| Hotline: 0983.970.780

BC15 và TBR97 khẳng định vị thế bên núi lửa Chư Đăng Ya

Thứ Hai 20/11/2023 , 17:21 (GMT+7)

GIA LAI Chỉ qua một vụ trình diễn, hai giống lúa TBR97 và BC15 đã sớm khẳng định được vị thế ở đồng đất quanh ngọn núi lửa Chư Đăng Ya.

Năng suất áp đảo giống địa phương

Vụ mùa 2023, Phòng NN-PTNT huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed Miền Trung - Tây Nguyên (trực thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed), HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Du lịch Chư Nâm và UBND xã Chư Đăng Ya tổ chức trình diễn mô hình sản xuất giống lúa thuần BC15 và TBR97 mới.

Giống lúa TBR97 cho thấy rất phù hợp với vùng đất Chư Đăng Ya. Ảnh: Đăng Lâm.

Giống lúa TBR97 cho thấy rất phù hợp với vùng đất Chư Đăng Ya. Ảnh: Đăng Lâm.

Mô hình trình diễn nhằm đánh giá tính thích ứng của giống trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương; kiểm tra, đánh giá năng suất, chất lượng của giống, từ đó có cơ sở đánh giá toàn diện, khẳng định tính phù hợp của giống lúa BC15, TBR97 tại địa phương. Đồng thời tổ chức cho bà con nông dân trên địa bàn tham quan học tập, nhân rộng mô hình sản xuất trong thời gian tới.

Quy mô mô hình trình diễn có diện tích 1ha cho cả 2 giống lúa BC15 và TBR97. Nông dân tham gia mô hình trình diễn là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thuận ở xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh).

Giống lúa thuần TBR97 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed là đơn vị độc quyền sản xuất, kinh doanh. Đây là giống lúa cảm ôn, thích ứng rộng, chịu thâm canh, giống có thời gian sinh trưởng ngắn (ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên vụ đông xuân từ 105 - 110 ngày, vụ hè thu từ 95 - 100 ngày); chiều cao cây 90 - 100cm, dáng hình gọn, cây cứng và đẻ nhánh khỏe, trổ bông tập trung, tỷ lệ hạt rụng thấp, tỷ lệ hạt chắc cao. Đây là giống chống chịu bệnh đạo ôn và rầy nâu khá tốt, nhiễm nhẹ bệnh bạc lá và đốm nâu. Năng suất vụ đông xuân bình quân đạt từ 70 - 75 tạ/ha, thâm canh tốt đạt từ 75 - 80 tạ/ha, vụ hè thu 60 - 65 tạ/ha. Tỷ lệ gạo xát 68%. Hạt gạo dài trong, cơm trắng, bóng.

Tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, giống TBR97 được công nhận lưu hành từ tháng 8 năm 2022.

Nông dân xã Chư Đăng Ya tham quan mô hình trình diễn giống lúa mới TBR97. Ảnh: Đăng Lâm.

Nông dân xã Chư Đăng Ya tham quan mô hình trình diễn giống lúa mới TBR97. Ảnh: Đăng Lâm.

Giống lúa BC15 là giống lúa thuần năng suất cao, thuộc bản quyền của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, đã được công nhận là giống quốc gia năm 2008.

BC15 cũng là giống cảm ôn, đẻ nhánh khỏe, lá đứng, tái sinh mạnh sau thiên tai, cứng cây, trổ bông tập trung, bông to dài, nhiều hạt, hạt thon. Thời gian sinh trưởng của giống BC15 ở các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào ở vụ đông xuân từ 115 - 120 ngày, vụ mùa từ 100 - 105 ngày; chiều cao cây 110 - 115cm. BC15 có khả năng thích ứng rộng, khả năng chống chịu bệnh đạo ôn tốt, nhiễm nhẹ với bệnh bạc lá, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh.

BC15 có năng suất trung bình đạt từ 80 - 85 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 90 - 100 tạ/ha. Hạt gạo trong, cơm dẻo ngon, đậm…

Lợi nhuận cao hơn 5 triệu đồng/ha so với giống địa phương

Giống lúa thuần TBR97 và BC15 có gen kháng đạo ôn có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh. Cuối vụ mùa 2023, ở khu vực triển khai mô hình trình diễn tuy có mưa nhiều trong tháng 9 và đầu tháng 10, thời tiết diễn biến phức tạp nhưng 2 giống lúa BC15 và TBR97 vẫn sinh trưởng, phát triển khá tốt so với các giống khác xung quanh, bộ lá vẫn giữ được màu xanh, ít bị táp lá, lá đòng to, dày và xanh, tỷ lệ hạt chắc/bông khá cao, cứng cây, khả năng chống đổ tốt…

Qua sơ bộ hạch toán cho thấy, năng suất giống lúa TBR97 và BC15 cao hơn các giống khác tại địa phương khoảng 720kg/ha trở lên, do đó lợi nhuận tăng khoảng 504.000đ/sào (giá lúa bình quân hiện tại 7.000đ/kg), tương đương cao hơn 5.000.000đ/ha so với các giống sản xuất đại trà tại địa phương.

Giống lúa TBR97 và BC15 đều khẳng định năng suất cao tại mô hình. Ảnh: Đăng Lâm.

Giống lúa TBR97 và BC15 đều khẳng định năng suất cao tại mô hình. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Nguyễn Văn Thuận, nông dân ở xã Chư Đăng Ya là hộ trực tiếp tham gia trình diễn hai giống lúa TBR97 và BC15 trong vụ mùa 2023 đánh giá, giống lúa TBR97 và BC15 rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. “Hai giống này đều có cây khỏe, thân không quá cao nên không lo đến chuyện đổ ngã. Bên cạnh đó, cây lúa đẻ nhánh nhiều, hạt chắc, tỉ lệ hạt lép ít nên năng suất cao vượt trội so với những giống lúa đối chứng. Đây là giống lúa rất phù hợp với đồng đất Chư Đăng Ya này”, ông Thuận nhận xét.

Chia sẻ với bà con nông dân tại buổi tổng kết đánh giá mô hình trình diễn giống lúa TBR97 và BC15 tại xã Chư Đăng Ya, ông Phạm Hữu Huế, Phó Giám đốc Công ty TNHH ThaiBinh Seed Miền Trung - Tây Nguyên cho biết: Qua mô hình trình diễn cho thấy đây là hai giống lúa rất phù hợp cho cả vụ đông xuân và hè thu.

Đặc biệt với điều kiện khí hậu mát mẻ ở Tây Nguyên, TBR97 và BC15 sẽ tránh được sâu bệnh hại. “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các mô hình trình diễn ở nhiều địa phương khác nhằm đưa nhanh giống lúa tốt đến với bà con nông dân”, ông Huế chia sẻ.

Ông Đinh Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya cho biết: Toàn xã có khoảng 890ha trồng lúa, tuy nhiên hiện mới chỉ canh tác được khoảng 500ha. “Sắp tới, xã sẽ vận động bà con nông dân đưa những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh. BC15 và TBR97 sẽ là một lựa chọn”, ông Thủy cho biết.

“Doanh nghiệp cần có thêm nhiều mô hình trình diễn hơn nữa để bà con có cơ hội chọn lựa những giống lúa tốt nhất, phù hợp nhất với điều kiện canh tác của địa phương mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn cũng cần đưa những giống lúa chất lượng như BC15 hay TBR97 vào cơ cấu giống lúa cho địa phương. Xa hơn, sẽ hướng tới xây dựng thương hiệu gạo cho địa phương”, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đề nghị.

Xem thêm
Tiên phong làm chủ công nghệ, nâng tầm đàn bò Việt

Công ty Giống gia súc Hà Nội làm chủ công nghệ sản xuất tinh bò 3B thuần dạng cọng rạ và tạo ra đàn bò, bê 3B thuần chủng bằng công nghệ cấy truyền phôi.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.