| Hotline: 0983.970.780

Túi đựng rác thải nhựa trên tàu cá tiện dụng, ngư dân thích mê

Thứ Tư 21/12/2022 , 08:07 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Túi đựng rác thải nhựa trên tàu cá mang dáng dấp như cái vợt đựng cá mỗi khi đi câu, rất gần gũi với ngư dân, lại rất tiện dụng…

Đau đáu nạn xả rác của các tàu cá

Trong quá trình công tác, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định đã có nhiều công trình nghiên cứu, sáng tạo như: Mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở đầm Thị Nại và các địa phương ven biển trong tỉnh; khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương của nghề câu tay kết hợp ánh sáng; mô hình sản xuất đội tàu câu cá ngừ đại dương Bình Định; xây dựng phần mềm tính phí, lệ phí đăng kiểm tàu cá; máy sấy hải sản bằng năng lượng mặt trời; xây dựng ứng dụng quản lý rác thải trên cơ sở dữ liệu của Google Maps; đề xuất nhiều giải pháp để các dự án hỗ trợ nhiều địa phương thành lập mô hình tổ thu gom rác thải, tổ cộng đồng bảo vệ san hô...

Mẫu túi đựng rác trên tàu cá ông Trần Văn Vinh thiết kế tại nhà. Ảnh: T.V.V.

Mẫu túi đựng rác trên tàu cá ông Trần Văn Vinh thiết kế tại nhà. Ảnh: T.V.V.

Mới đây nhất, ông Vinh tiếp tục đưa ra sáng kiến về quản lý chất thải nhựa trên tàu cá và thiết kế túi đựng rác chuyên dùng cho tàu cá, được ngư dân đánh giá là đơn giản, tiện dụng, hiệu quả cao. Túi đựng rác này mang dáng dấp giống như cái vợt lưới đựng hải sản mỗi khi ngư dân đi câu.

Theo ông Vinh, Bình Định hiện có 5.955 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, hiện tỉnh này đang dẫn đầu về số lượng tàu cá khai thác xa bờ với 3.243 chiếc. Sinh hoạt của ngư dân trong những chuyến biển thường thải ra những rác thải nhựa như vỏ chai nước khoáng, bì nhựa, vỏ lon bia… Nếu tính bình quân 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến biển kéo dài gần 1 tháng, ngư dân sẽ thải xuống đại dương khoảng 720.000 chai nhựa. Mỗi năm, bình quân các tàu khai thác xa bờ sẽ thải xuống đại dương khoảng 6,5 triệu chai nhựa.

“Trước nay, tất cả rác thải sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của các thuyền viên trên tàu cá đánh bắt xa bờ đều thải trực tiếp xuống biển. Trên các tàu cá thường trang bị thùng nước uống loại 20 lít, tuy nhiên do phải đổi trả rất bất tiện nên hiện nay các tàu cá đều sử dụng nước uống đóng chai. Mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 20 ngày, 1 tàu cá trung bình có 12 thuyền viên sử dụng 40 lốc nước đóng chai (loại chai 1,5 lít), mỗi lốc có 6 chai. Như vậy, mỗi tàu cá sử dụng trung bình 240 chai trong 1 chuyến biển, các chai nhựa này sau khi dùng xong đều được ngư dân vứt thẳng xuống biển”, ngư dân Phan Thanh Long, chủ tàu cá mang số hiệu BĐ-91333 TS bộc bạch.

Túi đựng rác có thể treo ở đuôi tàu cá. Ảnh: T.V.V.

Túi đựng rác có thể treo ở đuôi tàu cá. Ảnh: T.V.V.

Ý tưởng thiết kế từ chiếc vợt cá

Trước thực tế trên, khi Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc tại Việt Nam ký kết với UBND tỉnh Bình Định và Thành phố Quy Nhơn triển khai giai đoạn 2 của Dự án Quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn, ông Trần Văn Vinh đã đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá. Ông Vinh đặt ra phương pháp tiếp cận, phân loại rác thải nhựa trên tàu cá 1 cách thuận tiện nhất, đồng thời thiết kế túi đựng rác trông như một loại ngư lưới cụ để ngư dân cảm thấy gần gũi, đảm bảo tính thẩm mỹ, rẻ tiền, tiện dụng và thân thiện với môi trường.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng biển xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) nên hiểu rõ nhu cầu của bà con ngư dân. Do đó, khi tìm tòi, nghiên cứu những giải pháp, sáng chế các thiết bị, tôi đều hướng đến phục vụ đời sống ngư dân. Những gì gần gũi, dễ làm, chi phí thấp, dễ sử dụng và nhân rộng là tôi làm. Túi đựng rác này là một ví dụ. Tôi lấy ý tưởng từ chiếc vợt lưới mà ngư dân thường dùng đựng cá khi đi câu để thiết kế thành “túi đựng rác” với hình dạng dài như miệng phễu, chiếc túi này treo trên tàu cá để đựng rác thải nhựa rất tiện dụng”, ông Trần Văn Vinh chia sẻ.

Túi đựng rác cũng có thể treo trong tàu cá nhưng không chiếm nhiều diện tích như thùng nhựa đựng rác. Ảnh: T.V.V.

Túi đựng rác cũng có thể treo trong tàu cá nhưng không chiếm nhiều diện tích như thùng nhựa đựng rác. Ảnh: T.V.V.

Đi thực tế tại Cảng cá Quy Nhơn, chúng tôi tận mắt nhìn thấy những chiếc túi đựng rác được ngư dân trang bị trên rất nhiều tàu cá. Túi đựng rác được đan bằng cước, thiết kế dạng hình tròn treo lơ lửng, xoay tự do nên chịu được tác động ngoại lực bởi sóng gió khi tàu hoạt động trên biển. Dẫu bị sóng biển quăng quật cỡ nào túi đựng rác cũng không bị biến dạng, có thể xếp lại tùy theo nhu cầu sử dụng, không chiếm nhiều diện tích trên tàu cá như các thùng rác bằng nhựa.

Rác thải nhựa ngư dân dùng trên tàu được bỏ vào túi đựng rác qua cái lỗ tròn nằm phía trên miệng túi. Khi tàu về bờ, ngư dân chỉ cần mở phần đuôi của túi là có thể trút rác ra. Trong quá trình ngư dân sử dụng, nếu túi đựng rác bị hư hỏng thì có thể dùng cước, dây nilon để vá lại, vô cùng tiện lợi.

Song song với việc chế tạo túi đựng rác, ông Vinh còn đưa ra giải pháp và viết thành sổ tay quản lý rác thải nhựa trong sinh hoạt và trong sản xuất của tàu cá để kiểm soát nguồn rác thải nhựa từ cảng cá khi tàu xuất bến, tàu cập cảng trên phần mềm có thể cài đặt trên điện thoại thông minh, máy tính bảng…

Túi đựng rác rất gọn nhưng đựng được rất nhiều vỏ chai, vỏ lon. Ảnh: T.V.V.

Túi đựng rác rất gọn nhưng đựng được rất nhiều vỏ chai, vỏ lon. Ảnh: T.V.V.

“Trước khi xuất bến, cảng cá sẽ cập nhật các dữ liệu về các loại thực phẩm, thức ăn liên quan đến rác thải nhựa của ngư dân mang lên tàu cá. Trong quá trình sử dụng, thu gom rác thải nhựa trên tàu cá bỏ vào túi đựng rác, ngư dân cập nhật báo về cảng cá để việc kiểm soát lượng rác thải nhựa trên tàu cá được minh bạch, chặt chẽ”, ông Trần Văn Vinh chia sẻ thêm.

“Cảng cá Quy Nhơn đã xây dựng kế hoạch thu gom rác thải nhựa. Hiện hàng ngày, đội thu gom rác thải của cảng cá gồm 4 người chèo ghe đi thu gom rác trên mặt nước biển trong khu vực cảng cá để rác không trôi ra biển và thu gom rác thải trên bờ.

Sau khi được phân loại, xe chuyên dụng của Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn sẽ đến vận chuyển đi. Đồng thời chúng tôi cũng giám sát các tàu cá đang cập tại cảng xả rác xuống biển, báo cho cơ quan chức năng đến xử lý. Còn rác thải mà các tàu cá thu gom trong chuyến biển, khi về bờ ngư dân sẽ báo cho cảng cá, nhân viên cảng liên lạc với người chuyên mua gom phế liệu đến thu mua theo giá thị trường”, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, phụ trách Cảng cá Quy Nhơn cho hay.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm