Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam). |
Canh tác lúa trên toàn cầu gây ra những hiệu ứng làm tăng nhiệt độ trái đất không kém gì 1.200 nhà máy nhiệt điện, theo thông tin từ Quỹ Bảo vệ môi trường có trụ sở ở New York (Mỹ). Điều đó có nghĩa là, tác hại tổng hợp từ quá trình trồng lúa đến lúc ra hạt gạo tương đương với lượng khí thải CO2 của các nhà máy điện than mà 4 quốc gia phát triển ở châu Âu gồm Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh gộp lại.
Khoa học hiện nay đang dần làm sáng tỏ những bằng chứng trong mối quan hệ canh tác lúa - khí thải CO2, và đó là căn cứ để các nhà cung cấp gạo lớn trên thế giới như Uncle Ben, Olam có định hướng chuyển dần sang các loại lương thực khác không trồng trên cánh đồng ngập nước. Họ lập luận rằng, kỹ thuật canh tác như trồng lúa nước thải khí mêtan vào môi trường.
Lúa là loại cây lương thực phổ biến ở châu Á, đồng thời cũng gây ô nhiễm nhất trong nhóm cây này. Lượng khí thải độc hại từ canh tác lúa được cho là cao gấp 2 lần so với lúa mì. Nhưng rõ ràng là “điều này ít được quan tâm bởi còn quá nhỏ so với mức độ ô nhiễm môi trường, khí hậu toàn cầu”, theo trưởng nhóm nghiên cứu về gạo tại tập đoàn Olam ở Singapore.
Đơn cử như so với chăn nuôi gia cầm, gia súc, nếu tính tỷ lệ lượng chất thải ra với lượng calorie, nó chiếm tới 60% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong toàn ngành sản xuất lương thực thế giới. Lượng khí thải này từ hoạt động sản xuất lương thực được cho là ngang bằng với khí thải từ giao thông, và giới khoa học đang nỗ lực kiểm chứng. Ở những nước phát triển, nhìn chung trong xã hội đã nhận thức được thực trạng này và người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các loại lương thực ít gây hại cho môi trường.
Theo các chứng cứ khoa học, trong quá trình trồng lúa nước, ruộng ngập nước làm sản sinh các vi khuẩn phá hủy môi trường hữu cơ, tạo ra khí mêtan là loại khí gây hiệu ứng nhà kính ở mức độ cao gấp 25 lần so với khí CO2, dù khí mêtan tồn tại trong không khí ngắn hơn. Khoảng 12% lượng khí mêtan được sản sinh từ trồng lúa nước ở phạm vi toàn cầu như hiện nay. Trong khi đó, nguyên nhân làm khí hậu trái đất nóng lên có 25% là do khí mêtan.
Diễn đàn Lúa gạo bền vững (SRP) đang hợp tác cùng Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) khuyến khích tạo ra sự thay đổi để hạn chế tác hại với môi trường từ sản xuất lúa gạo. Đầu năm 2019, SRP - có trụ sở ở Bangkok (Thái Lan) đã đưa ra các khuyến nghị, cụ thể như kỹ thuật dẫn nước và làm khô đồng luân phiên trong cả chu trình chăm sóc cây lúa, không đốt rơm rạ sau thu hoạch, sử dụng phân bón hữu cơ và cải thiện môi trường làm đồng cho nông dân. Những khuyến nghị này đang được trình diễn mô hình ở nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Nigeria. Dự kiến, những hạt gạo đầu tiên đưa ra thị trường vào cuối năm 2019 sẽ được dán logo chứng nhận “Tiêu chuẩn SRP”.
Mars Inc, nhà sản xuất gạo thương hiệu Uncle Ben chiếm thị phần lớn ở thị trường Mỹ và châu Âu có kế hoạch sản xuất 87% sản lượng dảm bảo “Tiêu chuẩn SRP” ngay trong năm 2019 và tham vọng nâng lên 100% vào năm 2020. “Chúng tôi cam kết hợp tác với người dân vùng trồng của mình để bám sát tiêu chuẩn”, Louke Koopmans đại diện cho Mars Inc nói. Hiện tại, 2.500 nông dân hợp tác làm gạo basmati với Mars Inc ở Ấn Độ và Pakistan đã áp dụng quy trình trồng mới, giúp giảm được 30% lượng nước so với trước đây, trong khi vừa nâng được sản lượng vừa có thêm thu nhập.
Với phương thức canh tác truyền thống ở Việt Nam, Campuchia và Lào hiện nay, để làm ra 1kg gạo cần hơn 1.400 lít nước, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI). Ở châu Âu và Mỹ, gạo đang có xu hướng được sử dụng nhiều hơn. IRRI cho rằng, để đáp ứng nhu cầu toàn cầu trong 25 năm tới, sản lượng cần được nâng thêm 25%. “Đó là thách thức khi muốn thay đổi các tập quán canh tác để hạn chế tác động tới môi trường và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính”, IRRI nhận định. |