| Hotline: 0983.970.780

Người ở Lại Đà…

Thứ Sáu 26/07/2024 , 06:38 (GMT+7)

Một khoảnh khắc hiếm hoi Lại Đà hửng nắng. Tôi ngồi trò chuyện với một hậu duệ dòng họ Nguyễn Phú, trong ngôi từ đường gần 180 năm tuổi ở làng cổ 700 - 800 năm tuổi.

Ông là Nguyễn Phú Quyền, nội tộc dòng họ Nguyễn Phú, cháu gọi Tổng Bí thư là “chú”. Người cha của ông Quyền đã mất vài năm trước, trong gia phả dòng họ, thuộc chi trên, và ngang hàng với “chú Nguyễn Phú Trọng”.

“Chú Nguyễn Phú Trọng nhà tôi…”

Xế trưa. Một khoảnh khắc hiếm hoi Lại Đà hửng nắng, sau mấy ngày hoàn lưu bão số 2 xối xả trút mưa nhiều tỉnh Bắc bộ. Tôi được trò chuyện với một hậu duệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong ngôi từ đường dòng họ Nguyễn Phú ở làng cổ Lại Đà - ông Nguyễn Phú Quyền, 75 tuổi.

Ông Quyền, như nhiều đinh khác của dòng họ Nguyễn Phú - Lại Đà, công tác trong quân đội, về hưu, trở về làng sinh sống. Những người trong dòng họ Nguyễn Phú thoát ly, dễ chừng non nửa. Nửa còn lại ở làng, sống cuộc sống bình dị dân dã, giữ nếp nhà, nếp làng, và giản dị, chân tình, ấm áp, trọng nghĩa… như người vừa nằm xuống.

Ba gian chính của ngôi Từ đường cổ. Ảnh: Kiên Trung.

Ba gian chính của ngôi Từ đường cổ. Ảnh: Kiên Trung.

Sự chân tình ấy tôi nhanh chóng cảm nhận được khi vừa rẽ vào ngõ xóm đánh thứ tự “Ngõ 3”, cách cổng làng Lại Đà chừng hơn trăm mét để hỏi thăm đường vào Từ đường Nguyễn Phú. Gần như cùng một lúc, một người đàn ông trung tuổi, gương mặt ôn hòa vừa từ ngoài sân bước ra, mau mắn khoát tay chỉ vào bên trong.

Rồi, vẫn sự thân tình gần gũi ấy, ông bảo: “Vào trong Từ đường uống chén nước rồi nhẩn nha nói chuyện!”. Nhưng, khi tôi ngỏ ý xin chụp ông một bức ảnh, ông khảng khái xua tay!

Một không gian gần gũi, cổ kính chỉ có ở những ngôi làng cổ Bắc bộ trong những thế kỷ XIX, XX về trước: khoảng sân lát gạch đỏ không quá to nhưng đủ lớn so với ngôi Từ đường ba gian nhỏ bé nhưng đầy thần thái, uy nghiêm theo kiến trúc cổ. Trên cửa chính của ngôi từ đường; trên hai cột cái và bốn cột con, vẫn nguyên vẹn những câu đối chữ Nho khắc theo lối chữ cổ trên tường xây.

Bên mé chái, một khóm trầu sum suê vắt mình leo ngang chiếc cột cái bên trên đắp con nghê. Mé còn lại của từ đường cũng xanh um một cây hồng xiêm đứng nép mình, gần như bẽn lẽn…

Tấm bia đá đứng trên thẻo đất bằng chiếc chiếu, ở vị trí chính giữa khoảng sân ghi tóm lược lịch sử dòng họ, và lịch sử ngôi Từ đường.

Trên cửa chính ngôi từ đường khắc bốn chữ Nho. Tôi chụp gửi một người bạn thông thạo Hán văn nhờ dịch giúp. “Nguyễn Đại Tôn Đường, nôm na là Từ đường họ Nguyễn Đại tôn. Chữ “Tôn” với ý nghĩa là cách xưng hô cao quý” - bạn tôi gửi lại.

Từ chỗ bàn ngồi uống nước bên mé hiên, dưới khóm trầu không, nhìn ra phía cổng, tôi thấy số 1868 cũng đã rêu phong. Đấy là năm xây dựng chiếc cổng.

Đối diện với ngôi Từ đường, một nếp nhà cũng nhỏ nhắn ba gian, mái ngói đỏ, trong nhà cũng chỉ là những vật dụng đơn sơ, là nơi ở của người trưởng tộc dòng họ Nguyễn Phú đang giữ vai nhang khói, trông coi Từ đường.

Sự nề nếp, gia phong tưởng như toát lên từ mỗi viên gạch!

Trước khi hỏi đường vào Từ đường Nguyễn tộc, tôi đã đi bộ một vòng quanh làng, từ phía cổng làng đi sâu vào bên trong, trên con đường mà có lẽ từ khi khai làng tới nay, nó vẫn giữ nguyên chưa một lần mở rộng. Cảm nhận được không gian bình dị, đầy thanh tao nhưng chặt chẽ, quy củ của một ngôi làng cổ tuổi đời 700 - 800 năm, thế mà khi bước chân vào trong ngôi từ đường này, sự tĩnh lặng, cao quý, chặt chẽ, quy củ ấy cảm giác còn hơn nhiều phần!

Tấm bia đá dựng ở vị trí chính giữa khoảng sân lát gạch. Ảnh: Kiên Trung.

Tấm bia đá dựng ở vị trí chính giữa khoảng sân lát gạch. Ảnh: Kiên Trung.

Khóm trầu sum suê la đà trên một chiếc cột cái. Ảnh: Kiên Trung.

Khóm trầu sum suê la đà trên một chiếc cột cái. Ảnh: Kiên Trung.

“Chú tôi nhà ở Bắc Sơn, cách nhà cô Mận tôi 2 cái ngõ. Hai ông bà hơn nhau 5 tuổi”, ông Quyền nhẩn nha câu chuyện.

Theo ông Quyền, làng Lại Đà quê ông, ngày trước thuộc đất Bắc Ninh, sau chính quyền cách mạng chia tách, gộp về Đông Anh. Các cụ thời trước kể, làng cổ còn có tên “Lai Xà”, gắn với truyền thuyết có con rắn thần thường qua lại bảo vệ dân làng, thế hệ sau đọc chệch đi, thành Lại Đà sau này.

Nhưng, dù là “Lai Xà” hay “Lại Đà” thì đó cũng vẫn là mảnh đất cách mạng giàu truyền thống. Thời kháng Pháp, làng đào hào, trồng tre quanh làng để bảo vệ, trong đào hầm, đặt bẫy chông… chống Pháp. Cách mạng thắng lợi, làng quê yên bình, những dong ngõ trong xóm trổ theo hình xương cá vẫn thế, không suy suyển.

Dòng họ Nguyễn Phú là một trong bốn dòng họ lớn và chính ở làng, hợp lại thành làng Lại Đà. "Chú Trọng tôi, trong phả hệ thuộc đời thứ 12, tôi thứ 13. Ông thoát ly sớm, theo đuổi học hành, và là người duy nhất theo con đường chính trị. Nửa số người trong họ cũng thoát ly, nhưng mỗi người một nghề, một con đường, và ai nấy đều tự lập", ông Quyền cho biết.

Dẫn chuyện minh chứng, ông Quyền kể: “Tính của chú tôi rất khảng khái. Ông nhắc nhở con cháu trong họ, “cứ học hành cho giỏi giang, khắc các cơ quan người ta tuyển dụng”. Thế cho nên, con cháu chúng tôi tuyệt nhiên không bao giờ dám nghĩ đến gặp ông để nhờ vả ông giới thiệu chỗ nọ, xin việc chỗ kia. Ngay như các con của ông, ông cũng để các em tự lập”.

Lấy đạo trời đất làm trọng!

Từ những câu chuyện của ông Quyền, cùng những thông tin ghi trên Văn bia Nguyễn Phú tộc dựng trong khuôn viên từ đường, tôi hiểu được phần nào về lịch sử của một dòng họ đã sản sinh ra một người con ưu tú, là một trong những chính khách kiệt xuất thời hiện đại của dân tộc:

Nguyễn Đại Tôn Đường - bốn chữ Nho khắc theo lối cổ ở cửa chính giữa từ đường. Ảnh: Kiên Trung.

Nguyễn Đại Tôn Đường - bốn chữ Nho khắc theo lối cổ ở cửa chính giữa từ đường. Ảnh: Kiên Trung.

Họ Nguyễn Phú khởi nghiệp lâu đời trên đất Lại Đà. Gia phả xưa ghi rõ: “Từ khi có hương thôn, họ Nguyễn Phú cùng các họ Vương - Lương - Ngô hợp thành thôn Lại Đà, xưa gọi là Cối Giang Trang, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, nay là xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội… Trải qua thời gian với bao biến cố lịch sử thăng trầm, song nhờ ân đức tổ tông và bằng ý chí vượt khó vươn lên, con cháu mọi miền tu chí học hành, nhiều người hiển đạt khoa danh thành đạt trên con đường lập nghiệp; bao liệt sỹ, anh hùng tên tuổi sống mãi cùng quê hương đất nước”.

Cũng theo văn bia Nguyễn Phú tộc: Nhà thờ Đại tôn tọa lạc tại xóm 3, thôn Lại Đà trên thế đất đẹp do tổ tiên truyền lại trên diện tích 200m2, khởi dầu xây dựng năm Ất Sửu, đời vua Tự Đức thứ 18 (năm 1865) kiến trúc theo kiểu chữ “Nhị”: hậu đường gồm 3 gian nhà gỗ lợp ngói cửa bức bàn, ngoảnh hướng Tây, ba gian lập ba bệ thờ; hai cột trụ song hành phía trước, trên đỉnh đắp hai con nghê; cách dải sân hẹp là ba gian nhà tiền tế, xung quanh có tường bao, cổng xây năm 1868.

Năm 1945, nhà thờ xuống cấp được họ trùng tu lần thứ nhất. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà thờ là cơ sở hoạt động của đội du kích đánh giặc giữ làng. Ngày 4/7/1948, giặc Pháp đánh vào, đốt cháy ba gian nhà tiền tế. Trải hơn 150 năm tồn tại với thời gian và khói lửa chiến tranh, nhà thờ bị hư hại nặng. Năm 2002, ông bà Nguyễn Phú Tưởng - Vương Thị Thủy xin dòng họ được trùng tu lần thứ hai.

Chiếc cổng cố kính của Từ đường được xây dựng vào năm 1868, năm 2006 được xây lại theo hướng mở rộng cổng, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa cũ. Ảnh: Kiên Trung.

Chiếc cổng cố kính của Từ đường được xây dựng vào năm 1868, năm 2006 được xây lại theo hướng mở rộng cổng, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa cũ. Ảnh: Kiên Trung.

Điều đáng chú ý, tại bệ thờ chính giữa của Từ đường đặt ngai thờ cụ Thủy tổ có bức hoành phi sơn son thếp vàng nổi lên 4 chữ: “Càn Tri Đại Thủy”. Người am tường Nho học luận rằng, đó là một câu trong Kinh Dịch (Càn Tri Đại Thủy - Khôn Tác Thành Vật) với ý nghĩa sâu xa, căn dặn con cháu phải biết lấy đạo trời đất làm trọng!

Dưới Nguyễn Đại Tôn Đường, dưới bức hoành phi “Càn Tri Đại Thủy”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bao lần cúi đầu trước tổ tiên.

Những căn dặn của liệt tổ liệt tông, hậu thế dòng họ Nguyễn Phú đã luôn ghi tạc để răn mình.

Đầu năm 2011, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - một người say mê nghiên cứu kiến trúc cổ của Hà Nội cùng với các cộng sự đã có khoảng thời gian khá dài ở làng cổ Lại Đà với mong muốn lan tỏa trách nhiệm của các Kiến trúc sư với cộng đồng với định hướng nghiên cứu những làng quê ngoại ô Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa.

KTS Trần Huy Ánh đã không giấu sự ngạc nhiên khi đến Lại Đà - một trong 4 làng thuộc xã Đông Hội. Ông phải thốt lên: đó là một ngôi làng cổ có lịch sử lâu đời, truyền thuyết cho hay làng xuất hiện đồng thời với Kinh thành Cổ Loa, như vậy là đã có hơn ngàn năm tuổi.

Trong xứ Kinh Bắc thuộc phủ Từ Sơn - địa danh cổ có tới 274 làng, Lại Đà là một trong số những cái tên đó. Từ xa xưa, Lại Đà đã là một làng tổ chức chặt chẽ và quy củ. 

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.