| Hotline: 0983.970.780

Về vùng nói bậy tốp đầu miền Bắc: [Bài I] Chuyện ghi ở huyện Trực Ninh

Thứ Hai 21/12/2020 , 07:10 (GMT+7)

Tránh vũng nước giữa đường, tôi bóp mạnh phanh, từ dưới bỗng vọt lên một xe máy với hai cô gái trẻ măng, văng ra câu chửi: 'Ôi, đ…cụ'. Ngó theo, tôi thấy biển 18.

Ông Tờ bán thịt chó

Đi khắp các tỉnh, thành miền Bắc tôi vẫn ấn tượng nhất với con người Nam Định bởi sự nhiệt tình, tính thật thà và nghĩa hiệp nhưng có một cái tật không thể mê nổi là nói bậy.

Ông Phát Kim Tiêu, nguyên cán bộ huyện Trực Ninh kể, năm 1974 khi đang là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Tổng hợp có về làng pháo Bình Đà (Hà Tây cũ nay là Hà Nội) ở trong nhà dân để kiến tập. Gia chủ rất xởi lởi, thường bảo đứa con nhỏ  3-4 tuổi rằng: “Con chào các chú đi! Sao con đ…chào vậy, sao con đ…ngoan vậy?”.

Nghe những lời ấy đám sinh viên đã thực sự sốc dù quê của ông ở huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định người ta vẫn thường nói bậy nhưng bằng các từ tế nhị hơn là phét (tức giao hợp). Ví dụ bàn tán về một người, họ sẽ nói rằng “Thằng kia chắc là phét con kia rồi!”, còn hỏi han sức khỏe thì: “Tối qua có phét được cái nào không?”.

Ra trường, ông Tiêu được phân công về Nam Ninh (Nam Trực và Trực Ninh ngày nay) của Nam Định làm công tác văn hóa cho huyện điểm cơ giới hóa toàn quốc, chỉnh trang lại xóm làng, từ nhà dân đến công sở. Trên còn điều một ủy viên trung ương là ông Tạ Hồng Thanh về làm Bí thư nên phong trào lên như diều, khí thế ngút trời.

Huyện có 35 xã nên phòng văn hóa lập ra 5 đội chiếu bóng, mỗi đội phụ trách 7 xã để đi chiếu phim cho dân xem. Tối nào có chiếu bóng là cả làng, cả xã lại đông vui như trẩy hội với những cái ghế gỗ nhỏ hay những hòn gạch mang đi để ngồi.

Nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản thường mệt nhọc nên người dân hay nói tục để giải khuây. Ảnh: NNVN.

Nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản thường mệt nhọc nên người dân hay nói tục để giải khuây. Ảnh: NNVN.

Tiếng nói tục nổ giòn như ngô rang trong chảo gang có bỏ thêm cát. Phim chiếu hồi đó chủ đề cũng đơn giản, chủ yếu là dạng chiến đấu bắn đì đòm hay truy bắt gián điệp của Liên Xô cũ.

Nhà ông Tờ bán thịt chó ở Trực Thuận gần bãi chiếu bóng nên cũng thường ra xem. Không hiểu mấy nội dung mà ông vẫn cứ bô bô bình luận: “Thôi, đuổi bắt thế thì mút… bờ cho nó rồi”. “Ôi, đ…mẹ con kia sao xinh thế, vú nó to thế nhỉ?”… khiến đám đông mắt tròn, mắt dẹt. Ông giờ đây đã khuất núi nhưng chuyện nói bậy năm xưa đã trở thành một giai thoại nhiều người trong huyện biết.

Hồi đó phòng văn hóa quản lý quốc doanh phát hành sách và quốc doanh phát hành phim nhưng do các đội chiếu bóng ăn chịu nhiều nên trưởng phòng đi đâu cũng bị gọi lại để đòi nợ nên mới có danh “quốc doanh phát hành phim chúa chổm”. Quãng những năm 90 của thế kỷ trước, khi ti vi màu, đầu video bãi tràn về khắp các nẻo quê thì các đội chiếu bóng giải thể.

“Trong nói bậy thì tần suất nói về bộ phận sinh dục như l, b, c là nhiều hơn cả. Những thứ này là hiện thân của khả năng nòi giống, bản thân nó không hề xấu thậm chí nhiều nơi còn đẽo đá, khắc gỗ để thờ nhưng khi gắn từ đó lên miệng lại là xấu”, ông Tiêu nhận định.

Anh Bê ơi, năm nay có đụng lợn nữa không?

Sau này khi Nam Ninh tách ra thành hai huyện Nam Trực và Trực Ninh, ông Phát Kim Tiêu được điều về Trực Ninh làm cán bộ Ủy ban rồi lại sang một cơ quan khác nên ông hiểu rõ tật nói bậy của những người ở đây.

Trưởng phòng Bê thường xuyên nói bậy dù khá tốt tính. Hễ nhân viên đến muộn là ông mắng cho sấp mặt: “Đ… mẹ, giờ này chưa thằng nào vác mặt đến?”. Kế toán của phòng vừa lò dò tới thì ông bồi tiếp: “Ông đi đâu, ăn dớt l mà giờ mới đến?”.

Cáu mắng thế đã đành nhưng vui vẻ, động viên anh em ông cũng nói theo kiểu riêng mình: “Đ… mẹ, chú cố gắng làm cho xong rồi kiếm gì hốc cho khỏe!”.

Có lần phó phòng chở xe máy đèo trưởng phòng lên thành phố Nam Định họp, đã cận giờ rồi mà lại gặp phải đèn đỏ nên ông Bê mới văng ra: “Thành phố bé vừa bằng cái l mà cũng bày đặt ra đèn xanh, đèn đỏ”.

Cuối năm, phòng có ít quỹ, chia “tiền tươi thóc thật” cho anh em thì không bõ nên ông quyết định chia bằng thịt lợn. Một năm, dính phải con lợn mỡ quá, ai ăn cũng kêu ngán mà nhất là trưởng phòng. Cuối năm sau, nhân viên mới hỏi: “Anh Bê ơi, năm nay có đụng lợn nữa không?”. Ông này nhớ chuyện cũ nên phang luôn: “Đ… vào lợn nữa”.

Nói tục thường nở rộ trong giới lao động chân tay. Ảnh: NNVN.

Nói tục thường nở rộ trong giới lao động chân tay. Ảnh: NNVN.

Không chỉ có ông Bê mà khá nhiều cán bộ các phòng, ban khác thậm chí là cấp cao hơn cũng hay nói bậy nên ông Tiêu dù đã về hưu nhưng thấy ngứa tai vẫn phải góp ý với vị lãnh đạo huyện mới lên, ông này cười mà rằng: “Thôi cũng phải điều chỉnh dần dần, thói quen khó bỏ bác ạ”. 

Cán bộ huyện đã thế, cán bộ xã còn nói bậy khiếp hơn. Có ông cựu lãnh đạo cấp cơ sở bình thường đã hay nói bậy nên khi có chút men hay khói thuốc là tuôn ra cả tràng tới tấp kiểu: “Đ… mẹ, mày có làm không thì bảo?” hay phản đối cái gì là: “Có cái máu l... đấy!”.

Chị Thanh Đàm người dân thị trấn Cổ Lễ kể chẳng phải riêng dân huyện Trực Ninh mình nói bậy mà cả dân thành phố Nam Định nhiều người cũng thế.

Một lần chị chở mẹ chồng đi lấy bánh kẹo, bia, nước ngọt của một bà trên phố. Dọc đường mẹ chồng đã chuẩn bị tinh thần cho con dâu rằng người đó nói bậy lắm nhưng khi chưa kịp dựng chân chống xe thì đã nghe câu chào choáng váng của bà: “L… mẹ nhà chị, cả tháng nay mới thấy mặt nhỉ?”.

Rồi cứ thế bà “bắn” tằng tằng. Hỏi giá gói bánh, két bia thì bà liến thoắng: “L… mẹ chị, gói đó 30.000 đồng”, “L… mẹ chị, két đó 390.000 đồng”. Vừa đi bà vừa nói, vừa nói bà vừa đệm. Chỉ nửa tiếng gặp mặt mà chị nhớ cả đời vì bà đã văng ra cả trăm từ bậy bạ.

Những điều chiêm nghiệm của ông Tiêu

Một cảnh làng quê ở Trực Ninh. Ảnh: NNVN.

Một cảnh làng quê ở Trực Ninh. Ảnh: NNVN.

Được đi nhiều nên ông Phát Kim Tiêu chiêm nghiệm dân Nam Định có nhiều người nói bậy hơn các tỉnh thành khác kể cả những nơi ven biển. Đó không hẳn do “ăn sóng, nói gió”, “ăn mặn, đái khai” mà bởi sự truyền đời, ông bà, bố mẹ nói thế thì con cháu nói theo. Nó thâm căn cố đế khó gột rửa cũng khó xác định gốc gác do cái gì.

Khi lao động nặng nhọc như cày cấy, kéo lưới với những công cụ thô sơ nên mệt nhọc muốn nói bậy. Khi trong người có nhiều sự bức xúc muốn nói bậy để xả bớt. Khi muốn hòa đồng, chào nhau theo kiểu bỗ bã: “Con đĩ kia lâu lắm mới thấy mặt mày”. Khi thể hiện mình trước đám đông kiểu anh chị: “Tao đ… sợ thằng nào hết nhé, giỏi thì vào đây!”. Nói bậy mọi lúc mọi nơi chỉ trừ mỗi đám ma là ít thấy.

“Nếu trong nhà, ông bà nói bậy dễ để lại các cháu nói bậy, bố mẹ nói bậy dễ để lại các con nói bậy. Nếu ngoài trường thầy cô nói bậy dễ để lại các lứa học sinh nói bậy.

Vợ chồng tôi không nói bậy và cũng cấm ngặt con nói bậy nên chúng không bị lây nhưng cũng đôi lúc cảm thấy lẻ loi trong một môi trường nhiều người nói bậy”, ông Tiêu kể. Mỗi lần đón mấy đứa cháu ngoại từ Hà Nội về quê là trên xe vợ ông nơm nớp dặn dò phải để ngoài tai những lời nói bậy.  

Về đến nhà là bà đóng chặt cổng cho chúng chơi quanh sân, bữa sáng cũng chỉ mua bánh dày, bánh cuốn ăn chứ không dám dẫn ra quán bởi sợ những lời nói bậy của thực khách dù phở Nam Định còn phổ biến hơn cả phở Hà Nội.

“Gia đình giáo dục con cái là chính chứ đừng đổ hết trách nhiệm cho nhà trường, xã hội, khi ông bà, bố mẹ không nói bậy thì con cháu cũng không nói bậy. Tuy nhiên nhà trường, xã hội cũng phải đưa việc hạn chế nói bậy vào các nội quy chứ không thể thả rông được”, ông Tiêu kiến nghị.

Một trận đấu bóng ở thị trấn Trực Ninh. Ảnh: NNVN.

Một trận đấu bóng ở thị trấn Trực Ninh. Ảnh: NNVN.

“Môi trường dễ nghe nói bậy nhất là quán xá, tiệm cắt tóc, chợ và sân bóng đá, chú cứ ra đó thì rõ”. Ông khuyên tôi. Ừ, thì ra vì sân vận động huyện ở ngay trung tâm thị trấn, nơi mỗi ngày diễn ra 7 - 8 trận bóng đá không những có trọng tài mà còn có cả bình luận viên.

Bữa ấy, một sân diễn ra trận đấu giữa đám học sinh, một sân diễn ra trận đấu giữa các thầy giáo của hai trường. Câu cửa miệng của đám học sinh, kể cả trong sân lẫn bên ngoài là “Vãi l” khiến cho bà quản lý phải lắc đầu ngán ngẩm.

Trận đấu của chúng kết thúc sớm nên đám học sinh quay sang cổ vũ cho các thầy giáo: “Thầy, sút đi, đ… mẹ trượt rồi”. Tiếng chửi thề rào rào như một đàn ong vỡ tổ. Thỉnh thoảng trong sân tôi cũng nghe thấy có tiếng chửi thề nhưng cường độ và tần số thấp hơn nhiều.  

Tuy nhiên, về nói tục thì có người bảo dân huyện Trực Ninh vẫn còn thua dân huyện Giao Thủy một bậc. Muốn biết cụ thể thế nào, xin mời độc giả theo dõi ở bài tiếp theo.

(Để giữ tế nhị, toàn bộ tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

'Đẩy mạnh phát triển nhuyễn thể và rong biển là phù hợp với xu thế xanh’

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh điều này tại Hội nghị 'Phát triển sản xuất nhuyễn thể và rong biển' diễn ra sáng 26/12, tại Nam Định.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.