Tỉnh Phú Yên có hơn 50 con sông, suối lớn nhỏ, với tổng diện tích các lưu vực sông khoảng 16.400km2 và hàng năm tổng lưu lượng dòng chảy khoảng 11,8 tỉ m3. Tuy nhiên điều đáng báo động từ năm 2010 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hàng năm việc sạt lở này đã làm mất hàng chục đến hàng trăm ha đất ven sông, ven biển của tỉnh. Dù địa phương đã nỗ lực đầu tư xây dựng nhiều tuyến kè sông, kè biển song tình trạng này vẫn không thuyên giảm, làm mất nhiều diện tích đất nông nghiệp, uy hiếp nhiều khu dân cư.
Điển hình nhiều đoạn trên sông Ba có nhiều điểm sông lấn sát vào khu dân cư như khu vực thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây (Phú Hòa). Ông Đinh Long Ẩn, một người dân ở thôn Cẩm Thạch cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông ở khu vực thôn đã xảy ra nhiều năm nay, nhưng gần đây thật sự báo động.
Theo ông Ẩn, trước đây, bờ sông nằm xa ở ngoài hàng trăm mét, nhưng gần đây nước sông đã xâm thực sâu vào đất sản xuất. Nhất là từ khi kè Thạch Bàn (Tây Hòa) xây dựng hoàn thành, nước lũ sông Ba đã chuyển hướng đâm thẳng vào khu vực thôn Cẩm Thạch cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp, uy hiếp nhiều khu dân cư. Do đó, các cấp chính quyền cần triển khai xây dựng kè sông đoạn qua thôn Cẩm Thạch để người dân yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cũng cho rằng, việc sạt lở bờ sông Ba đoạn qua huyện rất nhiều điểm và rất phức tạp. Nhiều diện tích đất canh tác bị cuốn trôi, hàng trăm hộ dân ở khu vực ven sông có khả năng bị ảnh hưởng nếu không khắc phục kịp thời tình trạng sạt lở.
Đoạn qua xã Hòa Định Tây là điểm sạt lở nặng nhất. Trước đây đã có một khu dân cư “xóa sổ” do tình trạng sạt lở của sông Ba. Trong khi đó hiện có một đoạn bị sạt lở với chiều dài hơn 1 km, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, ở khu vực thị trấn Phú Hòa cũng có 2 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 1,5 km. Còn ở khu vực xã Hòa An có 3 điểm sạt lở với chiều dài hơn 3km. Những năm gần đây, nước sông Ba đã xâm thực vào đất sản xuất tại các điểm sạt lở trên từ 5-10m, cuốn trôi hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp và đe dọa nhiều khu dân cư.
Không chỉ sạt lở bờ sông mà tình trạng sạt lở bờ biển cũng khá phức tạp trong những năm gần đây. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, toàn huyện có nhiều điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, song có 8 địa điểm sạt lở rất nặng, trong đó 4 địa điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 3,6 km và 4 địa điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài hơn 4 km. Việc sạt lở bờ biển thường xảy ra vào mùa mưa bão, do thủy triều lên kết hợp với sóng biển lớn đánh vào cuốn trôi nhiều diện tích đất và uy hiếp nhiều khu dân cư ven biển. Riêng từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra nhiều đợt triều cường xâm thực, gần nhất vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 11/2022, triều cường đã khiến khu vực thôn Giai Sơn, xã An Mỹ sạt lở đất ăn sâu vào khoảng 5-7m.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 44 địa điểm khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài gần 90 km. Trong đó tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra phức tạp tại các sông lớn như sông Ba, Kỳ Lộ, Bàn Thạch với 17 địa điểm, với tổng chiều dài hơn 65 km. Còn tình trạng sạt lở bờ biển có 19 địa điểm với tổng chiều dài sạt lở hơn 20 km.
Theo ông Lữ Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, những năm qua, tỉnh rất chú trọng đến việc phòng chống sạt lở bờ sông và bờ biển. Điều này thể hiện đã xây dựng được hơn 58 km đê kè gồm 39km kè sông và 19 km kè biển. Riêng từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã triển khai 14 dự án xây dựng kè sông, kè biển với tổng chiều dài gần 20 km, tổng kinh phí gần 720 tỷ đồng. Thế nhưng điều đáng nói, tình hình sạt lở bở sông, cửa biển, ven biển trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Các vị trí sạt lở mang tính cục bộ, tuy nhiên do một số vị trí được xử lý bằng nguồn kinh phí hạn hẹp nên không giải quyết triệt để.
Sở NN-PTNT Phú Yên đã có báo cáo tình hình sạt lở và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn đề xuất Trung ương hỗ trợ đầu tư 40 dự án (trong đó 9 dự án được phân loại tình hình sạt lở là đặc biệt nguy hiểm) cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, với tổng chiều dài gần 89km, tổng mức đầu tư khoảng 4.480 tỷ đồng.