Chia sẻ tại Hội nghị khoa học An toàn thực phẩm và An ninh lương thực lần thứ 4 diễn ra tại Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM ngày 15/12, BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM cho biết, hiện nay Việt Nam đang nằm trong giai đoạn gánh nặng kép về dinh dưỡng, trong đó các bệnh không lây nhiễm chiếm đến 71% ca tử vong hiện nay.
Nguyên nhân là do sự phát triển về kinh tế, đa dạng của thực phẩm, đậm độ năng lượng, thay đổi lối sống, thói quen ăn uống và quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, chúng ta luôn luôn đối diện với vấn đề về an ninh lương thực ở từng vùng miền”, BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM cho biết.
Cũng theo bác sĩ Ngọc Diệp, hiện nay Việt Nam đang có tình trạng trẻ hóa và gia tăng các bệnh không lây nhiễm.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm bệnh không lây nhiễm sẽ gây tử vong cho 41 triệu người, tương đương với 71% tử vong toàn cầu. Còn tại Việt Nam hiện nay, tử vong do bệnh không lây nhiễm cao hơn trung bình toàn cầu và đang ở mức 77%.
Bên cạnh đó, 85% trường hợp tử vong ở độ tuổi trước 65 tuổi và ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, trên 80% các bệnh không lây nhiễm hiện nay vì bốn nhóm bệnh lý là các bệnh tim mạch, ung thư, hô hấp, đái tháo đường.
“Gánh nặng do bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật và chiếm 77% số ca tử vong. Trong đó, tăng huyết áp chiếm 12.5%; đái tháo đường 3.3%; mỗi năm có 160.000 người mắc ung thư mới. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm để giảm thiểu tỉ lệ này”, BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết.
Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, chỉ trong vòng 10 năm tốc độ các bệnh không lây nhiễm tăng từ 2-4 lần, trong đó có 2 tỷ người thừa cân béo phì, 50% béo phì; riêng trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân béo phì là 41 triệu trẻ; 159 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi và có tới 422 triệu người mắc đái tháo đường (chiếm 8.5% dân số).
Còn theo nghiên cứu của Hội Dinh dưỡng Việt Nam gần đây, thì trẻ em TP.HCM có tới 22,4% trẻ thừa cân, 19% trẻ béo phì, nhiều hơn ở các tỉnh thành khác. Trong khi đó, 23.2% trẻ em tại Việt Nam bị thấp còi, 12.8% trẻ bị nhẹ cân. Điều đáng lo ngại là tình trạng trẻ hóa tăng huyết áp ở học sinh phổ thông, có tới 15.4% học sinh.
Dẫn chứng về yếu tố nguy cơ gây gia tăng các bệnh không lây nhiễm, bác sĩ Ngọc Diệp cho biết, có tới 45% nam giới hút thuốc lá, 44% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại. Mặt khác, 1/3 dân số thiếu vận động thể lực, 34% học sinh ở độ tuổi 13-17 thường uống nước ngọt có ga nhiều hơn 1 lần/ngày…
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia ăn đường và muối gấp 2 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và có tỉ lệ gia tăng đái tháo đường đường nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Chính vì thế, sự gia tăng các bệnh lý không lây nhiễm sẽ là gánh nặng y tế, kinh tế - xã hội, chất lượng giống nòi.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyến nghị, cần can thiệp ưu tiên là dự phòng tích cực để giảm yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, vai trò của nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, y tế và cộng đồng là cần đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, trung tâm giáo dục sức khỏe, sản xuất và cung cấp thực phẩm thích hợp. Tăng cường sản xuất thực phẩm lành mạnh, dán nhãn dinh dưỡng đối với TP chế biến sẵn. Hạn chế sản xuất và cung cấp thực phẩm nhiều muối, nhiều đường, transfat.