| Hotline: 0983.970.780

Liên kết xây dựng mã vùng trồng ớt xuất khẩu

Thứ Hai 19/09/2022 , 08:09 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Nông dân trồng ớt tại Đồng Tháp đang rất phấn khởi vì đã có doanh nghiệp liên kết xây dựng mã số vùng trồng, bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu.

Hiện nay, một số nông dân trồng ớt ở tỉnh Đồng Tháp đã cùng nhau xây dựng mã số vùng trồng có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, nông dân đỡ lo đầu ra, ổn định sản xuất. Tại huyện Thanh Bình, địa phương có diện tích sản xuất ớt tập trung lớn nhất của tỉnh, đã có 3 cơ sở đóng gói được chấp nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trái ớt sang thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Công tham gia chuỗi liên kết với công ty TNHH Cẩm Long Đồng Tháp. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Công tham gia chuỗi liên kết với Công ty TNHH Cẩm Long Đồng Tháp. Ảnh: Minh Đảm.

Đáng chú ý, tại huyện Thanh Bình có Công ty TNHH Cẩm Long Đồng Tháp đi tiên phong trong việc hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng, liên kết bao tiêu ớt. Ông Huỳnh Vĩnh Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Long Đồng Tháp cho biết: Công ty đang triển khai thực hiện xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trái ớt tươi trên địa bàn huyện Thanh Bình. Dự kiến, Công ty sẽ khảo sát, lựa chọn khoảng 1.500 – 1.700 hộ để xây dựng mô hình liên kết sản xuất trái ớt đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu, diện tích khoảng 500ha.

Công ty sẽ hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hỗ trợ quản lý quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ớt theo tiêu chuẩn an toàn hướng tới đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhất là tập huấn, hướng dẫn ghi chép số tay nông hộ theo quy định thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); thiếp lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng cho các vùng trồng tham gia vào chuỗi liên kết. Sau đó, mở rộng vùng nguyên liệu ra các địa bàn lân cận.

Empty

Hội thảo liên kết tiêu thụ ớt tại xã Tân Thạnh do Công ty Cẩm Long Đồng Tháp tổ chức. Ảnh: Minh Đảm.

Trong đó, Công ty sẽ hỗ trợ cho bà con trong vùng liên kết nguồn vốn đầu tư ban đầu với mức 30 triệu đồng/ha, giải ngân thông qua ngân hàng liên kết. Đối với vấn đề bao tiêu sản phẩm, hiện có hai hình thức: Bao tiêu giá thả nổi theo thị trường và bán cố định với mức 25.000 đồng/kg cho 1,5 tấn/công, còn lại thu mua giá theo giá thị trường.

“Nông dân trồng ớt ở Đồng Tháp có kỹ thuật canh tác rất tốt. Chúng tôi may mắn được dẫn dắt bà con nông dân cùng phát triển. Việc đầu tiên là xây dựng được vùng nguyên liệu, cùng sản xuất theo một quy trình để chất lượng đồng đều, chủ động nguyên liệu xuất khẩu. Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là phải truy xuất được nguồn gốc”, ông Huỳnh Vĩnh Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Long Đồng Tháp cho biết.

Nông dân Huỳnh Thanh Mau ở ấp 5, xã Tân Thạnh (huyện Thanh Bình) có 5.000m2 đất ruộng trồng ớt trên 10 năm nhận xét: “Người trồng ớt ngoài phụ thuộc phụ thuộc thời tiết còn phụ thuộc vào thương lái rất nhiều. Giá cả rất bấp bênh. Nay tôi thấy giá cả như thế này là chấp nhận được, sản xuất có lời. Giá này coi như giá công ty bảo hiểm cho mình”.

Đại diện công ty Cẩm Long Đồng Tháp chia sẻ về chính sách liên kết tiêu thụ ớt. Ảnh: Minh Đảm.

Đại diện Công ty Cẩm Long Đồng Tháp chia sẻ về chính sách liên kết tiêu thụ ớt. Ảnh: Minh Đảm.

Còn ông Nguyễn Chí Công ở ấp Phú Thọ C, xã Phú Thọ (huyện Tam Nông) có 1ha ớt đang được 75 ngày tuổi, chuẩn bị thu hoạch nói: “Tôi trồng ớt nay đã 15 năm. Nghề ớt cũng nhiều lúc thăng trầm lắm. Bây giờ, tôi nghe nói phải có mã số vùng trồng mới xuất khẩu được. Do đó, tôi cùng với mười mấy bà con nữa xây dựng mã số vùng trồng liên kết với Công ty Cẩm Long Đồng Tháp để tiêu thụ”.

Cũng theo ông Công cho hay, sản xuất ớt theo hướng dẫn của Công ty không có gì quá khó. Đối với thuốc trừ bệnh, chủ yếu ông sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, hạn chế tối đa thuốc hoá học. Đặc biệt, đối với thuốc trừ cỏ, không được sử dụng thuốc có hoạt chất cấm như 2,4D.

Ông Nguyễn Văn Kẹm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình đánh giá: “Giá cả ớt thời gian qua rất bấp bênh. Hiện nay, toàn huyện mới có 16 mã số vùng trồng, diện tích 200ha. Những mô hình liên kết sản xuất, gắn với quản lý mã số vùng trồng là cách làm rất tốt nhằm thúc đẩy sản xuất một cách chuyên nghiệp, bài bản. Bởi người dân thấy được lợi ích sẽ tuân thủ quy trình chăm sóc, giúp sản phẩm không còn dư lượng thuốc BVTV, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu".

Công ty TNHH Cẩm Long Đồng Tháp (ở thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình) là một trong 5 đơn vị được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép xuất khẩu ớt sang thị trường này (với mã số nhà đóng gói: VN-ĐTPH-016). Việc Công ty hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, liên kết bao tiêu sản phẩm đã tạo sự phấn khởi cho nông dân nơi đây, thúc đẩy sự phát triển của nghề trồng ớt.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.