| Hotline: 0983.970.780

Bảo hiểm bò, lo đóng phí

Thứ Tư 18/04/2012 , 10:49 (GMT+7)

Hà Nội là 1 trong 21 tỉnh triển khai thí điểm BHNN từ năm 2011- 2013. Hai huyện thí điểm là Ba Vì (đối với bò sữa) và Chương Mỹ (đối với đàn lợn tại 3 xã).

Mức cao nhất 480.000 đ/con bò sữa/năm

Hà Nội là 1 trong 21 tỉnh triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) từ năm 2011- 2013. Hai huyện thí điểm là Ba Vì (đối với bò sữa) và Chương Mỹ (đối với đàn lợn tại 3 xã).

Tuy nhiên đa số người chăn nuôi chưa mặn mà tham gia, bởi BHNN có nhiều điểm chưa hợp lý.Vào tháng 6/2011 Cty CP Sữa quốc tế (IDP) cũng đã có kế hoạch triển khai BHNN cho đàn bò sữa Ba Vì, họp lên họp xuống; cuối cùng phải tạm dừng.


BHNN đối với bò sữa còn nhiều khắt khe

Chưa làm đã muốn rút lui 

Huyện Ba Vì có khoảng 1.500 hộ chăn nuôi bò sữa, với tổng đàn bò trên 5.500 con; tập trung chủ yếu ở các xã Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hoà. Dự kiến năm 2012, sẽ tăng thêm 2.500 con nữa tại Ba Vì và các vùng lân cận.

Ông Nguyễn Văn Bưởi ở thôn Quyết, xã Yên Bài (Ba Vì) có thâm niên 7 năm nuôi bò sữa. Hỏi về BHNN, ông Bưởi cho hay: "Tôi đang nuôi 17 con bò sữa. Vừa qua có đi tập huấn triển khai BHNN nhưng thấy nhiều bất cập. DN bảo hiểm cho biết mức phí với hộ cận nghèo là 240.000 đ/con bò sữa/năm, hộ bình thường là 480.000 đ/con/năm, nhưng giá bồi thường quy định mức thấp nhất chỉ 8 triệu đồng/con; số tiền này mới đủ mua con bê. Trong khi đó mỗi con bò sữa có giá từ 40- 60 triệu đồng. Mức phí cao nhưng "thu" về rất ít".

Mặc dù  mới chỉ nghe qua cuộc họp, tập huấn; chưa ký hợp đồng BHNN, nhưng ông Nguyễn Ngọc Hà, thôn Chóng, xã Yên Bài thẳng thừng từ chối tham gia.  “Gia đình tôi đang nuôi 2 con bò sữa và có dự định nuôi thêm. Vừa qua đi họp thấy bảo hiểm đối với bò sữa còn chặt chẽ quá”, ông Hà nói.

Theo ông, người ta "chọn" bò sữa loại 1 làm bảo hiểm, chỉ bán bảo hiểm cho những con bò béo, cho năng suất sữa cao. Còn bò gầy thì không được tham gia bảo hiểm (!?). Chúng tôi mua bảo hiểm cũng phải tính đến những con gầy, còn con béo tốt thì nói làm gì? Đặc biệt, mỗi khi xảy ra rủi ro phải báo cho công ty bảo hiểm về mổ, xét nghiệm xem bệnh gì mới được bồi thường?

"Ngay cả bảo hiểm y tế cho người, việc thanh toán còn gặp khó khăn, phiền hà nữa là bảo hiểm cho bò. Đóng tiền thì dễ nhưng lấy được đồng bảo hiểm cực khó; thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài; thậm chí còn mất tiền lo lót mới lấy được”, ông Hà chia sẻ.

Cần nới rộng diện bảo hiểm 

Ban chỉ đạo BHNN TP Hà Nội vừa tổ chức hội nghị triển khai BHNN cho bò sữa tại Ba Vì. Nhiều ý kiến cho rằng, phí bảo hiểm theo quy định còn cao; một số điều khoản khi tham gia nhưng chưa được giải quyết. Ông Hoàng Thanh Kỳ, Phó chủ tịch xã Yên Bài cho biết, BHNN mới triển khai ở cấp huyện chưa về đến cơ sở. Nhưng người chăn nuôi đang nghe ngóng và  “phản pháo” ngay từ đầu.

Chẳng hạn một số danh mục bảo hiểm quá khắt khe. Các bệnh trên bò sữa hay mắc phải, lại không nằm trong danh mục được chi trả. Bò sữa thường bị bệnh dạ cỏ, chướng hơi đầy bụng;  bệnh này rất dễ chết, vậy mà không được bảo hiểm chi trả.  Bệnh  lở mồm long móng, tụ huyết trùng thì được thanh toán, nhưng bệnh này bò ít mắc phải, nếu có bệnh thì đều được cứu chữa kịp thời.

Ông Hoàng Tuyển Tiến, cán bộ phụ trách chăn nuôi, Phòng NN-PTNT Ba Vì cho biết, sở dĩ người dân không muốn tham gia BHNN là giá trị một con bò sữa rất lớn, song việc bảo hiểm chỉ ưu tiên hộ nghèo. Nhưng đã nghèo thì làm gì có điều kiện nuôi, bởi vốn đầu tư rất lớn. Do đó, đối tượng được hưởng chính sách này hầu như... không có. Bên cạnh đó khi xảy ra dịch bệnh thì phải đáp ứng các yêu cầu như: Trên 10% tổng đàn bò của xã chết do dịch bệnh, lúc đó bảo hiểm mới giải ngân; song mức hỗ trợ chỉ 60% giá trị vật nuôi...

"Việc bảo hiểm bò sữa chúng tôi hết sức ủng hộ, bởi quyền lợi của nông dân được bảo đảm, giúp DN phát triển ổn định và vượt qua khó khăn khi dịch bệnh, thiên tai không may xảy ra. Từ đó nông dân được bồi thường và có thể thay thế vật nuôi mới, yên tâm đầu tư cho chăn nuôi", ông Minh nói.
Cũng theo ông Tiến thì trung bình mỗi hộ nuôi ít nhất 3 con bò sữa, có hộ từ 5- 7 con trở lên, nên khoản tiền phí phải nộp không nhỏ. Chăn nuôi bò sữa đang là hướng phát triển kinh tế cho thu nhập cao, song với mức phí như vậy, nông dân sẽ ngại tham gia. Ông Phan Sĩ Minh, PGĐ Cty CP sữa quốc tế (IDP) cho biết: Trước đây Cty đứng ra triển khai BHNN và đã tiến hành họp dân, cho người dân tiếp xúc với bảo hiểm, nhưng chưa thực hiện được. Nay TP Hà Nội giao cho Sở NN- PTNT đứng ra triển khai thí điểm tại huyện Ba Vì nên Cty chúng tôi đã dừng lại. Trong quá trình triển khai cho bò sữa nếu gặp khó khăn Cty sẽ trợ giúp.

Ông Minh cũng cho biết thêm, hầu hết người dân chưa nắm hết kỹ thuật nuôi nên dịch bệnh nhiều, có năm chết hàng trăm con bò sữa. Không những thế, giá bò sữa giống ngày càng cao (từ 30-35 triệu đồng/con, có giống bò lên tới 55 triệu), sắp tới, IDP còn dự định đưa ra thị trường giống bò chất lượng cao giá trên 100 triệu đ/con. Điều này đồng nghĩa với việc người nông dân sẽ gặp tổn thất lớn khi có rủi ro. Trong khi theo quy định BHNN, khi có rủi ro xảy ra, người chăn nuôi chỉ được đền bù thiệt hại 18 triệu đ/con, tối đa 35 triệu đồng/con, tùy theo giá trị bò.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.