Xây hồ dự trữ nước quy mô lớn là chủ trương của Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bến Tre. Chủ trương này đã được thực hiện và bước đầu phát huy hiệu quả, giúp người dân vùng ven biển giảm bớt khó khăn về nước sinh hoạt mùa khô. Hai công trình có quy mô lớn là hồ Kênh Lấp và hồ Lạc Địa, cùng nằm trên địa bàn huyện Ba Tri.
Hồ Kênh Lấp giúp người dân ven biển chống chọi hạn mặn
Sau đợt hạn mặn khốc liệt trong mùa khô 2015-2016, tỉnh Bến Tre đầu tư xây dựng khẩn cấp hồ Kênh Lấp trên địa bàn các xã Tân Xuân, Phước Ngãi. Đây là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất khu vực ĐBSCL (vào thời điểm đó), chứa được hơn 800.000m3 nước, phục vụ sinh hoạt cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn huyện Ba Tri.
Năm 2019, khi hồ nước này chính thức hoàn thành và đưa vào vận hành, cả khu vực này không còn cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất vào những mùa khô. Ông Trần Văn Dũ, người dân xã Tân Xuân cũng như nhiều bà con ở Ba Tri rất phấn khởi vì tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt mùa khô đã được cải thiện, đời sống không còn cơ cực như trước.
Ông Dũ nói rằng: “Dự án hồ Kênh Lấp hiệu quả vì nguồn nước ở đây không bị nhiễm mặn nhiều, vẫn sử dụng tốt trong mùa khô. Ngoài phục vụ cho con người còn cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là bò, dê sử dụng thoải mái”.
Cùng với các huyện Bình Đại, Thạnh Phú, trước đây Ba Tri rất khó khăn về nước sinh hoạt trong mùa khô. Những năm xâm nhập mặn lấn sâu, rất nhiều hộ dân sống trong cảnh thiếu nước ngọt ăn, uống. Như mùa khô năm nay, nhiều nhà máy xử lý nước mặt vùng nông thôn của Bến Tre như Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm phải pha hòa nước ngọt với nước mặn đến 4-5‰ để cung cấp cho người dân. Song, độ mặn của nước trong hồ Kênh Lấp vẫn ở trong ngưỡng cho phép.
Dù là xã ven biển nhưng Bảo Thạnh cũng được hưởng lợi từ nguồn nước ngọt được truyền tải về từ hồ Kênh Lấp nên chính quyền và nhân dân nơi đây bớt lo mỗi khi mùa khô về.
Ông Khổng Minh Tặng, Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh nói, hồ Kênh Lấp đóng vai trò rất lớn trong việc phục vụ nước ngọt cho các xã ven biển, đặc biệt là xã Bảo Thạnh. Từ khi hồ nước ngọt này đi vào hoạt động, tỷ lệ hộ dân có nước sạch sử dụng tăng lên. “Ban đầu chỉ có hơn 30% nhưng bây giờ hơn 70% hộ dân sử dụng nước được dẫn về từ hồ này. Mùa khô vừa qua, nguồn nước này cơ bản đảm bảo phục vụ sinh hoạt, tắm rửa”, ông Tặng khẳng định.
Hiện nay, hồ Kênh Lấp do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre quản lý và vận hành. Địa phương sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống đường ống kết nối từ các nhà máy xử lý nước tiếp nhận nguồn từ hồ Kênh Lấp. Đồng thời, tăng cường công suất vào mùa khô hạn để mở rộng phạm vi bao phủ lớn hơn.
Hồ Lạc Địa- 2,3 triệu khối đang dần hình thành
Nhằm giúp người dân vùng bãi ngang, ven biển tăng hiệu quả ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, năm 2021 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư xây dựng dự án hồ Lạc Địa tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.
Dự án xây dựng hồ Lạc Địa kết hợp với khu tái định cư và xây khu di tích Lạc Địa có vốn đầu tư là 352 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ. Đây là hồ chứa nước ngọt có quy mô lớn nhất nhì ở ĐBSCL hiện nay. Dự án được triển khai xây dựng trên diện tích hơn 151ha đất vùng thấp, hiệu quả sản xuất không cao. Trong đó, hồ chứa nước ngọt diện tích gần 100ha, gồm hồ trữ nước 56,7ha, dung tích dự kiến 2,3 triệu khối, đường giao thông 11ha, đất trồng cây xanh là 30,4ha. Ngoài ra, còn có các hệ thống cống, trạm bơm, hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng.
Việc triển khai chủ trương xây dựng hồ chứa nước ngọt, khu di tích lịch sử cách mạng Bưng Lạc Địa và khu dân cư nhận được sự đồng tình cao của phần lớn người dân Ba Tri. Khi công trình thủy lợi này hoàn thành vào năm nay có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho gần 60.000 hộ dân với công suất 535.900 m3/ngày, đồng thời hỗ trợ nước uống cho khoảng 150.000 con gia súc và 600 cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị hành chính.
Bà Nguyễn Thị Mẳn, người dân ấp 2, xã Phú Lễ cho biết, hàng chục năm qua cuộc sống người dân khu vực này luôn trong cảnh thiếu nước ngọt mỗi khi mùa khô đến nên khi nhà nước đầu tư xây hồ chứa nước người dân rất mừng, mong công trình sớm hoàn thành.
“Ở đây, mùa khô thì không có nước ngọt, phải đổi nước giá trên 100 ngàn đồng/xe. Tôi thấy xây hồ có lợi, rất mơ ước, cầu mong xây cho nhanh để có nước để bà con xài chứ bây giờ mùa khô khổ”, bà Mẳn chia sẻ.
Do là dự án có quy mô lớn, nhiều hạng mục, có liên quan đến đất mà người dân thuê nhiều năm nên việc triển khai cũng gặp không ít khó khăn nhưng chính quyền và chủ đầu tư, đơn vị thi công đã nỗ lực giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ công trình đạt trên 60% kế hoạch.
Ông Hà Văn Chức, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lễ cho biết, Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đang tập trung quyết liệt tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân đến cuối tháng 10 này giao mặt bằng toàn tuyến.
Khép kín hệ thống thủy lợi toàn tỉnh vào năm 2026
Ngoài các hồ trữ nước bằng nguồn vốn Trung ương đầu tư, Bộ NN-PTNT và tỉnh Bến Tre đã và đang xây dựng nhiều công trình cống điều tiết mặn - ngọt quy mô lớn, từng bước khép kín hệ thống sông rạch.
Đáng kể nhất, năm ngoái hai công trình cống Tân Phú và Bến Rớ đã vận hành, ngăn mặn từ sông Tiền, sông Hàm Luông vào sông Ba Lai, tạo dòng nước ngọt phục vụ cho các nhà máy nước, vườn cây ăn trái đặc sản trên địa bàn huyện Châu Thành và TP Bến Tre.
Hiện nay, Bến Tre chuẩn bị được Trung ương đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi có quy mô lớn như: âu thuyền An Hóa, Chẹt Sậy và trong tương lai có khả năng xây cống sông Hàm Luông… để điều tiết mặn – ngọt, khép kín hệ thống thủy lợi toàn tỉnh vào năm 2026.