Tại tỉnh Bến Tre, mỗi ngày có khoảng 70 tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, tuy nhiên hoạt động thu gom, tái chế chỉ mới được khoảng 10%, phần lớn còn lại được chôn lấp tại các bãi rác. Bên cạnh đó, tỷ lệ thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường còn thấp (tỷ lệ khoảng 15%). Vẫn còn bộ phận không nhỏ người dân giữ thói quen thải bỏ rác xuống sông, rạch không đúng nơi quy định.
Bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm nhựa đang đe dọa cuộc sống của con người. Quan điểm nhất quán của tỉnh Bến Tre là phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, tỉnh chú trọng việc thực hiện chiến dịch chống ô nhiễm nhựa nhằm kiểm soát, thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa. Tăng cường tái chế, tái sử dụng, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên. Bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thời gian qua, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tại Bến Tre đã tích cực thực hiện các giải pháp để chống ô nhiễm rác thải nhựa. Nổi bật như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có mô hình thu gom rác thải nhựa phục vụ tái chế, gây quỹ... tạo sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023, tỉnh Bến Tre triển khai ngay các kế hoạch, hành động thiết thực để chống ô nhiễm nhựa như: Ra quân các chiến dịch dọn vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải nhựa trôi nổi trên sông, kênh, rạch, bãi biển, cảng cá ven biển. Bên cạnh đó là các hoạt động trồng cây xanh, "nói không" với túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần và khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường...