| Hotline: 0983.970.780

Quy định công bố hợp quy thuốc thú y: Thế giới không làm, sao ta lại có?

Thứ Sáu 22/11/2019 , 08:50 (GMT+7)

Ngày 21/11, Hiệp hội Sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam (VVPA) đã quy tụ gần 70 doanh nghiệp để lấy ý kiến kiến nghị bãi bỏ quy định công bố hợp quy thuốc thú y - một quy định khiến nhiều DN gặp khó.

Khó khăn chồng khó khăn

Ông Bạch Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thú y xanh Việt Nam vào thẳng vấn đề: “Chưa lúc nào làm doanh nghiệp khó như lúc này bởi chúng tôi đang phải gánh quá nhiều chi phí.

17-26-55_img_4084
Ông Bạch Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thú y xanh Việt Nam.

Ví dụ như theo Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 05/VBHN-BKHCN ngày 28/8/2017 công bố về hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định về dấu hợp quy, nếu thực hiện in dấu hợp quy theo quy định này sẽ gây tổn thất về kinh tế vô cùng lớn cho doanh nghiệp, bởi với sản phẩm sản xuất trong nước việc in dấu hợp quy theo quy định khiến doanh nghiệp phải hủy bỏ tất cả bao bì nhãn mác cũ, in lại nhãn mác mới có dấu hợp quy.

Chi phí thay đổi trục lô, nhãn mác rất cao, trong khi tất cả bao bì đã được in số đăng ký riêng cho từng sản phẩm, nhằm đảm bảo chắc chắn các doanh nghiệp đã tuân thủ qui trình đăng ký và đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Với các sản phẩm nhập khẩu đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành nhưng khi nhập khẩu, theo quy định, phải dán thêm dấu hợp quy hoặc yêu cầu nhà cung cấp in thêm dấu hợp quy cho riêng thị trường Việt Nam là điều không thể. Quy định cũng nói rõ, tất cả thuốc thú y chỉ được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices) đảm bảo sản xuất sản phẩm thú y đúng theo tiêu chuẩn đã đăng ký, chất lượng và an toàn khi sử dụng.

Cũng theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ KHCN thì hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy là 3 năm cùng với tần suất đánh giá giám sát ít nhất 12 tháng 1 lần, trong khi hiệu lực giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm là 5 năm, điều đó có nghĩa là trong khi sản phẩm còn thời hạn lưu hành thì doanh nghiệp phải thực hiện lại một lần nữa thủ tục công bố hợp quy, đó là một điểm bất cập và mâu thuẫn gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp”.

Ông Thắng còn đưa ra bảng phí kiểm nghiệm thông quan năm 2019: Phí hợp quy thuốc: 530 triệu đồng cho 200 mặt hàng; phí hợp quy vaccine: 152 triệu đồng cho 50 mặt hàng; phí kiểm nghiệm thuốc: 300 triệu đồng cho 200 mặt hàng; phí kiểm nghiệm vaccine: 800 triệu đồng cho 50 mặt hàng; phí trục lô: 1,4 tỷ đồng cho 70 mặt hàng….

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Thuốc thú y Trung ương 5 (Fivevet): 3,5 tỷ đồng ở trên vẫn chưa đúng bởi chúng tôi còn phải chi lớn hơn thế nữa. Nếu như người dân hưởng lợi từ chất lượng sản phẩm đó thì hết nhiều chi phí chúng tôi cũng cam lòng. Nhưng quy định này thì không khiến cho chất lượng sản phẩm được tốt lên.
 

Thế giới không làm, sao ta lại có?

Đó cũng là băn khoăn của nhiều doanh nghiệp có mặt tại hội nghị. Đại diện Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco, Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Vetvaco… thì các sản phẩm thuốc thú y nhập khẩu chưa thấy công ty nào có dấu hợp quy trên nhãn. Các công ty xuất khẩu đi các nước khác cũng không có yêu cầu dấu hợp quy mà chỉ yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng GMP.

Rồi nữa, 1 sản phẩm mất gần 2 năm từ lúc hoàn thành hồ sơ, gửi hồ sơ cấp phép, thành lập Hội đồng khoa học, kiểm nghiệm chất lượng… thì mới được lưu hành. Chưa được bao lâu thì lại có quy định này. Trên thị trường hiện có hơn 7.300 mặt hàng thuốc thú y đều đạt chuẩn theo quy chuẩn GMP, giờ lại xin tiếp cấp phép hợp chuẩn từ 3 đơn vị chỉ định thì đến bao giờ mới xong?

17-26-55_img_4079
BS Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam phát biểu.

Vượt chặng đường gần 1.700 km, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Cty CPTM &SX thuốc thú y Thịnh Á có mặt tại hội nghị chỉ để nói đúng 1 câu: Nếu thông lệ quốc tế làm hợp quy về thuốc thú y thì ta làm. Thế giới không làm, sao ta lại có?

Chốt lại buổi lấy ý kiến, Chủ tịch Hiệp hội VVPA, bác sỹ thú y Hoàng Triều cho hay, toàn bộ ý kiến sẽ được tổng hợp rồi gửi cho Chính phủ, các cơ quan ban ngành xin ý kiến xem xét miễn bỏ quy định hợp chuẩn hợp quy nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi hiện nay.

Xem thêm
Phân bón Lâm Thao - giải pháp nông nghiệp xanh cho cây chè

Chuẩn bị cho diễn đàn chuyên đề về chè sắp diễn ra ở tỉnh Phú Thọ tôi lên Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao để tìm hiểu thực tế.

Bệnh virus hại tiêu và cách phòng trị

Bệnh virus hại tiêu (bệnh tiêu điên) là loại bệnh khá phổ biến đối với cây tiêu làm giảm năng suất, chất lượng thậm chí khiến tiêu bị chết hàng loạt rất nguy hiểm...

Áp dụng khẩu phần đạm thô thấp mang hiệu quả kép cho chăn nuôi lợn

Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn đem lại tác động đa lợi ích, vùa hướng tới giảm phát thải khí nhà kính vựa hạ giá thành chăn nuôi.