| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 08/04/2025 , 10:44 (GMT+7)
Nguyễn Nam Cường

Nguyễn Nam Cường

Giảng viên Đại học FPT - Nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc 10:44 - 08/04/2025

ĐBSCL thích ứng trong hệ sinh thái sống thuận thiên?

Nếu chuyển đổi một cách bài bản và thuận thiên, ĐBSCL hoàn toàn có thể từ một vùng 'chịu tổn thương' trở thành hình mẫu mới của nông nghiệp thích ứng BĐKH.

Biến đổi khí hậu đang đặt ra một thách thức sinh tử đối với nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi đóng góp khoảng 55% sản lượng lúa gạo và 71% sản lượng thủy sản của cả nước. Với khoảng 17,3 triệu người (Niên giám Thống kê Việt Nam, 2023), chiếm khoảng 17,4% dân số cả nước, trong đó hơn 80% sống bằng nghề nông, vùng này không chỉ là vựa lúa quốc gia mà còn là tuyến phòng thủ đầu tiên trước biến động khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, trong khi ĐBSCL từng được xây dựng trên nền tảng “thuận lợi tự nhiên” với hệ thống sông ngòi trù phú, khí hậu ôn hòa và phù sa màu mỡ, thì ngày nay mô hình phát triển này đang bộc lộ những giới hạn. Khi tự nhiên không còn thuận, Việt Nam buộc phải chuyển sang mô hình “thuận thiên”, tức canh tác phù hợp với các quy luật mới của khí hậu, nước và đất, thay vì chống lại chúng. Và những tỉnh trọng yếu như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, những nơi xâm nhập mặn đang ăn sâu, chính là tâm điểm của chuyển đổi này.

Theo Tổng cục Thủy lợi, mùa khô 2020 đã ghi nhận đợt hạn mặn lịch sử, với ranh mặn 4g/lít đã xâm nhập tới 110km vào nội đồng, khiến 58.000ha lúa và gần 6.000ha cây ăn trái bị thiệt hại. Đây không còn là hiện tượng cực đoan mang tính chu kỳ, mà là xu hướng ngày càng phổ biến do nước đầu nguồn sông Mekong về ít và bất ổn, phần vì tác động từ các đập thủy điện, phần vì biến đổi khí hậu. Nguy hiểm hơn, lịch canh tác truyền thống, vốn phụ thuộc vào quy luật mưa lũ đã trở nên rối loạn, khiến người dân khó xác định được thời điểm gieo sạ an toàn. Hậu quả là không chỉ năng suất giảm, mà rủi ro sản xuất tăng cao trong khi chi phí không giảm.

Thêm vào đó, chính ngành nông nghiệp ĐBSCL cũng đang góp phần tạo ra vòng lặp biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của cơ quan Tài nguyên và Môi trường, 75% lượng methane phát thải từ nông nghiệp Việt Nam đến từ canh tác lúa nước, với tập trung chủ yếu tại ĐBSCL. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu chúng ta có đang sa vào vòng luẩn quẩn, dùng cách canh tác cũ để chống lại một tự nhiên đã đổi khác, trong khi chính cách canh tác đó lại góp phần làm khí hậu xấu đi?

Trong bối cảnh đó, việc tìm ra mô hình canh tác không chỉ bền vững về mặt sinh thái mà còn hiệu quả về kinh tế trở thành yêu cầu sống còn. Hà Lan, một quốc gia có diện tích nông nghiệp chưa bằng tỉnh Kiên Giang, nhưng lại là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới, chính là một minh chứng thuyết phục. Với phương châm “sản xuất gấp đôi lương thực bằng một nửa tài nguyên”, Hà Lan đã áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với quản lý nước thông minh và định hướng thị trường quốc tế ngay từ khâu nghiên cứu giống cây trồng.

Năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Hà Lan đạt 123,8 tỷ euro (CBS, 2024), tăng 1,6% so với năm trước, dù chịu tác động của khủng hoảng năng lượng châu Âu. Từ năm 2000 đến nay, họ đã giảm 90% lượng nước sử dụng cho cây trồng chính, đồng thời giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật đến mức tối thiểu, một thành tựu mà Việt Nam còn cách xa.

Thành công của Hà Lan không đến từ những kỹ thuật đơn lẻ mà từ sự tích hợp toàn diện giữa khoa học, chính sách và thị trường. Chính phủ đầu tư mạnh vào mô hình tam giác tri thức là hệ thống đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tạo ra các “nông trại học thuật” nơi các giải pháp mới được thử nghiệm, chỉnh sửa và phổ biến. Chính quyền cũng điều tiết rất chặt việc sử dụng đất và nước để đảm bảo tính bền vững cho cả quốc gia.

Đây là điểm Việt Nam có thể tham khảo thay vì chỉ để cho người dân sản xuất tự phát, cần quy hoạch vùng sản xuất rõ ràng, cụ thể và quyết liệt hơn theo hướng sinh thái, kinh tế, xã hội và phân bổ tài nguyên một cách khoa học.

So với Hà Lan, Việt Nam có thế mạnh là hệ sinh thái đa dạng và tiềm năng thị trường nội địa lớn, nhưng yếu ở khâu tích hợp chính sách, khoa học, tài chính và thị trường. Do đó, chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL không thể chỉ dừng ở việc “chuyển mô hình canh tác”, mà phải là chuyển đổi hệ thống từ quản lý nước theo lưu vực thay vì theo tỉnh, từ hỗ trợ nông dân riêng lẻ sang hình thành hợp tác xã kiểu mới có liên kết với doanh nghiệp và viện nghiên cứu, từ đầu tư hạ tầng cơ bản sang phát triển hạ tầng dữ liệu (như bản đồ mặn, dự báo mùa vụ).

Với dự báo mực nước biển có thể tăng thêm 1 mét làm ngập tới 40% diện tích ĐBSCL và ảnh hưởng đến 55% dân số vùng (IPCC, 2023), nếu Việt Nam không có hành động cấp tốc thì hàng triệu nông dân sẽ đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai, còn quốc gia thì mất đi vùng sản xuất nông nghiệp trọng yếu.

Tuy nhiên, nếu chuyển đổi một cách bài bản và thuận thiên, ĐBSCL hoàn toàn có thể từ một vùng “chịu tổn thương” trở thành hình mẫu mới của nông nghiệp sinh thái và thích ứng khí hậu, nơi sản xuất thực phẩm không còn mâu thuẫn với bảo tồn thiên nhiên, mà gắn bó hữu cơ với nó.

Đã đến lúc, chúng ta cần thay đổi cách nhìn, từ “vựa lúa quốc gia” sang “hệ sinh thái sống” để từ đó có một cách làm mới bền vững và có tương lai.