| Hotline: 0983.970.780

Bè cá lồng của ông Tiếp 'cụt'

Thứ Tư 30/12/2020 , 07:10 (GMT+7)

Tàn nhưng không phế, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Quang Tiếp, 66 tuổi, hiện đang làm chủ 20 lồng cá trên sông Hồng cho doanh thu 6 tỷ đồng/năm.

Hiện ông Tiếp đang có 20 lồng nuôi cá, mỗi năm xuất bán 100 tấn cá thương phẩm.

Hiện ông Tiếp đang có 20 lồng nuôi cá, mỗi năm xuất bán 100 tấn cá thương phẩm.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Tiếp quê gốc ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ông vốn là giáo viên tại trường Quân sự Quân khu 3 (TP Chí Linh – Hải Dương). Trong một lần hướng dẫn học viên thực hành nổ mìn, không may ông bị tai nạn và mất một bàn tay. Từ đấy cái tên Tiếp “cụt” gắn liền với ông.

“Tai nạn xảy ra năm 1983, khi đó tôi 29 tuổi đang đeo hàm Đại úy. Mất sức lao động, tôi xuất ngũ trở về địa phương với thương tật 61%”, ông Tiếp nhớ lại.

Tai nạn khiến ông Tiếp suy sụp, từ 1 chàng trai cao to, khỏe mạnh, nay trở thành người tàn tật. Tuy nhiên được sự động viên từ gia đình, người vợ thảo hiện, và nhớ lời Bác Hồ động viên “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Tiếp dần lấy lại tinh thần, cùng vợ tham gia sản xuất.

Là người có năng lực, lại ham học hỏi, năm 1997 ông Tiếp thành lập công ty cầu đường ở Triều Dương (Hưng Yên) làm ăn khá phát đạt.

Năm 2015, khi bước sang tuổi 60, ông chuyển nhượng công ty cho người con trai quản lý. Những tưởng ông về hưu an hưởng thành quả lao động, nào ngờ ông lại chọn vùng nước sông Hồng qua xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên làm điểm nuôi cá lồng.

“Vợ và các con khuyên nhiều lắm, sợ chồng, sợ bố vất vả, nhưng cái chất lính nó ngấm vào người, cứ còn khỏe là tôi còn lao động”, ông Tiếp cười nói.

Với kinh nghiệm 20 năm gắn bó trên con sông Hồng, ông Tiếp nhận thấy  Sông Hồng đoạn chảy qua xã Mai Động có độ sâu 8 – 10m, dòng nước chảy ổn định 1 chiều, nước sạch không bị ô nhiễm do rác thải công nghiệp, nông nghiệp, nước sinh hoạt, rất thuận lợi để đặt lồng nuôi cá.

Ngày đầu, ông nuôi thử 4 lồng, sau 5 năm đến nay ông Tiếp mở rộng 20 lồng với tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng, được nuôi thả các loại cá trong đó tập chung chính vào cá lăng, cá chép giòn, trắm trắng, trắm đen.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Tiếp khoe lồng cá lăng đến kỳ thu hoạch.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Tiếp khoe lồng cá lăng đến kỳ thu hoạch.

Ông Tiếp cho biết: Ngoài chọn được vị trí thuận lợi để đặt lồng, thì điều quan trọng không kém là đầu tư hệ thống lồng bè phải chắc chắn, chịu được dòng nước chảy xiết trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó hệ thống chắn rác phải được thiết kế hoàn chỉnh vững chắc như một mũi tàu.

Mỗi 1 lồng được thiết kế chiều dài 9m, ngang 6m, khung lồng có kích thước 90 x 12m, chia làm 2 dãy mỗi dãy 10 lồng đặt so le giúp nước lưu thông thuận lợi. Phao làm bằng thùng phuy 200 lít và được cố định với khung lồng. Với diện tích 54m2, một lồng có thể nuôi được 4 – 5 tấn cá thương phẩm. Mỗi một loại cá được nuôi vào một lồng và có chế độ chăm sóc khác nhau.

Ông Tiếp cho biết, cá chép giòn được nuôi bằng hạt đậu tằm đạt đến trọng lượng trên 3kg là xuất bán với giá 90 nghìn đồng/kg.

Ông Tiếp cho biết, cá chép giòn được nuôi bằng hạt đậu tằm đạt đến trọng lượng trên 3kg là xuất bán với giá 90 nghìn đồng/kg.

Để cá có chất lượng thơm ngon ông Tiếp chọn nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Với cá lăng ông nuôi cám công nghiệp khi cá có trọng lượng 2kg thì cho cá ăn các loại cá tạp, cá trắm trắng được nuôi kết hợp bằng cỏ, thân chuối, cá trắm đen được nuôi bằng ốc, cá chép giòn được nuôi làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 nuôi chế độ bình thường đạt trọng lượng thương phẩm 1,5 – 2kg/con.

Giai đoạn 2 là giai đoạn nuôi giòn từ cá thương phẩm, thời gian 5 - 6 tháng cho cá ăn hạt đậu tằm đạt đến trọng lượng trên 3kg là xuất bán. Cho cá ăn lượng thức ăn phù hợp với mật độ, trọng lượng, tránh dư thừa làm ô nhiễm nguồn nước.

Sau 5 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Hồng, ông Tiếp đã đúc rút nhiều kinh nghiệm: Khác với cách nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông tận dụng được nhiều lợi thế về mặt nước ,do dòng chảy liên tục nên nước ít bị ô nhiễm, oxi trong nước cao giúp cá luôn khỏe mạnh.

Vì vậy, nuôi cá lồng quan trọng nhất là khâu chủ động các biện pháp phòng bệnh cho cá, người nuôi nên thường xuyên vệ sinh lồng, bè, lưới sạch sẽ, tạo thông thoáng để lưu thông nước, thường xuyên loại bỏ rác trôi nổi trong và ngoài lồng. Vào mùa mưa lũ phải kiểm tra dây neo bè, di chuyển lồng vào vị trí an toàn khi có bão, lũ lớn, tránh gây thiệt hại.

Ông Tiếp cho biết cá nuôi trên sông cho chất lượng thịt thơm, ngon hơn hẳn so với cá nuôi trong ao, hồ. Cứ đến kỳ xuất bán, thương lái về tận nơi thu mua, bao nhiêu cũng hết.

Các loại cá thả được 1 năm đạt trọng lượng từ 3 – 5kg, với giá bán 60 - 65 nghìn đồng/kg cá lăng và cá trắm trắng, 90 nghìn đồng/kg cá chép giòn, 120 nghìn đồng/kg cá trắm đen. Trung bình 1 năm ông suất bán trên 100 tấn cá thương phẩm cho doanh thu 7 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 1 tỷ đồng.

Hiện tại, cựu chiến binh Nguyễn Quang Tiếp đang nuôi thử nghiệm một số giống cá đặc sản như cá chiên, cá bỗng và cá koi cảnh theo tiêu chuẩn VietGAP. Hứa hẹn cho năng suất cũng như giá trị cao gấp nhiều lần.

Xem thêm
Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất