| Hotline: 0983.970.780

Bàn chuyện trồng mắc ca

Thứ Sáu 13/09/2013 , 09:50 (GMT+7)

Mắc ca là một loại cây lâm nghiệp đa tác dụng tuyệt vời. Rừng mắc ca sẽ phủ kín núi đồi nhưng ở dạng vĩnh cửu. Ta chỉ trồng một lần và giữ nó cả 100 năm.

Cả tuần vừa qua, tôi với GS Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch Rừng cùng Công ty Vinamacca và Công ty Nữ hoàng của Việt Nam đi thăm một loạt cơ sở trồng mắc ca ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Họ trồng loại cây này bạt ngàn...

Chúng ta đều biết, mắc ca là một loại cây rất mới đối với thế giới cũng như Việt Nam. Loài người mới tìm ra nó và đưa vào thuần hóa cách đây có hơn 150 năm. Đây là loài cây cho ta loại hạt khô ngon nhất thế giới. Người ta gọi nó là hoàng hậu của các loại quả khô. Nó ngon hơn cả hạt điều và hàm lượng dầu rất cao, có loài tới 78%.

Mắc ca là cây gỗ tương đối lớn, tán giống với cây xoài. Ở thành phố Măng-xi (miền tây của tỉnh Vân Nam), người ta trồng mắc ca dọc đường phố như một loại cây bóng mát. Gỗ mắc ca cứng, có thể dùng để SX đồ mộc, đồ mỹ nghệ hoặc dùng trong xây dựng.

Hoa của nó rất nhiều, nhiều hơn cả hoa lộc vừng và có mùi thơm mát. Khi thăm hàng nghìn ha mắc ca được bạn trồng kín những vùng đồi núi rộng lớn thì ta mới thấy, nó còn là một loại cây lâm nghiệp đa tác dụng tuyệt vời. Rừng mắc ca sẽ phủ kín núi đồi nhưng ở dạng vĩnh cửu. Ta chỉ trồng một lần và giữ nó cả 100 năm.

Không ai chặt mắc ca vì cây càng lâu càng cho ta năng suất hạt lớn hơn. Do đó, rừng mắc ca sẽ xanh tốt mãi mãi. Trong lúc, rừng bạch đàn của ta cứ 7 năm tuổi là bị chặt trụi để trồng lại từ đầu.


Tác giả (phải) và GS Hoàng Hòe trong chuyến tham quan vườn mắc ca tại Quảng Tây - TQ

Hạt mắc ca lại có giá trị rất lớn, nó là loại sản phẩm cao cấp. Giá rẻ nhất cũng phải từ 100.000 đồng VN/kg hạt trở lên. Nếu mỗi cây chỉ cho ta 10kg hạt thì ta cũng có được bạc triệu rồi. Nhưng cây càng nhiều tuổi càng sai quả. Ở miền núi hoặc Tây Nguyên nước ta, mỗi nhà chỉ trồng lấy 100 cây mắc ca thì hoàn toàn có thể đổi đời. Bài toán này sao ta lại lỡ quên!?

Ở Công ty Kim Cương (tỉnh Quảng Tây), ngay ở giai đoạn đầu, người ta đã thu mỗi năm khoảng 800 tấn hạt. Năng suất cứ ngày một tăng lên. Họ cũng đang mở rộng thêm diện tích.

Có cây mới 6 tuổi nhưng đã cho tới 25kg hạt/cây/năm. Họ trồng giống Quế-Nhiệt 1. Đó là giống tốt nhất hiện nay của họ. Giáo sư Hoàng Hòe cho tôi biết, ông đã đưa tất cả các giống tốt nhất của thế giới về Việt Nam. Công ty Vinamaca đang thử nghiệm và chọn lọc.

Chúng tôi tới thăm các cơ sở chế biến hạt mắc ca của Công ty Vân Úc Đạt ở tỉnh Vân Nam. Té ra, công nghệ cũng đơn giản và dễ làm. Việc bóc bỏ vỏ, tách hạt, phân loại kích cỡ, phá vỡ vỏ cứng bên trong để tách nhân đều có thể dùng máy hoặc các dụng cụ thủ công thực hiện dễ dàng.

Nhân mắc ca sau khi được tách ra, sẽ chuyển sang bộ phận chế biến để làm ra hàng loạt sản phẩm hấp dẫn. Bạn mời chúng tôi thưởng thức. Ăn chúng ngon tuyệt vời! Nếu hạt đó đưa đi ép dầu thì ta sẽ có được một loại dầu cao cấp, giá tới vài triệu đồng cho mỗi lít...

Mọi việc diễn ra ngay trước mắt chúng tôi do chính bà con ở địa phương thực hiện tại nhà máy chế biến mắc ca. Họ hiền lành, chăm chỉ, chả khác gì bà con ta ở Việt Nam. Tôi cứ băn khoăn, day dứt: Sao ở ta không làm được như họ?!

Bí thư Đảng ủy Công ty Vân Úc Đạt cho chúng tôi biết, việc trồng mắc ca ở địa phương được đưa vào nghị quyết, thành chủ trương của Đảng và nhất quán từ trên xuống dưới. Ở mỗi cấp đều có bộ phận chuyên trách và hoạt động đồng nhịp với nhau.

Tuy địa phương đã chọn ra 6 loại cây chủ lực (là mắc ca, cà phê, chanh, dứa sợi, sở và hồ đào) nhưng nhân dân lại thích trồng mắc ca nhất. Họ cho biết, trồng mắc ca tốn ít công hơn, đầu tư nhẹ hơn mà hiệu quả lại cao nhất. Mặt khác, chính cây mắc ca còn tham gia bảo vệ môi trường, tăng độ phủ xanh cho đồi núi...

Họ phấn đấu để mỗi năm trồng thêm 300 ha mắc ca. Cả vùng đã có tới 250.000 người tham gia trồng mắc ca. Nhà nước hết sức quan tâm và có ngay những chính sách cụ thể như: Tập huấn kỹ thuật, cấp giống cho dân, huy động tổng thể các ngành cùng vào cuộc và có một ban chỉ đạo theo dõi sát sao từ trên xuống dưới.

Đặc biệt Chính phủ đã huy động DN thành lập nhà máy để thu mua và chế biến với khẩu hiệu “nông hộ là chủ thể, xí nghiệp là đầu tầu, liên kết 4 nhà để cùng hướng tới thị trường”.

Bên cạnh những nương đồi mênh mông trồng kín đặc mắc ca, ta thấy bà con còn trồng xen nó trong ruộng ngô, ruộng đậu. Nhiều nhà, giành toàn bộ đất vườn để trồng mắc ca.

Chúng tôi xuống thăm xã Poong – Dinh. Hầu như mọi nhà ở đây đều trồng mắc ca. Họ không trồng tập trung nhưng trồng kín trên mọi mảnh đất tận dụng, trồng quanh nhà, trồng dọc lối đi, trồng theo bờ mương. Cây nào cũng sai quả. Dân rất hoan nghênh việc đưa cây mắc ca vào địa phương.

Về phía xí nghiệp, họ cũng có những chủ trương được bà con ủng hộ. Họ cam kết tiêu thụ hết hạt cho dân. Giá cả sẽ được công khai ngay từ đầu vụ. Nếu giá lên họ sẽ nâng lên. Nếu giá thấp, họ chịu bù lỗ cho dân. Xí nghiệp cung cấp giống và cử cán bộ kỹ thuật theo sát để giúp dân trồng trọt tốt. Cách làm đó tạo ra một không khí lao động hăng say vì lợi ích của cả hai bên.

Bạn nhắn đi nhắn lại nhiều lần với chúng tôi là phải hết sức coi trọng khâu giống. Giống và kỹ thuật là những vấn đề quyết định. Cây giống của nước bạn phải mất 2 năm mới được xuất đi trồng. Trong lúc ở ta, duy nhất chỉ có Cty Vinamacca làm được điều ấy. Nhiều công ty khác xuất giống quá sớm, cây chưa đủ khả năng chống chọi với môi trường…

 Mắc ca nên dùng giống ghép. Phải chuẩn bị nguồn cây đầu dòng tốt thì mới có thể tổ chức ghép thành công những cây giống tốt. Trong điều kiện hiện nay, xuất hiện nhiều đối tượng cạnh tranh không lành mạnh. Họ bán giống cẩu thả, không có nguồn cây đầu dòng tốt, không có quan hệ quốc tế, không có điều kiện nâng cao chất lượng giống, thậm chí, còn đưa cả cây thực sinh ra bán thay cây ghép ...

Do đó, nếu muốn trồng mắc ca, bà con phải hết sức thận trọng khi tìm hiểu về các cơ sở SX giống. Ta phải chọn những đơn vị có điều kiện và có uy tín để liên hệ mua giống, tránh bị lừa, mua phải giống rởm.

Chúng tôi tiếp tục bay ngược về thành phố Quảng Châu để thăm nhà máy chế biến mắc ca lớn nhất Trung Quốc. Họ liên kết với Ôxtrâylia để bán sản phẩm ra toàn thế giới. Bạn cho biết: Còn lâu cung mới đủ cầu!

Ở Việt Nam, vùng thích hợp nhất để trồng mắc ca là Tây Nguyên và Tây Bắc. Cả 2 vùng này đều đang mong có những chuyển biến mạnh để nâng cao hiệu quả SX cho bà con. Đặc biệt, ở đây đang tiến hành tái canh cà phê.

Rất nhiều gia đình ở Tây Nguyên đã nghĩ tới cây mắc ca. Sao không chuyển hẳn sang trồng mắc ca hoặc trồng xen mắc ca với cà phê? Bài toán này đã được phía nước bạn giải quyết hài hòa, ta nên học tập.

Tốt nhất bà con nên đi thăm và học hỏi thêm về mắc ca. Phải mắt thấy, tai nghe thì mới đủ sức thuyết phục. Chúng tôi đã trao đổi và Cty Vinamacca và họ đã đồng ý sẽ sẵn sàng giúp đỡ cho bà con. Hãy liên hệ với họ để có được những thông tin cần thiết nhất (ĐT: 0989.089.685). Chắc chắn mắc ca sẽ thành cây chủ lực của chúng ta.

 

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.