Những ngày qua, người dân sống ở tổ dân phố Thạnh Đức 1 (phường Phổ Thạnh) luôn sống trong cảnh bất an khi mà những con sóng lớn liên tục dội vào bờ, cuốn tất cả mọi thứ trôi ra biển, từ cây cối, hoa màu, vườn tược, đến cả nhà cửa. Đáng lo hơn khi tình trạng triều cường xâm thực này lại xảy ra vào ban đêm nên các hộ gia đình sống dọc bờ biển ở đây không kịp trở tay.
Theo người dân địa phương, lần sóng biển xâm thực nghiêm trọng nhất là vào đầu tháng 11 vừa qua. Tính đến nay, tại khu vực này đã có khoảng 400m bờ biển bị tác động của triều cường gây sạt lở nặng nề. Một số nơi sóng “ngoạm” sâu vào bờ đã “nuốt chửng” 2 căn nhà của người dân trong đêm, rất may thời điểm đó người dân đã di dời đến nơi ở khác để tránh trú nên không gây thiệt hại về người.
Chị Võ Thị Mến (34 tuổi, trú tổ dân phố Thạnh Đức 1) cho biết, mấy chục năm sống ở địa phương chị chưa bao giờ thấy năm nào triều cường xâm thực mạnh như năm nay. Những hôm trời nổi sóng lớn thì hầu như trong làng không ai dám ngủ. Mọi người phải thay nhau túc trực để kiểm tra lỡ có tình huống xấu xảy ra nhằm kịp thời ứng cứu.
“Đầu tháng vừa rồi, vào tối khuya, nhận thấy sóng biển êm tưởng sẽ không sao nữa nhưng đến 4 giờ sáng bất ngờ nổi sóng cao cả chục mét. Trong phút chốc, 2 căn nhà bị cuốn ra biển. Bao nhiêu tài sản tích cóp để trong nhà mất hết. Bà con chỉ biết nhìn xót xa, bất lực chứ không có cách nào để cứu được”, chị Mến nói rồi chỉ tay về hướng những ngôi nhà giờ đây cũng đang nằm sát sạt bờ biển, chỉ cần 1 vài cơn sóng lớn như vừa qua nữa là có thể bị cuốn đi bất cứ lúc nào.
Ngay cả, tuyến kè biển Thạnh Đức 1 mà thị xã Đức Phổ vừa hoàn thành vào năm 2019 vừa qua cũng bị triều cường đánh sập. Đây là công trình chiều dài 302m, với mục tiêu nhằm đảm bảo an toàn cho 60 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng của sạt lở; trong đó có 20 hộ dân với 105 nhân khẩu bị tác động trực tiếp.
Ghi nhận thực tế, tại điểm cuối đoạn kè biển Thạnh Đức 1, một đoạn bờ bằng bê tông, cốt thép kiên cố bị sóng biển đánh gãy đôi và sụt sâu xuống bên dưới khoảng 2m nằm ngổn ngang. Phía bên dưới, sóng biển dội vào cuốn trôi hết đất đá tạo ra hàm ếch khoét sâu vào bên trong khoảng 3m khiến cho mảng bê tông lớn được thiết kế làm tuyến đường giao thông nội bộ nằm trơ trọi và đứng trước nguy cơ đổ gãy tiếp theo.
Ông Phạm Sáu (84 tuổi, trú tổ dân phố Thạnh Đức 1) kể: “Tôi nằm trong nhà nghe tiếng sóng dội ầm ầm. Sau thì nghe những tiếng động lớn đến sáng ra mới biết là kè biển đã bị gãy. Thấy vậy ai cũng lo, chưa khi nào sóng biển lại dữ dội như thế. Nếu không kịp thời gia cố thì nếu có sóng lớn tiếp, đoạn kè này sẽ không trụ vững. Mà khi kè bị cuốn trôi thì mấy ngôi nhà bên trong cũng đứng trước nguy cơ bị đe dọa”.
Theo báo cáo của UBND thị xã Đức Phổ, do liên tiếp chịu tác động của các đợt mưa bão kết hợp với không khí lạnh cường độ mạnh và triều cường sóng biển dâng cao gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển dọc theo tổ dân phố Thạnh Đức 1. Tổng chiều dài sạt lở khoảng 400m, ăn sâu vào đất liền nhiều đoạn từ 20m đến 50m, làm ảnh hưởng trực tiếp đến 11 nhà ở của 11 hộ dân, với 47 khẩu. Trong đó, có 2 nhà bị sạt lở, ngã đổ hoàn toàn; 9 nhà có nguy cơ tiếp tục gây ngã đổ; ngoài ra có 70 hộ dân trong vùng bị ảnh gián tiếp của vùng bị sạt lở bờ biển.
Trên tuyến kè biển Thạnh Đức 1, tại điểm cuối phía Nam của công trình, vị trí khung kè số 20, số 21 và số 22, cấu kiện đúc sẵn trong khung phần mái ta luy, khung bê tông cốt thép và phần đường bê tông bị sập đổ hoàn toàn, đất đắp bên trong bị cuốn trôi đi hết gây xói lỡ đường đi. Tổng chiều dài hư hỏng hoàn toàn khoảng 30m. Các vị trí khung kè còn lại nằm sát khung kè bị sập phần đất bên trong bị sóng cuốn đi, gây trống rỗng có nguy cơ sụp đổ.
Ông Võ Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho biết, UBND thị xã Đức Phổ đã chỉ đạo UBND phường Phổ Thạnh cùng các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, sạt lở để kịp thời tổ chức di dời, sơ tán ngay các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại điểm sơ tán tập trung (nếu có).
Đồng thời, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng thường trực để cảnh báo, hướng dẫn cho người, phương tiện qua lại. Tăng cường truyền thông để người dân biết về nguy cơ diễn biến sạt lở, hư hỏng công trình, chủ động các biện pháp ứng phó. Về thực hiện các biện pháp xử lý tạm thời để hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển là sẽ thả đá rơi để gia cố bảo vệ tạm các điểm sạt lở ngăn sóng chống xâm thực và bảo vệ các khung kè còn lại.
“UBND thị xã Đức Phổ đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở NN-PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, xem xét cho chủ trương và bố trí kinh phí khắc phục khẩn cấp Kè chống sạt lở bờ biển Tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh thị xã Đức Phổ, với chiều dài tuyến khoảng 1.000m (kể cả kè đã có), tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng để đảm bảo an toàn cho các hộ dân”, ông Hùng thông tin.