| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ Song Đạt mới giao nền đất cho người góp vốn?

Chủ Nhật 28/05/2023 , 19:52 (GMT+7)

Góp gần 1 vạn lượng vàng và hàng chục tỷ đồng đầu tư dự án, sau 21 năm, họ chưa nhận được gì, thay vào đó là hành trình dài đấu tranh đòi quyền lợi.

Những người tham gia góp vốn là cán bộ, nhân viên Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), còn chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Song Đạt (Công ty Song Đạt). Đến nay, dù tiền, vàng họ đã đóng, nhưng dự án vẫn chỉ là đất trống, được quây kín bằng hàng rào tôn cao quá đầu người, có bảo vệ canh gác ngày đêm. Ngay cả thành viên góp vốn, những “chủ nhân” của dự án, cũng bị “cấm cửa” không được vào, không biết nền đất của mình ở đâu. Chưa kể, diện tích ban đầu theo thỏa thuận chỉ còn một nửa.

Niềm tin giao nhầm chỗ

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2002. Khi đó, trước nhu cầu về nhà ở cho CBCNV, một lãnh PVEP đã giới thiệu Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Song Đạt (Công ty Song Đạt) do bà Trần Thị Quy làm giám đốc đến tiếp xúc, hợp tác làm dự án nhà ở. Tại buổi tiếp xúc, bà Quy cho biết, Công ty Song Đạt có 1 lô đất dự án biệt thự vườn tại P. Long Phước, Q.9 (nay là P. Long Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM), Công ty PVEP có nhu cầu mua, bà Quy sẽ bán lại, và đề nghị sau đó Song Đạt sẽ thực hiện dự án này.

Dự án khu biệt thự kết hợp kinh tế vườn tại P. Long Phước, Q.9, TP.HCM (nay là P. Long Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: PL.

Dự án khu biệt thự kết hợp kinh tế vườn tại P. Long Phước, Q.9, TP.HCM (nay là P. Long Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: PL.

Sau buổi tiếp xúc, công đoàn PVEP đã ra thông báo đến cán bộ nhân viên công ty, ai có nhu cầu mua thì liên hệ đăng ký, đặt cọc với ông Nguyễn Quốc Quân, cán bộ PVEP. Tuy nhiên, sau đó, Ban giám đốc và Công đoàn Công ty PVEP quyết định không hợp tác với Song Đạt, nguyên nhân là sau khi tìm hiểu, khảo sát sơ bộ, lãnh đạo PVEP nhận thấy dự án tại P. Long Phước bà Quy giới thiệu chưa có gì, chưa được các cấp thẩm quyền giao đất, bản thân Công ty PVEP chưa tin tưởng năng lực của Công ty Song Đạt. Nhưng tại thời điểm đó, đã có nhiều người đăng ký, nộp tiền cọc và muốn tiếp tục thực hiện. Khi đó, ông Đinh Văn Dĩnh và Nguyễn Quốc Quân đã mời ông Hoàng Bá Cường (3 ông đều là cán bộ PVEP) cùng đứng ra làm đầu mối đại diện cho những người đã đăng ký, đặt cọc mua nền, tiếp tục tham gia.

Ngày 21/3/2002, lãnh đạo Công ty PVEP có bút phê đồng ý cho ông Dĩnh, Quân và Cường tiếp tục thực hiện dự án với tư cách cá nhân và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; Công ty PVEP không liên quan nhưng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ. Sau đó, một ban đại diện được thành lập gồm các ông Cường, Quân và Dĩnh thay mặt các thành viên góp vốn của PVEP đứng ra thương thảo, ký hợp đồng với Song Đạt.

Tháng 3/2002, Ban đại diện đã ký kết 2 Hợp đồng dịch vụ trọn gói với Công ty Song Đạt do bà Trần Thị Quy làm đại diện về việc triển khai dự án khu biệt thự kết hợp kinh tế vườn tại P. Long Phước, Q.9, TP.HCM. Theo đó, “dự án có tổng diện tích hơn 22ha, torng đó có 15ha đất nền, gồm 194 nền diện tích 500m2 và 53 nền diện tích 1.000m2. Giá dịch vụ trọn gói phải trả cho Công ty Song Đại là 44 lượng vàng SJC 1 nền 500m2 và 86 lượng vàng SJC cho nền 1.000m2. Tổng trị giá 12.900 lượng vàng SJC. Thời hạn thực hiện 15 tháng”.

2 trang hợp đồng đầu tiên ký giữa ban đại diện PVEP và Song Đạt. Ảnh chụp văn bản,
2 trang hợp đồng đầu tiên ký giữa ban đại diện PVEP và Song Đạt. Ảnh chụp văn bản,

2 trang hợp đồng đầu tiên ký giữa ban đại diện PVEP và Song Đạt. Ảnh chụp văn bản,

Tháng 8/2003, bà Trần Thị Quy thay mặt Công ty Song Đạt cùng Ban đại diện ký hợp đồng 3 bên với 221 thành viên góp vốn đầu tư 232 nền đất (một số người ký 1 hợp đồng đầu tư 2 nền, hoặc ký 2 hợp đồng cho 2 nền).

Theo nội dung hợp đồng, người góp vốn sẽ đóng 30% giá trị nền khi đăng ký; nộp tiếp 40% giá trị sau khi ký hợp đồng 3 bên; 15% giá trị sau khi hoàn thành 1/2 khối lượng san lấp mặt bằng; 15% còn lại khi giao nền và giấy tờ pháp lý liên quan quyền sử dụng nền biệt thự của các thành viên góp vốn. Tổng số tiền Song Đạt nhận của hơn 200 thành viên góp vốn là gần 9.500 lượng vàng SJC, đạt hơn 82% tổng giá trị dự án (tính đến năm 2008) và gần 24 tỷ đồng tiền mặt, là chi phí thực hiện các hạng mục cơ sở hạ tầng.

Công ty Song Đạt có trách nhiệm thực hiện các phần việc như lập quỹ đất, lập dự án, xúc tiến các thủ tục pháp lý phê duyệt dự án, san lấp mặt bằng, làm kè chống sạt lở theo sông rạch bao quanh dự án, xây dựng hệ thống điện nổi và hệ thống đường đất cấp phối nội bộ. Các chi phí liên quan đến các loại thuế, các khoản thu khác theo quy định của Nhà nước và chi phí liên quan đến thủ tục giấy tờ xin lập, phê duyệt và triển khai dự án. Toàn bộ các chi phí này đều lấy từ khoản tiền góp vốn của các thành viên.

Những sai phạm của bà giám đốc

Mặc dù hợp đồng ghi rõ sẽ hoàn vốn sau 6  tháng (tức hết hạn vào khoảng tháng 2/2004) bằng hình thức giao nền đất cho các thành viên, tuy nhiên, đến thời hạn, Công ty Song Đạt không giao nền, dự án cũng chưa đầu tư gì đáng kể, chưa có điện nước, bờ kè chống sạt lở, chưa làm các thủ tục cấp giấy Chứng nhận quyền sử sụng đất cho các thành viên góp vốn... Nhận thấy Công ty Song Đạt có nhiều điểm nghi vấn, có 18 thành viên đã đề nghị trả lại tiền góp.

Phiếu bốc thăm nhận nền năm 2010 và bản đồ quy hoạch 1/500 dự án. Ảnh chụp văn bản.

Phiếu bốc thăm nhận nền năm 2010 và bản đồ quy hoạch 1/500 dự án. Ảnh chụp văn bản.

Thực tế, ngay từ đầu, khi ký hợp đồng với người góp vốn năm 2003 và cam kết về diện tích, tổng số nền, thời hạn giao nền, bà Trần Thị Quy, Giám đốc Công ty Song Đạt đã có ý định khác, bởi thời điểm ký hợp đồng, dự án mới chỉ là ý tưởng, chưa được chính quyền các cấp phê duyệt. Đến năm 2007, UBND Q.9 mới có Quyết định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu nhà ở P. Long Phước. Theo quyết định này, dự án được phê duyệt diện tích hơn 18ha, trong đó chỉ có 183 nền biệt thự song lập, mỗi nền diện tích từ 336 đến 714m2, tổng diện tích nền biệt thự vườn chỉ 6,4ha chứ không phải 15ha như ban đầu.

Bà Quy sau đó trấn an người góp vốn bằng cam kết sẽ mua thêm đất để bù vào phần diện tích thiếu. Tuy nhiên, bà Quy không có khả năng mua thêm đất mà chỉ xin điều chỉnh quy hoạch trên diện tích dự án có sẵn. Đến năm 2009, UBND Q.9 có quyết định điều chỉnh phê duyệt dự án, nâng lên 216 nền trên diện tích hơn 6,9ha, nhưng diện tích mỗi nền tiếp tục giảm xuống còn từ 184m2 đến 633m2. Đồng thời, giá đầu tư cũng bị đẩy lên gấp 2 lần so với cam kết ban đầu. Từ đó, có 18 người yêu cầu Công ty Song Đạt trả lại tiền vốn. Lúc này, chỉ còn 203 người góp vốn đầu tư 214 nền đất.

Đến nay, sau hơn 10 năm được giao, cơ sở hạ tầng dự án vẫn chưa có gì nhiều. Ảnh: PL.

Đến nay, sau hơn 10 năm được giao, cơ sở hạ tầng dự án vẫn chưa có gì nhiều. Ảnh: PL.

Tháng 3/2010, Công ty Song Đạt và Ban đại diện tổ chức bốc thăm nhận nền, nhưng chỉ có 165 thành viên góp vốn (ký 173 hợp đồng đầu tư 174 nền) tham gia bốc thăm và đồng ý nhận 174 nền với diện tích giảm hơn nửa so với cam kết. Có 48 người không chấp nhận bốc thăm. Nhiều người tiếp tục xin rút vốn. Để lấy tiền trả cho những người rút vốn, tháng 8/2010, bà Quy tiếp tục ký thêm 10 hợp đồng 3 bên với 10 người đầu tư mới, nhận trực tiếp hơn 445 lượng vàng SJC. Tuy nhiên sau đó, bà Quy vẫn không hoàn trả lại tiền cho người đầu tư xin rút vốn. Như vậy, số hợp đồng tăng lên 213 với 224 nền đất, trong khi dự án được quy hoạch chỉ có 216 nền (thiếu 8 nền), và diện tích thu hẹp môt nửa. Mặc dù vậy, bà Quy vẫn tiếp tục sai khi tự ý ký hợp đồng 2 bên, bán 8 nền đất (là những nền trong số 213 hợp đồng) cho 8 người khác, thu gần 8 tỷ đồng tiền mặt và hơn 98 lượng vàng SJC. Theo kết luận điều tra thì “8 người trên không thuộc 213 người đã ký Hợp đồng 3 bên tham gia dự án từ đầu nên hợp đồng xem như vô hiệu”.

Bà Trần Thị Quy, Giám đốc Công ty Song Đạt hầu tòa năm 2017. Ảnh: TL.

Bà Trần Thị Quy, Giám đốc Công ty Song Đạt hầu tòa năm 2017. Ảnh: TL.

Theo Kết luận điều tra của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, đầu năm 2008, bà Quy đã dùng thủ đoạn làm giả 13/18 Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử sụng đất, trong đó nâng “khống” giá đất chuyển nhượng cao hơn thực tế gần 24 tỷ đồng từ một số cá nhân và Ban đại diện cho Công ty Song Đạt. Để che giấu thủ đoạn nâng “khống” giá đất nhằm chiếm đoạt số tiền đã nộp của người đầu tư, bà Quy đã làm giả 18 phiếu chi, tương ứng với số tiền thanh toán của 18 hợp đồng chuyển nhượng. Vì vậy, số tiền gần 24 tỷ đồng nâng “khống” này nằm trong tổng số tiền của người đầu tư đã nộp và bị bà Quy chiếm đoạt.

Tháng 2/2009, bà Quy đã tự ý mang toàn bộ giấy Chứng nhận quyền sử sụng đất của dự án này thế chấp cho ngân hàng để vay 50 tỷ đồng. Năm 2011, bà Quy tiếp tục vay nợ mới để trả nợ cũ. Theo kết luận của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, thì bà Quy đã mất khả năng trả nợ ngân hàng.

Với những sai phạm nghiêm trọng này, năm 2013, Giám đốc Công ty Song Đạt Trần Thị Quy bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về các tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”. Tuy nhiên, năm 2018, cơ quan chức năng đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bà Quy. Lý do đình chỉ là bà Quy hứa “trả lại tiền, vàng cho người góp vốn, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại của dự án”.

Tuy nhiên, sau 4 năm, bà Quy chưa kịp trả nền cho người góp vốn, cũng chưa “giải quyết những vấn đề tồn tại” ngày càng nghiêm trọng như cam kết trước cơ quan pháp luật, thì bà đã nghỉ, Công ty Song Đạt có người điều hành mới.

Song Đạt chỉ muốn trả vốn, không giao nền?

Kể từ ngày Công ty Song Đạt cam kết trong hợp đồng sẽ giao nền cho các thành viên góp vốn sau 6 tháng, đến nay đã hơn 20 năm vẫn chưa có gì.

Nhiều người trong số các thành viên góp vốn đã người mất, người về hưu. Trong đó, 45 trong số 48 người không chấp nhận bốc thăm nhận nền vẫn miệt mài đi đòi quyền lợi lẽ ra phải thuộc về mình từ lâu. Nhiều người nghỉ việc để đi khiếu nại, hầu tòa từ hơn chục năm nay. Nhiều người đã mang cả tài sản tích cóp hàng chục năm trời của gia đình ra để góp vốn. Kết quả không như mong muốn khiến bản thân họ rơi vào trạng thái tinh thần bất ổn, bế tắc, gia đình lục đục.

Dự án khu nhà biệt thự - vườn ở P. Long Phước, TP Thủ Đức được rào chắn kỹ, khóa trái, ngay cả các thành viên góp vốn đầu tư nền cũng không được phép vào. Ảnh; PL.

Dự án khu nhà biệt thự - vườn ở P. Long Phước, TP Thủ Đức được rào chắn kỹ, khóa trái, ngay cả các thành viên góp vốn đầu tư nền cũng không được phép vào. Ảnh; PL.

“Tôi không phải người của PVEP, nhờ người quen giới thiệu nên cũng tham gia góp vốn nền 500m2. Đã nộp tiền đến năm 2008, được gần 90% của 44 lượng vàng. Nhưng đến khi bốc thăm, thì diện tích giảm đi hơn một nửa. Tôi không chấp nhận nên khiếu nại. Từ một người bình thuờng, tôi bị stress nặng, rơi vào trạng thái lãnh cảm, nhiều lúc như người mộng du. Cũng vì theo đuổi vụ kiện mà tôi phải nghỉ làm, vợ chồng cũng nhiều lần bất hòa. Đến bây giờ, dù vẫn quyết tâm đòi bằng được những gì thuộc về mình, nhưng vẫn lo không biết bao giờ mới xong, nhất là sau khi chứng kiến mấy phiên tòa ở Quận 9, họ tuyên hợp đồng vô hiệu, chủ đầu tư trả lại tiền góp cho người góp vốn! Làm sao có chuyện vô lý như vậy? Chúng tôi bỏ cả gia tài ra đầu tư, sau 2 chục năm trả lại vốn, trong khi tài sản đầu tư của chúng tôi là thật, vẫn đang hiện hữu”, bà Nguyễn Thị L., một thành viên góp vốn bức xúc nói.

Có điều lạ là nếu giới thiệu là khách đang tìm mua nền đất thì được phép vào. Đây là hình ảnh bên trong dự án. Ảnh: PL.
Có điều lạ là nếu giới thiệu là khách đang tìm mua nền đất thì được phép vào. Đây là hình ảnh bên trong dự án. Ảnh: PL.

Có điều lạ là nếu giới thiệu là khách đang tìm mua nền đất thì được phép vào. Đây là hình ảnh bên trong dự án. Ảnh: PL.

Trong số hàng chục người có đơn khởi kiện Song Đạt ra tòa, có trường hợp anh Bùi Văn V., sinh năm 1965, ở TP Vũng Tàu. Anh V. vừa mất cách đây vai tháng do bệnh tật, chị H., vợ anh V., năm nay 55 tuổi, tâm sự trong nước mắt: “Trước khi mất, anh ấy nắm tay tôi, dặn bằng mọi giá phải lấy được nền đất cho các con. Chồng tôi đăng ký góp mua nền 500m2, dốc sạch tài sản trong nhà để đặt cọc ban đầu. Những năm sau, dành dụm tích cóp, nhịn ăn nhịn mặc để đóng tiếp, mong có căn nhà cho các con. Đến năm 2008 thì đóng được tổng cộng gần 40 lượng vàng. Mọi việc chồng tôi chủ động làm hết, tôi không tham gia. Sau khi anh ấy mất, tôi lên tòa theo giấy triệu tập, mang theo giấy chứng tử, nhưng họ vẫn hỏi tôi có giấy ủy quyền không, tôi đau lòng, khóc ngay tại tòa. Họ không hỏi thăm lấy một câu, mà cứ xoáy vào hỏi giấy ủy quyền. Tôi hỏi thăm thì biết là nếu chồng tôi làm giấy ủy quyền cho tôi mà anh ấy không còn thì cũng phải làm giấy thừa kế. Bây giờ, gia đình tôi khó khăn lắm, các con còn nhỏ, tôi thì bệnh tật phải nghỉ làm, không có thu nhập. Chỉ mong bên Công ty Song Đạt họ giải quyết trả nền đất cho chúng tôi’.

Hiện nay, đất nền dự án khu nhà biệt thự vườn Song Đạt do các thành viên góp vốn PVEP đầu tư đang được hàng chục trang mạng rao bán rầm rộ. Ảnh chụp màn hình. 
Hiện nay, đất nền dự án khu nhà biệt thự vườn Song Đạt do các thành viên góp vốn PVEP đầu tư đang được hàng chục trang mạng rao bán rầm rộ. Ảnh chụp màn hình. 

Hiện nay, đất nền dự án khu nhà biệt thự vườn Song Đạt do các thành viên góp vốn PVEP đầu tư đang được hàng chục trang mạng rao bán rầm rộ. Ảnh chụp màn hình. 

Bà H. đăng ký góp vốn đầu tư mua nền 1.000m2, đã đóng gần đủ số vàng cho Công ty Đạt, đến nay, ngay cả nền 622m2 cũng không có. “Theo tôi được biết thì hiện nay đất dự án này đã “sạch”, không còn dính đến nợ ngân hàng nữa. Tôi nằm trong số 165 thành viên bốc thăm nhận nền đã chấp nhận lấy nền bằng 1/3 diện tích ban đầu, nhưng ngay cả việc này bên Công ty Song Đạt cũng không chịu. Họ chỉ muốn trả lại tiền gốc cho chúng tôi chứ không muốn giao nền”, bà H. nói.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.