| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 24/08/2020 , 05:35 (GMT+7)
TS. Lê Viết Sơn

TS. Lê Viết Sơn

Viện Quy hoạch Thủy lợi 05:35 - 24/08/2020

'Bắt bệnh' ngập lụt ở đô thị vùng cao

Khoảng 10 năm trở lại đây, các đô thị lớn ở phía Bắc thường xuyên xảy ra ngập lụt. Nhiều người đặt câu hỏi, đó là thiên tai hay nhân tai?

Hiện nay, khu vực  miền núi phía Bắc có nhiều đô thị ven sông. Ví dụ thị xã Lào Cai và TP Yên Bái nằm cạnh sông Thao; TP. Hà Giang nằm cạnh sông Lô; TP Cao Bằng có sông Bằng Giang và TP Lạng Sơn nằm cạnh sông Kỳ Cùng.

Nhiều người nghĩ rằng, các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thác Bà, Tuyên Quang thì có thể cắt lũ. Nhưng trên thực tế, các đô thị trên đều nằm ngoài phạm vi điều tiết, bảo vệ của các hồ chứa. Đó là đặc điểm thứ nhất.

Thứ hai, những thành phố ở khu vực miền núi phía Bắc chưa có các tuyến đê bao để bảo vệ. Nên khi nước sông dâng cao sẽ gây ngập lụt cho các thành phố.

Điều kiện địa hình không cho phép các đô thị kể trên xây dựng đê bao, bởi nguyên tắc xây dựng đê là phải đảm bảo hệ thống có tính khép kín. Trong khi đó, ngoài nước sông dâng lên thì các thành phố kể trên còn chịu tác động của các lưu vực nội địa từ phía sau lưng chảy về nữa.

Bên cạnh đó, đặc điểm của các hệ thống sông trên là nước dân nhanh nhưng cũng rút nhanh; biên độ dao động mực nước lớn nên đã đầu tư đê bao thì phải xây dựng rất cao mới chống được lũ.

Hầu hết các thành phố kể trên đều chịu tác động bởi lũ lịch sử xảy ra với tần suất 100 năm/lần. Bên cạnh đó, các đô thị còn bị ảnh hưởng của mưa nội tại. Trong những năm gần đây, theo thống kê, các trận mưa có cường độ lớn và bất thường xuất hiện trên tất cả các thành phố đó.

Tuy nhiên, mưa nội tại chỉ gây ngập cục bộ và chủ yếu là ở các khu đô thị, khu dân cư mới được đầu tư mở rộng, đang trong qua trình phát triển nên hệ thống cơ sở hạ tầng thoát nước chưa hoàn thiện. Thậm chí, nhiều khu dân cư được hình thành tự phát trên nền đất trũng, do đó cứ mưa là ngập. Còn các đô thị cũ, được xây dựng lâu đời rất ít khi xảy ra ngập lụt bởi quy hoạch đã tính toán cao trình đảm bảo.

Một nguyên nhân khác đẩy tình trạng ngập lụt ở các đô thị vùng cao trầm trọng hơn, đó là hành lang thoát nước các sông chính cũng như sông nhánh nội địa đang bị lấn chiếm, làm co hẹp dòng chảy, giảm hệ số tiêu nước.

Việc đầu tư xây dựng thủy điện ở thượng nguồn các dòng sông cũng là chuyện rất đáng bàn. Chúng tôi tính toán, các thủy điện xả nước đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt sẽ khiến mức độ ngập của Hà Giang tăng lên khoảng 18cm so với trường hợp không có thủy điện. Tuy nhiên, nếu hồ chứa vận hành không đúng quy trình thì rất khó đánh giá, bởi không ai biết họ xả nước với lưu lượng bao nhiêu.

Về giải pháp chống ngập, trước tiên là phải xây dựng các hồ chứa để cắt lũ cho các đô thị. Ví dụ, khi hồ Bản Lải (trên sông Kỳ Cùng) hoàn thành và đi vào sử dụng, sẽ cắt được lũ lịch sử với tần suất 100 năm xảy ra một lần, bảo vệ thành phố Lạng Sơn. Còn các thành phố/thị xã Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng không có vị trí thuận lợi để xây dựng hồ, nên không thể đề xuất dự án được.

Vậy không có hồ chứa cắt lũ thì phải làm gì? Việc chúng ta cần làm là phải bảo vệ không gian thoát lũ cho các con sông, bằng việc kè các trục kênh tiêu và sông tiêu. Qua đó chống lấn chiếm hành lang thoát lũ.

Hiện nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi đã xây dựng được bản đồ khu vực có nguy cơ ngập lụt cho các đô thị lớn ở miền núi phía Bắc. Đó là cơ sở để các địa phương quy hoạch phát triển đô thị, không nên mở rộng khu dân cư tại các khu vực trũng, không đảm bảo cốt nền (hoặc cần có giải pháp tôn cao nền đất và cơ sở hạ tầng) trước khi xây dựng công trình nhà ở, cơ sở sản xuất...

Bên cạnh đó, các địa phương cần có giải pháp để duy trì và nâng độ che phủ thảm thực vật ở các khu đất đồi, rừng núi, vừa có tác dụng giữ nước, vừa góp phần cắt lũ.