Bất động sản đang là lĩnh vực nhiều bất ổn nhất tại Việt Nam. Thị trường bất động sản xuất hiện nhiều đại gia ngạo nghễ khoe giàu khoe sang, nhưng thỉnh thoảng lại viết tâm thư xin giải cứu. Sau khi một số nhân vật cộm cán trong giới bất động sản như Trương Mỹ Lan hay Đỗ Anh Dũng bị khởi tố vì hành vi khuất tất, thì giới bất động sản lại thất thanh chuyện giải cứu.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả…
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, ngành bất động sản phải cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa. Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung.
Ý kiến thẳng thắn của Thủ tướng Phạm Minh Chính được dư luận hoan nghênh. Bởi lẽ, đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp bất động sản xin giải cứu. Thật nghịch lý, khi sung túc chẳng thấy doanh nghiệp bất động sản nào xin nộp thêm thuế cho Nhà nước, nhưng khi khó khăn thì hàng loạt doanh nghiệp bất động sản xin giải cứu.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, cần giải cứu vì nhu cầu nhà ở của người dân vẫn chưa đáp ứng được. Thử hỏi, suốt hai thập niên qua, bao nhiêu dự án nhà ở xã hội được triển khai? Thậm chí, có dự án nhà ở xã hội chỉ nằm trên giấy hoặc được chuyển đổi thành nhà ở thương mại. Giá cả bất động sản hiện nay đã bị đẩy lên quá cao, không phù hợp với thu nhập của người lao động bình thường. Vậy thì rõ ràng cán cân cung cầu đang lệch về phía những nhà đầu tư và những nhà đầu cơ.
Thị trường bất động sản tăng trưởng nóng đã tạo ra không ít hệ lụy. Thứ nhất, thu hẹp diện tích đất canh tác. Thứ hai, hình thành cơn sốt người người đổ xô nhau đi làm môi giới mà xao nhãng công việc được đào tạo và được tuyển dụng. Thứ ba, không ít quan chức đã ngã ngựa vì nhúng tay vào những quy hoạch gian dối phá vỡ quỹ đất cộng đồng.
Bất động sản còn muốn giải cứu đến bao giờ? Doanh nghiệp bất động sản hãy tự trọng tìm cách tự cứu mình. Hãy nhìn những người nông dân một nắng hai sương vẫn cặm cụi gieo cấy, trồng trọt và đánh bắt để bán từng sản phẩm, mà không hề than vãn nhọc nhằn hay chờ đợi sự thương hại.
Bây giờ là lúc tốt nhất để chấn chỉnh thị trường bất động sản Việt Nam. Không có quốc gia nào trên thế giới có thể phát triển bằng thứ công nghệ “phân lô bán nền”. Dòng tiền để một xứ sở thịnh vượng phải được chuyển vào dây chuyền sản xuất và sáng tạo. Cũng cần nhớ, Việt Nam đang có tỷ lệ cây xanh đô thị trên mỗi người dân ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn tối thiểu của quốc tế, vì nhiều khu đất công viên đã biến thành dự án bất động sản.