| Hotline: 0983.970.780

Có mã số vùng trồng để thúc đẩy phát triển cây ăn trái có giá trị

Thứ Tư 05/10/2022 , 13:40 (GMT+7)

Hiện toàn tỉnh An Giang đã cấp được 309 mã số vùng trồng trên từng loại cây trồng và 21 mã số cho các cơ sở đóng gói giúp thuận lợi xuất khẩu nông sản.

Empty

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tham quan vườn xoài được cấp mã số vùng trồng ở huyện Tịnh Biên – An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang, đến nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt gần 20 ngàn ha, trong đó diện tích xoài 12.433 ha, chuối gần 787 ha, nhãn trên 500 ha, mít 1.663 ha và các loại  cây có múi khác 1.529 ha…

Hiện cây xoài là một trong những loại cây ăn trái đang được ngành nông nghiệp An Giang quan tâm đẩy mạnh phát triển chủ lực. Riêng giống xoài ba màu (hay xoài tượng da xanh) khoảng 7.400ha, xoài cát Hòa Lộc, diện tích xoài ba màu tập trung chủ yếu trồng ở 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, thuộc huyện Chợ Mới). Còn lại diện tích trồng xoài rải rác ở các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, thị xã Tân Châu, TP. Long Xuyên với các giống như cát Hòa Lộc, cát chu, thanh ca, xoài thơm Vĩnh Hòa, xoài Keo. 

Đối với mùa vụ trên xoài, vụ thuận từ tháng 1-4, vụ nghịch từ tháng 10-12. Ngoài vụ thuận và vụ nghịch, nông dân cũng đã biết cách để điều khiển cây xoài cho trái rải rác ở các tháng còn lại nhằm tiêu thụ sản phẩm có giá hơn nhưng sản lượng không nhiều. Ước sản lượng toàn tỉnh khoảng 200 ngàn tấn xoài/năm, trong đó vụ thuận chiếm 70-80% sản lượng, vụ nghịch chiếm 20-30% sản lượng. Có 3 loại giống xoài chính cho sản lượng lớn gồm: xoài ba màu với sản lượng khoảng 110.000 tấn/năm, xoài cát Hòa Lộc cho sản lượng hơn 8.000 tấn/năm, tập trung ở Tịnh Biên, Tri Tôn, một ít diện tích ở thị xã Tân Châu và TP. Long Xuyên, xoài keo có diện tích khoảng hơn 1.700ha, tập trung ở An Phú và thị xã Tân Châu, ước sản lượng hơn 26.000 tấn/năm.

Empty

Xoài được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Những năm gần đây An Giang không chỉ phát triển cây lúa, cá tra, rau màu mà còn phát triển cả về cây ăn trái. Hàng năm diện tích cây ăn trái không ngừng gia tăng về mặt diện tích mà các sản phẩm cây ăn trái đạt tiêu chuẩn chất lượng cũng ngày càng được mở rộng.

Hiện nay việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói từng bước được thực hiện, trên toàn tỉnh An Giang đã cấp được hơn 330 mã số trong đó 309 mã số vùng trồng trên từng loại cây trồng (gồm: 178 mã số xoài, 7 mã số chuối, 5 mã số mít, 4 mã trên nhãn, 114 mã lúa và 1 mã trên ớt) trong đó có 252 mã đang hoạt động và 57 mã đang hết hạn (hoặc thu hồi) và 21 mã số cho các cơ sở đóng gói.

Về mã số vùng trồng, tổng mã số vùng trồng xoài chiếm ưu thế là 167 mã với diện tích 7.777 ha, chiếm tỷ lệ 40,72% tổng diện tích cây ăn quả. Trong đó mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường khó tính là 104 mã số (gồm: 66 mã số Công ty/Doanh nghiệp đứng đại diện, 38 mã số HTX hay THT đứng đại diện với tổng diện tích là 2.456,8 ha).

Empty

Xúc tiến doanh nghiệp liên kết tiêu thụ xoài trên địa bàn tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mã số vùng trồng xoài đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 39 mã với tổng diện tích là 7.138,8 ha ở các huyện trong tỉnh.  Mã số vùng trồng đăng ký xuất khẩu sang thị trường EU là 1 mã với diện tích là 10,4 ha của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit trên xoài keo tại huyện An Phú và 1 mã số vùng trồng xoài sang thị trường Hàn Quốc.

Bên cạnh đó có 7 mã số vùng trồng cho chuối với diện tích 446 ha chủ yếu huyện Tri Tôn, 04 mã số vùng trồng cho mít với diện tích 86 ha tại TP Châu Đốc, huyện Chợ Mới và Thị xã Tân Châu.

Việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm Trồng trọt của tỉnh An Giang nên cần phải đẩy nhanh tiến độ cấp mã số.

Empty

Dự kiến từ năm 2022 đến năm 2025, tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch cấp 3.314 mã số: Trên lúa 2.379 mã số, trên rau màu 509 mã số và trên cây ăn trái 426 mã số. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, để triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác giữa Sở NN- PTNT và Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) về việc thực hiện Kế hoạch cấp mã số vùng trồng (Code) trên lúa, rau màu, cây ăn trái giai đoạn 2021- 2025, cụ thể: kế hoạch năm 2022 có 860 mã số được cấp cho các cây trồng chủ lực như lúa, xoài, cây có múi, nhãn, mít, sầu riêng và rau màu các loại trong đó với lúa cấp 543 mã trên 38.010 ha, rau màu cấp 185 mã trên 925 ha và cây ăn trái cấp 131 mã trên 2.620 ha.

Dự kiến từ năm 2022 đến năm 2025, tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch cấp 3.314 mã số: Trên lúa 2.379, trên rau màu 509 mã và trên cây ăn trái 426 mã. Ước việc khảo sát đánh giá từ 2022- 2025 sẽ thực hiện với diện tích trên lúa là 166.502 ha chiếm 26,64 % diện tích; rau màu 2.543 ha chiếm 5,29 % diện tích và cây ăn quả 8.524 ha chiếm 47,35 % diện tích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký Quyết định 3302/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của tỉnh là sẽ chuyển đổi diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái phù hợp và xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với quy mô 10.217ha, gồm: Xoài, chuối cấy mô, sầu riêng, nhãn và cây có múi... Đồng thời, cấp mới 225 mã số vùng trồng cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái với diện tích 4.079ha, chứng nhận diện tích cây ăn trái trong vùng chuyên canh thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 2.214ha, GlobalGAP 430ha và đủ điều kiện an toàn thực phẩm 2.080ha.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.