| Hotline: 0983.970.780

Bản nghèo tự nguyện hiến đất xây trường

Thứ Năm 12/03/2020 , 09:34 (GMT+7)

Bản Chằng là bản người dân tộc Dao, cách trung tâm xã Yên Cư, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) hơn 10km, đa số là người nghèo, điều kiện sống rất khó khăn.

Điểm trường Bản Chằng, xã Yên Cư được xây dựng khang trang. Ảnh: T.N.

Điểm trường Bản Chằng, xã Yên Cư được xây dựng khang trang. Ảnh: T.N.

Có rất nhiều lý do đã khiến Bản Chằng nghèo khó, như đường đến bản xa xôi, hẻo lánh và là đường mòn; nhiều người không biết chữ và không biết nói tiếng phổ thông (tiếng Việt); đất rừng thì nhiều, nhưng đất để canh tác, sản xuất rất hạn chế, hoặc một mảnh đất bằng phẳng đủ rộng để có thể làm được nhà ở cũng ít.

Đất đai với người Bản Chằng quý hiếm là vậy, thế nhưng có những người lại tự nguyện đứng ra hiến đất để làm điểm trường học, hiến đất làm đường tới lớp để cho trẻ con trong bản có nơi học tập. Chính vì vậy mà hiện nay, Bản Chằng mới có trường lớp học sạch sẽ, khang trang và đủ tiêu chuẩn cho việc dạy và học.

Theo lời kể của dân bản, trước đây con em Bản Chằng đi học rất xa, đi bộ đường núi đèo hàng nửa buổi mới tới trường, vì vậy nhiều người không đi học và không biết chữ. Đến năm 2007, gia đình anh Lý Văn Liều đã hiến hơn 500m2 đất để xây dựng điểm trường Bản Chằng, các lớp học được làm tạm bằng tre, nứa, gỗ do người dân đóng góp.

Năm 2019, điểm trường Bản Chằng được Nhà nước và các tổ chức đầu tư xây dựng trường lớp mới, nhu cầu mở rộng hơn về diện tích. Một lần nữa, gia đình anh Liều lại tự nguyện hiến thêm hơn 100m2 đất nữa. Bởi thế giờ đây các em có được ngôi trường khang trang.

Nói chuyện với phóng viên bằng giọng nói lơ lớ chưa sõi tiếng phổ thông, thi thoảng pha vài từ tiếng Dao, anh Lý Văn Liều bộc bạch: Chỉ vì thấy các cháu đi học trường chính thì xa và vất vả quá, cho nên Nhà nước bảo làm trường thì mình cũng đỡ một phần cho các cháu. Khi bàn bạc với gia đình thì tất cả mọi người trong đều đồng ý là hiến được cái gì cho Nhà nước thì mình cứ hiến. Tiền không có thì mình hiến đất.

Anh Lý Văn Liều, người 2 lần hiến đất để xây điểm trường Bản Chằng. Ảnh: T.N.

Anh Lý Văn Liều, người 2 lần hiến đất để xây điểm trường Bản Chằng. Ảnh: T.N.

Tuy nhiên việc đến lớp học ở điểm trường Bản Chằng thì cần có thời tiết thuận lợi để các cháu đi lại được. Bởi con đường mòn đến lớp phải đi qua con suối, nên những hôm trời mưa, nước suối dâng cao thì không đi qua được.

Được Trưởng bản vận động hiến đất làm cầu cho học sinh đi học, bà Lý Thị Nhị, là hộ nghèo ở bản, chồng mất sớm nên một mình tần tảo nuôi con, nhưng đã tự nguyện hiến ngay phần đất của gia đình để làm đường nối từ cầu vào đến cổng điểm trường Bản Chằng.

Bà Nhị chỉ nói được tiếng Dao và phải nhờ cán bộ thôn ở Bản Chằng phiên dịch, chúng tôi mới hiểu được những câu nói chân thật của người đồng bào vùng cao. Bà Nhị nói: Tất cả vì các em học sinh thì phải hy sinh, cứ cho không phải tiếc, chỉ mong các cháu học giỏi.

Bà Lý Thị Nhị, người phụ nữ góa chồng, rất nghèo, nhưng vẫn tự nguyện hiến đất làm cầu, đường. Ảnh: T.N.

Bà Lý Thị Nhị, người phụ nữ góa chồng, rất nghèo, nhưng vẫn tự nguyện hiến đất làm cầu, đường. Ảnh: T.N.

Bản Chằng có 74 hộ, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, thiếu đất ở, đất sản xuất. Nhưng không vì thế mà công tác vận động người dân hiến đất làm đường, làm trường học gặp khó khăn.

Không chỉ có 2 hộ dân như gia đình anh Liều và bà Nhị, tất cả mọi người trong bản đều đồng lòng, sẵn sàng hiến đất và góp sức mình trong việc xây dựng NTM nói chung, để cuộc sống bớt khó khăn, vất vả và tốt đẹp hơn. Đó là những chia sẻ của trưởng Bản Chằng Hoàng Hữu Chu.

Các thầy, cô giáo cắm bản dạy học ở điểm trường Bản Chằng luôn cảm thấy ấm lòng, an tâm công tác, được người dân trong bản hết lòng giúp đỡ, sống dựa vào tình thương của bà con dân tộc Dao nơi đây. Ăn ở cùng dân bản, được bà con yêu thương, tôn trọng và bảo vệ, là những điều tốt đẹp vẫn được duy trì từ ngày có điểm trường ở bản vùng cao này.

Con đường tới lớp của con em Bản Chằng đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ảnh: T.N.

Con đường tới lớp của con em Bản Chằng đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ảnh: T.N.

Đến Bản Chằng hiện tại vẫn chỉ là con đường mòn xa xôi, ngày trời nắng có thể đi được xe máy khoảng gần 1 giờ đồng hồ, còn nếu trời mưa thì đi bộ mất hơn nửa buổi.

Nhưng với những người dân nghèo luôn sẵn sàng hy sinh tài sản của gia đình, hiến đất và góp công sức để làm trường học, làm đường, … thì họ luôn thấy một điều chắc chắn rằng, con đường tương lai của con em họ đang ngày càng gần hơn.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất