| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn nguồn lợi biển để khai thác bền vững

Chủ Nhật 14/11/2021 , 16:49 (GMT+7)

QUẢNG NINH Đường bờ biển dài cùng hệ sinh thái phong phú là lợi thế quan trọng để Quảng Ninh phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ nguồn lợi biển.

Ngày 13/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không đúng quy định (IUU), tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật...

Cạn kiệt nhiều loài hải sản có giá trị cao

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh sở hữu hơn 250 km bờ biển với trên 6.100 km2 mặt biển, trên 1.000 km2 diện tích hải đảo, cùng với phong cảnh thiên nhiên biển đảo độc đáo. Đặc biệt, vùng biển Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long mang trong mình trên 100 trăm loài cá, san hô, rong biển và hàng chục loài thực vật ngập mặn, thực vật, động vật phù du, động vật đáy biển. Với sự đa dạng, phong của hệ sinh thái biển, là tiền đề quan trọng để ngành thủy sản của Quảng Ninh phát triển.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác giám sát tàu cá tại cảng Vân Đồn. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác giám sát tàu cá tại cảng Vân Đồn. Ảnh: Lê Bền.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 154.500 tấn, tăng 6,94% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó sản lượng khai thác ước đạt 74.550 tấn, vượt 1,4% kế hoạch, sản lượng nuôi trồng ước đạt 80.000 tấn. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 21.300 ha.

Nhằm triển khai chiến lược phát triển thủy sản, năm 2021, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung thực hiện điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá, tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực tôm, nhuyễn thể. 

Từ tháng 9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể hóa chỉ thị này, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhằm siết chặt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trên cơ sở đó, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt ven bờ; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi khai thác thủy sản trái phép.

Những năm gần đây, hoạt động khai thác thuỷ sản ngày càng tăng, khiến nguồn lợi này đang bị suy giảm. Đây là nguyên nhân khiến nhiều loài thủy sản ở vùng biển của tỉnh đang dần bị cạn kiệt, trong đó có không ít loài có giá trị kinh tế cao, như: Ghẹ Trà Cổ, ngán, sá sùng, cá vược, cá giò...

Mô hình nuôi cá bằng vật liệu an toàn với môi trường đang được Quảng Ninh triển khai nhân rộng nhằm đảm bảo khai thác bền vững tài nguyên biển. Ảnh: Minh Phúc.

Mô hình nuôi cá bằng vật liệu an toàn với môi trường đang được Quảng Ninh triển khai nhân rộng nhằm đảm bảo khai thác bền vững tài nguyên biển. Ảnh: Minh Phúc.

Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, có nhiều giải pháp quyết liệt, cấp thiết. Trong đó, từ năm 2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2418/2014/QĐ-UBND về việc ban hành quy định quản lý nhà nước về hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Ngành khai thác thủy sản ở Quảng Ninh chủ yếu tổ chức ở quy mô nhỏ, hầu hết tàu cá có công suất thấp, ngư dân hoạt động riêng lẻ, đánh bắt ven bờ, năng suất thấp, khai thác đa loài (tàu cá nhỏ chiếm hơn 97%).

Bên cạnh đó, ngư dân còn chưa nghiêm túc thực hiện quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; kiểm tra tàu cá ra, vào cảng chưa chặt chẽ; thông tin khai báo thiếu tin cậy đã liên quan trực tiếp đến quy định khai thác bất hợp pháp. Đây cũng là mối đe dọa đối với mục tiêu phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm trong chiến lược phát triển ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản của Quảng Ninh.

Nên duy trì sản lượng đánh bắt bằng 20 - 25% tổng sản lượng

Làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng và lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, để khai thác bền vững, Quảng Ninh cần bảo tồn nguồn lợi biển. Trong đó, cần kiểm soát hoạt động đánh bắt thủy sản trên địa bàn, sản lượng khai thác ngoài tự nhiên chỉ duy trì ở mức 20 - 25% so với tổng sản lượng, còn lại là khai thác từ hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Quảng Ninh chỉ nên duy trì lượng thủy hải sản khai thác chiếm từ 20 - 25% tổng sản lượng thủy sản, dần đẩy mạnh chuyển sang nuôi biển. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Quảng Ninh chỉ nên duy trì lượng thủy hải sản khai thác chiếm từ 20 - 25% tổng sản lượng thủy sản, dần đẩy mạnh chuyển sang nuôi biển. Ảnh: Lê Bền.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay, ngành thủy sản của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và trên cả nước nói chung đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, diện tích bảo tồn biển chưa đạt mục tiêu đề ra; chưa kiểm soát được số lượng tàu cá phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi.

Ngày 27/10, Bộ NN-PTNT đã có Dự thảo Quy hoạch bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu năm 2030 bảo đảm hoạt động khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Việc khai thác quá mức bằng các ngư cụ có tính hủy diệt, tác động của biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến đường di cư thay đổi nơi sống của loài thủy sản. Những tác động này đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển thủy vực nội địa và các hệ sinh thái thủy sinh.

Ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan siết chặt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn có hiệu quả, xử lý nghiêm việc khai thác bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, việc khai thác và bảo tồn là hai nội dung liên quan chặt chẽ với nhau. Từ những định hướng và giải pháp, hệ thống các dự án trong Dự thảo Quy hoạch bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản, căn cứ vào tình hình thực tế, cần nghiên cứu kỹ để có bản Dự thảo thật sự hoàn chỉnh và sát thực tiễn. Đây chính là hành lang pháp lý để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cũng như vấn đề khai thác.

Được biết, hàng năm, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến các hộ dân về tầm quan trọng của việc thả giống. Từ đầu năm đến nay, Sở NN-PTNT, Hội Nghề cá tỉnh, các địa phương, tổ chức và người dân đã phối hợp thả 2.697.700 con tôm, cua, cá giống vào các loại thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến hết năm 2021, công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản sẽ được tiếp tục duy trì.

Quảng Ninh có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi biển. Ảnh: Lê Bền.

Quảng Ninh có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi biển. Ảnh: Lê Bền.

Cùng với các giải pháp trên, để bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học biển một cách bền vững, tỉnh ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn cát, bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, nhất là ở các vùng xung yếu rủi ro cao trước tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, các địa phương ven biển trong tỉnh cũng triển khai những biện pháp bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học gắn với đặc thù địa bàn. Điển hình như huyện Vân Đồn tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm về môi trường; yêu cầu các đơn vị, nhà hàng khách sạn, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cam kết có giải pháp xử lý rác, nước thải; vận động các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên biển sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.

Phê duyệt Quy hoạch Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần

UBND tỉnh đã có Quyết định số 1614/QĐ-UBND ngày 19/5/2020 phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần là khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp tỉnh.

Hiện nay, khu bảo tồn biển ở Cô Tô - đảo Trần (Quảng Ninh) với diện tích 18.414 ha sẽ là nơi các hệ sinh thái tự nhiên, đặc thù và quan trọng như rạn san hô, rừng ngập mặn, bãi triều rạn đá được bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể các loài sinh vật biển quý hiếm. Đến nay, tại khu vực đã thiết lập được 8.700 m2 rạn san hô nhân tạo.

Để nhân lên trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển các địa phương, đoàn thể trong tỉnh thường xuyên tổ chức và duy trì các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng.

Trong đó, điển hình là Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Tỉnh Đoàn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp phát động. Đến nay, hoạt động này đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, duy trì đều đặn tại các địa phương vùng ven biển trên địa bàn như Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái...

Với cách làm quyết liệt, đồng bộ trong việc tái tạo, bảo tồn nguồn tài nguyên biển, Quảng Ninh đã thể hiện quyết tâm hướng đến mục tiêu khai thác bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ nguồn lợi biển.

HUY BÌNH

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.