Ông Nguyễn Thành Công cho biết: Sơn La đã và đang tập trung thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và thực hiện Nghị quyết số 06, 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa XV về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung nhằm xây dựng tỉnh Sơn La theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và theo hướng tổ chức sản xuất sạch, hữu cơ, thông minh, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác. Đồng thời, nông nghiệp Sơn La đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển từ sản xuất thông thường sang nông nghiệp hàng hóa, từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
“Xuyên suốt quá trình phát triển của nông nghiệp tỉnh Sơn La là vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông. Tỉnh Sơn La xác định báo chí, truyền thông chính là giá trị gia tăng của nông nghiệp tỉnh Sơn La”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định.
Giải mã hiện tượng Sơn La
Thưa ông, nhìn lại thành tựu của nông nghiệp Sơn La hôm nay, có nhiều người đã gọi là hiện tượng. Theo ông, đâu là những giá trị đã làm nên hiện tượng đó?
Trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã kiên định đi theo con đường ứng dụng công nghệ cao, hướng tới sản xuất hàng hóa và nông nghiệp là trụ đỡ cho kinh tế và ổn định cho công nghiệp chế biến.
Từ chiến lược, định hướng đến các chủ trương, chính sách tỉnh Sơn La tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo quan điểm thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, huyện, thành phố. Phát triển nông nghiệp Sơn La theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Tổ chức liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La là một chuỗi sản xuất ổn định, bền vững.
Để hiện thực mục tiêu đó, tỉnh đang tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Một là chuyển đổi và phát triển mạnh mẽ vùng cây ăn quả trên địa bàn. Thứ hai là tiếp tục phát huy thế mạnh của các cây công nghiệp như chè, cà phê và các loại cây trồng khác. Đẩy mạnh hoạt động sản xuất chăn nuôi, trong đó đã ban hành các Nghị quyết phát triển chăn nuôi đại gia súc, tổ chức sản xuất lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh sản xuất cả ở những vùng khó khăn, khu vực biên giới…
Nhờ đó, những năm gần đây, nông nghiệp Sơn La đã chuyển biến mạnh mẽ và trở thành hiện tượng, khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu rõ nét.
Ví dụ, năm 2023, tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Sơn La đạt 8.832 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 177,6 triệu USD. Toàn tỉnh Sơn La có trên 84.000ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng đạt gần 456.600 tấn. Vùng Sông Mã, Mai Sơn, Thuận Châu, Mộc Châu của Sơn La trở thành vùng nhãn lớn nhất miền Bắc với gần 20.000ha; vùng xoài cũng 20.000ha ở Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, thành phố Sơn La, sản lượng lên đến 70.000 tấn; 12.500ha sơn tra ở Mường La, Thuận Châu, Bắc Yên; 11.500ha mận, mơ ở Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Thuận Châu cho sản lượng trên 62.000 tấn…
Ngoài diện tích cây ăn quả nói trên, Sơn La cũng đã hình thành 20.000ha cà phê chè, mang lại giá trị kinh tế rất cao. Có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2.714ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương, sản lượng khoảng 43.570 tấn/năm. Với chiến lược phát triển nông nghiệp xanh, sạch năm 2023 tỉnh Sơn La đã có 8.200ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ, duy trì 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn và cấp 294 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.150ha. 28 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh, 151 sản phẩm nông nghiệp của Sơn La được chứng nhận OCOP…
Có được thành tựu đó là nhờ Sơn La đã tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Sơn La đã và đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng. Tỉnh Sơn La cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Sơn La.
Gỡ nút thắt chế biến
Thưa ông, thời gian qua, Sơn La cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Xin hỏi, quan điểm của Sơn La trong vấn đề thu hút đầu tư nông nghiệp như thế nào?
Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Sơn La, chúng tôi nghĩ rằng: Khi sản xuất nông nghiệp của Sơn La đạt đến ngưỡng với lực lượng sản xuất phát triển, toàn bộ mối quan hệ sản xuất giữa người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển tốt như những năm vừa qua để có thể làm ra sản lượng lớn như trái cây khoảng 450.000 tấn/năm, mía đường 650.000 tấn/năm, sắn trên 1 triệu tấn/năm… thì giải pháp chế biến, tiêu thụ sản phẩm chính là bài toán cực lớn.
Đơn cử như thời điểm này, đang vào vụ mận với khoảng 96.000 tấn, xoài 80.000 tấn… Trong cùng một thời vụ, nếu Sơn La không có giải pháp để giải quyết sẽ rất khó khăn, giá thành sẽ thấp đồng nghĩa với gánh nặng đổ lên vai người sản xuất. Giải pháp thứ nhất là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thứ hai là chế biến sâu, bảo quản lâu.
Chính vì vậy, thời gian qua, Sơn La đã mong mỏi, quyết tâm đẩy mạnh vấn đề thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến. Đến nay, có thể kể đến các dự án lớn như: ICFood Sơn La, Tập đoàn TH ở Vân Hồ, các nhà máy chế biến cà phê như Phúc Sinh, Minh Tiến, Cát Quế, các nhà máy chế biến mía đường, chế biến sắn BHL và đặc biệt là trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La…
Khi thu hút được các nhà máy chế biến nông sản vào đầu tư đã cho thấy giá trị gia tăng của nông nghiệp Sơn La tăng lên rất rõ. Ngoài ra, còn giải quyết bài toán lao động địa phương, tạo công ăn việc làm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, gắn với phát triển du lịch canh nông, gắn với các sản phẩm OCOP tiêu biểu.
Điển hình như dự án của Doveco, một trung tâm chế biến rau quả rất lớn hiện đang liên kết sản xuất chế biến các sản phẩm đậu tương rau, rau chân vịt, ngô ngọt, xoài IQF, nhãn, mận, chanh leo, dứa… là những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Sơn La. Điều hết sức quan trọng là đã tạo ra chuỗi sản xuất, người dân ký hợp đồng với hợp tác xã, hợp tác xã ký hợp đồng với Doveco, từ đó chuỗi liên kết sản xuất được khép kín, hoàn thiện. Tôi cho rằng đây là điều cốt lõi, quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Sơn La đã cam kết đồng hành với các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như thế nào, thưa ông?
Thứ nhất, Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 128 về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện đang tiếp tục tích hợp sửa đổi bổ sung trên cơ sở các chủ trương, cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ hai, Sơn La ưu tiên thu hút đầu tư vào nông nghiệp bằng chính sách như: Hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy, ví dụ hỗ trợ 3 triệu đồng/ha tiền giống, 5 triệu cho màng phủ để trồng dứa, hỗ trợ đầu vào sản xuất. Tập trung hỗ trợ phát triển hợp tác xã…
Sơn La hiện có 864 hợp tác xã nông nghiệp, chúng tôi xác định chuỗi sản xuất phải nằm ở hợp tác xã, cho nên đã tích cực hỗ trợ để thu hút thành viên vào hợp tác xã, ký hợp đồng với doanh nghiệp nhằm xây dựng vùng nguyên liệu để các nhà máy có thể hoạt động đủ công suất quanh năm. Nhờ đó, đến nay Sơn La đã có 7 Liên hiệp Hợp tác xã, 560 nhà máy và cơ sở chế biến nông sản.
Ngoài ra Sơn La cũng cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn vướng mắc khi xảy ra các vấn đề về môi trường, phát triển vùng nguyên liệu, đơn giá sản phẩm… Luôn sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư quảng bá giới thiệu sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chế biến sâu hơn nhằm mục tiêu gia tăng giá trị sản phẩm.
Báo chí, truyền thông là một phần của chuỗi nông nghiệp tỉnh Sơn La
Được biết Sơn La cũng là tỉnh tiên phong và đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng hình ảnh nông sản Sơn La, tích cực quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường… Báo chí, truyền thông đóng vai trò như thế nào đối với phát triển nông nghiệp Sơn La, thưa ông?
Chúng tôi luôn tâm niệm, mỗi một sự phát triển nói chung, đặc biệt là với sản xuất nông nghiệp, nếu chúng ta tự làm, tự khẳng định mình nhưng không đưa được sản phẩm lên các phương tiện báo chí, truyền thông sẽ không ai biết đến. Quả xoài, quả dứa, quả chanh leo hay ngô ngọt, đậu tương, cà phê chúng ta sản xuất ra ngon đấy, sạch đấy, nhưng nếu cứ âm thầm làm, âm thầm bán thì vẫn cứ là thất bại.
Trong bối cảnh hội nhập, thực hiện chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, muốn khách hàng biết đến sản phẩm của mình thì ngoài các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, nỗ lực mở cửa thị trường thì vai trò của báo chí, truyền thông đặc biệt quan trọng. Sơn La luôn coi báo chí, truyền thông là giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp.
Cụ thể ở Sơn La, báo chí, truyền thông gần như tham gia vào tất cả các quy trình trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ tuyên truyền xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất chế biến như thế nào, tiêu chuẩn thị trường ra sao cho đến thị hiếu, nhu cầu của khách hàng…
Thông qua phương tiện báo chí, truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị nông sản của Sơn La đã góp phần đặc biệt quan trọng trong vấn đề nâng cao giá trị nông sản. Một câu chuyện về quy trình sản xuất sạch trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông có giá trị gấp nhiều lần các chứng chỉ, chứng nhận. Một đánh giá của khách hàng thông qua báo chí, truyền thông sẽ nâng cao hình ảnh, giá trị nông sản của Sơn La lên rất cao và cổ vũ, động viên tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất. Một bài báo về tiềm năng, lợi thế sản xuất nông nghiệp của Sơn La, về cởi mở cơ chế chính sách cũng sẽ mang giá trị to lớn trong vấn đề thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tỉnh Sơn La.
Và đặc biệt, trong bối cảnh mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế như hiện nay, báo chí, truyền thông không còn đơn thuần là giới thiệu, quảng bá mà còn góp phần giữ gìn, bảo vệ hình ảnh nông sản Sơn La nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung.
Chính vì vậy, tỉnh Sơn La chúng tôi luôn đặc biệt coi trọng vai trò của báo chí, truyền thông trong phát triển nông nghiệp. Luôn hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp, đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông đối với nông nghiệp nói riêng và các lĩnh vực kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La nói chung.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!