| Hotline: 0983.970.780

Bài học cho sự phớt lờ quy định mới

Thứ Hai 01/07/2019 , 11:01 (GMT+7)

Những ngày gần đây, trái cây, thủy sản tại nhiều tỉnh phía Nam lại một phen lao đao vì dồn ứ do không xuất khẩu (XK) được sang Trung Quốc.

Điều đáng nói, những quy định mới của phía Trung Quốc về việc thông tin truy xuất nguồn gốc, dán nhãn đã được các ngành chức năng của Việt Nam phổ biến suốt từ năm 2018 đến nay, nhưng vì nhiều lí do, nó đã chưa được triển khai một cách kịp thời, không ít nơi, cả DN xuất khẩu, các cơ sở thu mua lẫn nông dân lại chưa thực sự chú tâm thực hiện, thậm chí phớt lờ.

 

Tỉnh quyết liệt, tỉnh ngó lơ

Những ngày qua, báo chí lại liên tục đưa tin về hàng loạt loại nông sản, nhất là trái cây tại các tỉnh ĐBSCL, hải sản tại các tỉnh miền Trung bị ách tắc, giá rớt thảm hại do không XK được sang Trung Quốc, mà nguyên nhân cơ bản là chưa đáp ứng được các yêu cầu về thông tin truy xuất nguồn gốc, đóng gói, ghi nhãn…

17-35-44_nh1
Mơ hồ về quy định của nước XK đang làm hại cho chính nông sản Việt Nam.

Trả lời báo chí, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương có tình trạng nông - thủy sản bị ùn ứ cũng đã thừa nhận: Những khuyến cáo về thay đổi chính sách NK hàng hóa của Trung Quốc trong năm 2019 đã được thông báo từ đầu 2018. Tuy nhiên, người dân thiếu quan tâm, thương lái thu mua cũng thiếu hiểu biết nên dẫn đến tình trạng hàng nhiều nhưng XK không được.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Quy Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Đối với mặt hàng trái cây, Trung Quốc đã áp dụng các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc từ rất lâu đối với các nước khi XK vào nước này, trong đó có các nước ASEAN.

Tuy nhiên đối với Việt Nam, do đặc thù về thương mại biên mậu lâu đời với Trung Quốc, nên phải khẳng định là họ áp dụng các quy định về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm với chúng ta muộn hơn so với các nước ASEAN. Cụ thể, tới năm 2018, phía Trung Quốc mới chính thức có thông báo đề nghị việc bắt buộc phải triển khai đóng gói, cung cấp các thông tin truy xuất nguồn gốc các loại hoa quả NK từ Việt Nam.

Ngay sau nhận được yêu cầu này, ngày 23/5/2018, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành trên cả nước và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ đề nghị triển khai ngay các công việc gồm: UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở NN-PTNT, UBND cấp huyện tổ chức gấp rút triển khai thống kê vùng trồng cây ăn quả, các cơ sở đóng gói quả tươi theo quy định của Trung Quốc (có kèm theo mẫu phụ lục). Trong đó, trước mắt tập trung triển khai thống kê thông tin 8 loại quả tươi đã được phía Trung Quốc cho phép NK từ Việt Nam gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu.

Cụ thể đến cuối tháng 4/2019, Cục BVTV đã tổng hợp và đã được phía Trung Quốc chấp thuận đối với hơn 1.200 mã số vùng trồng cho 8 loại trái cây (thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu) tại 42 tỉnh thành trên cả nước, cùng 608 mã số cơ sở đóng gói tại 31 tỉnh, thành.

Một số tỉnh có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp với số lượng lớn như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Sơn La, Bến Tre, Đồng Tháp, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Tây Ninh...

Tuy nhiên, cũng có những tỉnh có số lượng mã số khiêm tốn, hoặc thậm chí vẫn còn 22 tỉnh, thành chưa có mã số vùng trồng và 33 tỉnh, thành chưa có mã số cơ sở đóng gói nào được cấp để XK các loại trái cây sang Trung Quốc. Những tỉnh này, có thể không có các loại trái cây có tiềm năng XK đi Trung Quốc, hoặc họ không có nhu cầu, hoặc có thể do những nguyên nhân khác (không ngoại trừ việc địa phương ấy chưa nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc cấp mã số)...
 

Chỉ văn bản thôi là chưa đủ

Hải Dương, nơi có vùng vải thiều Thanh Hà chủ yếu hàng năm được XK sang thị trường Trung Quốc. Theo Chi cục BVTV tỉnh này, từ năm 2018, khi quy định mới của phía Trung Quốc về việc bắt buộc ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng trái cây (đã được phía Trung Quốc cho phép NK từ Việt Nam) được đưa ra, Hải Dương đã tiến hành triển khai đăng ký, cấp mã số phục vụ XK cho các vùng vải thiều trong tỉnh. Tuy nhiên cho đến đầu năm 2019, tiến độ triển khai vẫn rất chậm.

Trước tình hình đó, Hải Dương đã phải tức tốc triển khai cấp mã số vùng trồng để kịp phục vụ cho XK vụ vải năm 2019. Rất may là ngay trước thềm vụ thu hoạch vải vừa qua, tỉnh đã kịp thời cấp mã số vùng trồng cho hầu hết các vùng trồng vải tập trung, cùng hàng trăm cơ sở đóng gói, sơ chế nên đến thời điểm này, vụ thu hoạch vải thiều ở Thanh Hà (Hải Dương) đã kết thúc tốt đẹp, việc XK đi Trung Quốc không gặp phải cản trở nào, nông dân và DN xuất khẩu cũng ít năm nào vui như năm nay vì vải thiều XK được giá chưa từng thấy.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý chung: “Làm sao phải chủ động, đáp ứng được các quy định mới của các thị trường XK. Không thể nói rằng họ đưa ra tiêu chuẩn sản phẩm nông sản đối với Việt Nam thì cho rằng họ là thị trường khó tính; họ đưa ra quy định mới về sản phẩm nông sản NK thì cho rằng họ thay đổi đột ngột”.

Dĩ nhiên là việc triển khai cấp mã số vùng trồng, phổ biến các quy định về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc đối với vùng vải Thanh Hà không hề suôn sẻ. Lãnh đạo Chi cục BVTV tỉnh này từng phân trần:

Dù là quy định không khó, nhưng nguy hiểm là khi phổ biến, cả nông dân, các cơ sở đóng gói XK và cả chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa hiểu gì về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói khi XK các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Có địa phương và nhiều cơ sở đóng gói XK, khi nhận được thông báo triển khai đăng ký cấp mã số, còn thắc mắc là đăng ký để làm gì, vì sao phải đăng ký, đăng ký rồi thì có cam kết bao tiêu hết vải thiều cho nông dân không…, thậm chí không hợp tác triển khai.

Vị này đúc kết: Thực trạng này cho thấy nếu chỉ có thông báo bằng văn bản, thì bản thân các địa phương, các cơ sở đóng gói và cả nông dân sẽ không hiểu được vì sao phải cấp mã số. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải làm sao để các DN xuất khẩu, cơ sở thu mua đóng gói hiểu rõ được bản chất vì sao phải triển khai theo các quy định mới của phía Trung Quốc.

Sau nhiều hội nghị triển khai phổ biến, giải thích, đến vụ vải năm 2019, các địa phương, DN xuất khẩu, cơ sở thu mua vải thiều tại Hải Dương đã rất chủ động phối hợp với Sở NN-PTNT để cấp mã số vùng trồng và các quy định về đóng gói, ghi nhãn khi XK sang thị trường Trung Quốc. Không những vải thiều, đến nay, Hải Dương đã cấp được thêm 13 mã số vùng trồng đối với 13 mã số cho dưa hấu, và đang chờ cấp phép đối với nhiều mã số vùng trồng chuối, nhãn… sẵn sàng XK khi có nhu cầu.
 

Để XK trái cây sang Trung Quốc, phải cần những gì?

Theo quy định của Trung Quốc đối với quả tươi NK vào nước này, bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc, cơ quan thẩm quyền của nước XK (Việt Nam) phải cung cấp thông tin về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói quả tươi cho cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc.

17-35-44_2
Không ít loại nông sản Việt Nam từng lao đao vì những quy định mới của thị trường XK.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thẳng thắn thừa nhận: Trung Quốc hiện nay hiểu rất cặn kẽ, chân tơ kẽ tóc về nông sản Việt Nam, trong khi Việt Nam hiện gần như còn nắm bắt rất sơ sài, chưa biết gì nhiều về thị trường nông sản của Trung Quốc. Đây là một nghịch lý khi mà Trung Quốc đang là thị trường XK nông sản chủ lực của nước ta.

Hàng tháng, Cục BVTV sẽ là đơn vị cập nhật thông tin về vùng trồng và cơ sở đóng gói từ các tỉnh gửi về và gửi sang phía Trung Quốc.

Ngay sau khi được phía Trung Quốc chấp thuận, Cục BVTV sẽ cập nhật chi tiết danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên website của Cục (www.ppd.gov.vn -> Kiểm dịch thực vật -> Quy định KDTV của các nước -> Danh sách mã số vườn trồng và cơ sở đóng gói hoa quả của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc).

Theo phụ lục hướng dẫn về tem nhãn truy xuất nguồn gốc của phía Trung Quốc, 8 loại trái cây đã được XK sang Trung Quốc, trên thùng sản phẩm chỉ phải ghi những thông tin gồm: Tên tổ chức xuất khẩu; chủng loại hoa quả; tên nhà vườn hoặc số đăng ký (tức mã số vùng trồng); tên xưởng đóng gói hoặc số đăng ký (tức mã số cơ sở đóng gói).

Để đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, các địa phương chỉ cần đăng ký (theo mẫu) với Sở NN-PTNT các tỉnh.

Sở NN-PNT các tỉnh gửi đăng ký đến Cục BVTV, sau đó Cục BVTV gửi sang Trung Quốc (định kỳ 1 tháng/lần). Mẫu đăng ký mã số bao gồm: Nơi trồng, diện tích, sản lượng, sử dụng thuốc BVTV; nơi đóng gói, thông tin liên hệ.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.