp lực cứ thế nhân lên gấp bội phần.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất