| Hotline: 0983.970.780

Bất cập thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi cần sớm được sửa đổi

Chủ Nhật 18/04/2021 , 22:06 (GMT+7)

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam vừa gửi văn bản Bộ NN-PTNT kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập trong thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi.

Theo Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam, các quy định hợp quy thức ăn chăn nuôi hiện tồn tại rất nhiều bất cập, gây ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp và bà con nông dân. Ảnh: GV.

Theo Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam, các quy định hợp quy thức ăn chăn nuôi hiện tồn tại rất nhiều bất cập, gây ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp và bà con nông dân. Ảnh: GV.

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam cho rằng, hiện sản phẩm thức ăn chăn nuôi bổ sung và hỗn hợp hoàn chỉnh sản xuất trong nước, thủ tục hồ sơ đăng ký sản phẩm mới và hợp quy đang rất bất cập.

Theo đó, doanh nghiệp vừa nộp hồ sơ đăng ký lưu hành tại Cục Chăn nuôi và vừa nộp hồ sơ hợp quy tại Tổ chức chứng nhận hợp quy, vừa nộp hồ sơ xin thông báo tiếp nhận hợp quy tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y/Sở NN-PTNT mất rất nhiều thời gian và công sức. Do đó, Hiệp hội kiến nghị cắt giảm bớt thủ tục thông báo tiếp nhận hợp quy tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y/Sở NN-PTNT.

Về dấu hợp quy, quy định hiện nay yêu cầu in dấu hợp quy lên nhãn sản phẩm. Tuy nhiên, dấu hợp quy có phải in trực tiếp lên nhãn sản phẩm hay chỉ cần trong tài liệu kĩ thuật hiện chưa rõ, đồng thời dấu hợp quy có bắt buộc phải có mã số và tên tổ chức chứng nhận hay không cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, không cần phải in dấu hợp quy trực tiếp trên sản phẩm mà chỉ cần xác nhận online (dấu hợp quy số). Nếu bắt buộc phải có dấu hợp quy không cần có mã và tên tổ chức hợp quy.

Theo quy định, thời hạn doanh nghiệp phải hoàn thành hợp quy cho tất cả các sản phẩm đang lưu hành là tháng 7/2021, nhưng do các tổ chức hợp quy và doanh nghiệp đều chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu rõ ràng về quy định hợp quy, số lượng mẫu của tất cả các doanh nghiệp cùng gửi tới các trung tâm được chỉ định sẽ quá tải, cùng với ảnh hưởng của Covid nên việc triển khai khó kịp với thời gian quy định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thời gian để chuyển đổi nhãn mác, trục in, nhân sự để triển khai nên Hiệp hội kiến nghị hoãn thời hạn thực hiện áp dụng hợp quy đến tháng 7/2024.

Với quy định lấy mẫu kiểm nghiệm, quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp vừa phải lấy mẫu kiểm nghiệm khi đăng ký lưu hành sản phẩm, vừa phải lấy mẫu kiểm nghiệm hợp quy, nên Hiệp hội kiến nghị tích hợp mẫu kiểm nghiệm đăng ký và mẫu hợp quy cho sản phẩm đăng ký lần đầu, doanh nghiệp gửi mẫu tới cơ quan được chỉ định.

Về thời hạn Giấy chứng nhận hợp quy, quy định hiện hành có thời hạn là 3 năm cùng với tần suất đánh giá giám sát ít nhất 12 tháng 1 lần, trong khi hiệu lực Giấy chứng nhận lưu hành là 5 năm nên dẫn tới việc cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý khó kiểm soát. Trước bất cập này, Hiệp hội kiến nghị, thời gian hợp quy cần khớp với thời gian tái đăng ký lưu hành là 5 năm. Bên cạnh đó, nên áp dụng đánh giá giám sát bằng phương pháp hậu kiểm trên thị trường.

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú Y Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ các thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo cải cách của Chính Phủ. Ảnh: GV.

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú Y Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ các thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo cải cách của Chính Phủ. Ảnh: GV.

Với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, Hiệp hội kiến nghị áp dụng xác nhận mã hợp quy qua online (dấu hợp quy số). Với lô hàng giảm kiểm, hiện nay vẫn phải làm hợp quy với lô hàng này nên việc giảm kiểm không có ý nghĩa, vì vậy cần miễn hợp quy với những lô hàng giảm kiểm cho đúng tinh thần phân luồng hàng hóa và cải cách hành chính.

Về thử nghiệm, đánh giá hợp quy thức ăn nhập khẩu, hiện phải tiến hành thử nghiệm, đánh giá hợp quy theo từng lô hàng. Song, việc đánh giá cơ sở sản xuất hoàn toàn có thể thực hiện dựa trên các giấy chứng nhận ISO, GMP, HACCP, FAMI-QS đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, đây là cơ sở để vận dụng cách thức cấp giấy chứng nhận hợp quy có thời hạn 3-5 năm chứ không nên cấp chứng chỉ hợp quy theo từng lô hàng, rất bất cập cho doanh nghiệp trong việc thực hiện.

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú Y Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ các thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi bổ sung, thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo cải cách của Chính phủ. Trong thời gian chưa bãi bỏ được, rất mong Bộ và các cơ quan ban ngành nghiên cứu lùi thời hạn thực hiện hợp quy và cải cách các thủ tục cho phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Xem thêm
Ấn Độ và Pakistan cạnh tranh quyết liệt trên thị trường xuất khẩu gạo

Giá gạo toàn cầu đã bắt đầu giảm hôm 30/9 sau khi Ấn Độ và Pakistan lần lượt dỡ bỏ hạn chế giá gạo và nối lại xuất khẩu.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.