| Hotline: 0983.970.780

Bệnh cháy bìa lá lúa

Thứ Sáu 10/02/2017 , 14:03 (GMT+7)

Bệnh cháy bìa lá (bệnh bạc lá) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm, làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng lúa, đặc biệt bệnh gây hại nặng trong mùa vụ có mưa gió lớn.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh này đã xuất hiện ở hầu hết các vụ lúa trong năm, nhất là các tỉnh phía Nam và xuất hiện đồng thời cùng các loại bệnh hại khác, gây khó khăn cho công tác phòng trừ và làm tăng thêm chi phí sản xuất cho bà con nông dân.

Triệu chứng và tác nhân gây hại: Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas oryzae gây ra. Vết bệnh điển hình là những vệt lá bị cháy khô trắng chạy dọc theo mép lá (bìa lá). Sau đó có thể lan rộng làm cho cả lá bị cháy khô. Nếu bệnh nặng có thể làm cho toàn bộ bộ lá lúa bị cháy khô trắng, làm hạt lúa bị bị lửng, lép, làm giảm đáng kể năng suất và chất lượng lúa.

Điều kiện phát sinh phát triển: Trong điều kiện thời tiết mưa gió lớn, ẩm độ cao và ít nắng thì bệnh phát triển rất mạnh. Bệnh có thể gây hại từ giai đoạn mạ, song thường gây hại tập trung vào giai đoạn lúa đứng cái đến trổ. Đặc biệt trên những ruộng sử dụng giống nhiễm bệnh, gieo sạ dày, bón phân thừa đạm thường bị nặng. Bệnh lây lan qua vết thương cơ giới do mưa gió lớn tạo ra, hoặc xâm nhập qua khí khổng, thủy khổng của lá.

Biện pháp quản lý:

- Chọn giống kháng bệnh để gieo trồng (tham khảo cán bộ khuyến nông của địa phương, hoặc trên tài liệu, trên thông tin của truyền thông...).

- Trước khi gieo trồng, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh vụ trước (trục và dìm kỹ gốc rạ), dọn sạch cỏ dại quanh bờ...

- Không gieo sạ quá dày để cây lúa khỏe mạnh, kháng được bệnh (áp dụng theo lượng giống khuyến cáo của chương trình IPM, khoảng 120kg/ha, nếu sạ hàng, lượng giống sẽ còn ít hơn).

- Bón phân cân đối hợp lý, không bón thừa đạm (nên áp dụng theo bảng so màu lá lúa. Khi lúa bị thừa đạm, lá có màu xanh đậm và sẽ không đứng thẳng mà nằm ngang).

- Trong điều kiện thời tiết phù hợp cho bệnh phát sinh, phát triển như đã nêu ở trên, thì chủ động phòng ngừa trước như không bón dư phân đạm, tăng cường phân kali. Có thể chủ động phun phòng ngừa trước trong điều kiện ruộng được gieo bằng giống nhiễm, gieo sạ dày và bị dư đạm, hoặc sau những trận mưa có gió lớn, lúa ở giai đoạn từ đứng cái đến đòng trổ...

- Theo dõi ruộng thường xuyên, nhất là những giai đoạn cây lúa mẫn cảm với bệnh (từ giai đoạn lúa đứng cái đến đòng trổ). Khi thấy bệnh chớm xuất hiện trên đồng thì ngừng sử dụng phân đạm và cần phun một trong các loại thuốc: Alpine 80WDG, hay Saipan 2SL, hoặc Hỏa Tiễn 50SP, với liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì.

Xem thêm
Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.