| Hotline: 0983.970.780

Bệnh do Phytoplasma trên cây trồng

Thứ Sáu 05/10/2018 , 07:15 (GMT+7)

Được phát hiện cách đây hơn nửa thế kỷ, Phytoplasma là tác nhân gây ra rất nhiều bệnh trên nhiều loại cây trồng khác nhau như: Bệnh “xù đầu lân” trên cây mè, bệnh “trắng lá” trên cây mía, bệnh “chổi rồng” trên cây nhãn, bệnh “chổi rồng” hay “đầu rồng” trên khoai mì…

Thế nhưng đến nay, con người vẫn chưa tìm ra loại thuốc BVTV hay chế phẩm nào có thể trị được các bệnh do tác nhân này gây ra.

Phytoplasma có kích thước hiển vi (đường kính ±500mm), được biết đến như một loại dịch khuẩn bào không có vách tế bào và nhân, có thể tồn tại ở nhiều hình dạng khác nhau. Phytoplasma rất khó phát hiện vì kích thước nhỏ và sự xuất hiện có giới hạn trong mô tế bào

Chu trình sống và lây truyền của phytoplasma được thông qua 3 giai đoạn chính:

(1) Phytoplasma từ phloem thực vật nhiễm vào côn trùng;

(2) Phytoplasma tăng sinh trong tuyến nước bọt của côn trùng;

(3) Phytoplasma phân tán từ côn trùng sang cây chủ tiếp theo (Weintraub và ctv, 2006).

Các thiệt hại do Phytoplasma gây ra trên cây trồng ngày càng nghiêm trọng. Chúng lan truyền nhanh chóng qua ghép cây, cành giâm vô tính, qua cây tơ hồng, qua côn trùng. Thiệt hại của bệnh giống như bệnh virus thực vật, Phytoplasma gây thoái hoá cây trồng dẫn đến năng suất và phẩm chất giảm, cây dần dần tàn lụi.

Triệu chứng: Phytoplasma can thiệp vào sự phát triển của thực vật thể hiện thông qua các triệu chứng điển hình bao gồm: Phyllody (hoa biến thành lá), Virescence (thay vì có màu sắc bình thường, hoa phát triển sắc tố lục), Witches’ - broom (tăng trưởng dày đặc của chồi từ một điểm duy nhất), số lượng bất thường của rễ tơ, ức chế ra hoa, cây còi cọc, úa (Bertaccini, 2007; Hogenhout và ctv, 2008).

Một số biện pháp quản lý bệnh do Phytoplasma gây ra: Vì chưa có thuốc đặc trị cũng như phòng ngừa trực tiếp Phytopplasma gây hại trên cây trồng, nên chủ yếu đang áp dụng một số biện pháp để phòng ngừa gián tiếp các bệnh do Phytoplasma gây ra như sau:

- Dùng giống kháng bệnh, giống sạch bệnh.

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy những cây đã nhiễm bệnh trên đồng ruộng.

- Vệ sinh các công cụ, dụng cụ canh tác bằng cồn hoặc formol…

- Luân canh cây trồng không phải là ký chủ.

- Thường xuyên thăm đồng để phát hiện, tiêu hủy cây bị bệnh kịp thời.

Phòng trị các loại côn trùng chích hút môi giới truyền bệnh như: Nhện lông nhung (Eriophyes dimocarpi) trên cây nhãn, rầy xám (Hishimonus phycitis) trên khoai mì, rầy (Matsumuratettix hiroglyphicus) trên cây mía và côn trùng trên cây mè.

Với nhện lông nhung truyền bệnh chổi rồng trên cây nhãn sử dụng các sản phẩm: Dầu khoáng SK99EC, Sulox 80WP, Saromite 57EC, Comda Gold 5WG (không hỗn hợp SK với các thuốc đã nêu, ngoại trừ Comda Gold). Phun ướt đều cây trồng khi nhãn ra lộc non

Với rầy xám truyền bệnh chổi rồng trên khoai mì, rầy truyền bệnh trắng lá mía và côn trùng môi giới truyền bệnh đầu lân cây mè có thể sử dụng các hỗn hợp sản phẩm: Sairifos 585EC + Dầu khoáng SK 99EC hoặc Sairifos 585EC + Butyl 400SC hoặc phun Secsaigon 25EC.

Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.