Tối ưu hóa chuỗi giá trị lúa gạo
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” không chỉ là chiến lược phát triển nông nghiệp mà còn là bước đi cụ thể của Việt Nam nhằm thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26.
Theo ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Đề án được triển khai tại 12/13 tỉnh, thành ĐBSCL với sự tham gia tích cực từ các địa phương, nông dân, HTX và doanh nghiệp. Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Đến năm 2025, hình thành 180.000ha lúa chất lượng cao với quy trình canh tác bền vững, giảm lượng giống xuống 80 - 100kg/ha và sử dụng 20% phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật so với hiện tại.
Đến năm 2030 mở rộng quy mô lên 1 triệu ha, giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha và giảm ít nhất 30% phân bón hóa học. 100% diện tích sẽ áp dụng quy trình canh tác bền vững như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và phương pháp tưới tiết kiệm nước.
Mục tiêu xa hơn không chỉ là nâng cao thu nhập nông dân mà còn tối ưu hóa chuỗi giá trị lúa gạo, giảm thất thoát sau thu hoạch, thu gom và tái chế rơm rạ, tăng tỷ suất lợi nhuận lên trên 50% vào năm 2030.
Ở vai trò đầu mối hỗ trợ kỹ thuật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp. Ông Đỗ Văn Vấn cho biết, Trung tâm đã thực hiện đào tạo chuyên sâu cho cán bộ và nông dân, xây dựng các mô hình trình diễn về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) tại các tỉnh trọng điểm của Đề án như Tiền Giang, An Giang và Đồng Tháp.
Về đào tạo chuyên môn thời gian qua, Trung tâm đã triển khai 6 lớp ToT về IPHM với 180 giảng viên cấp quốc gia và 10 lớp FFS về IPHM đào tạo 300 nông dân. Về hỗ trợ triển khai IPHM, đã tổ chức mô hình 10ha IPHM ở Tiền Giang, áp dụng các giải pháp giảm phát thải như phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học và tưới tiết kiệm nước.
Đặc biệt trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động IPHM, tăng cường tập huấn cho nông dân, đặc biệt tại các tỉnh trọng điểm như Cần Thơ - nơi đã có 41 giảng viên IPHM. Đồng thời phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học… nhằm đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy canh tác lúa gạo bền vững tại ĐBSCL.
Vai trò của cơ giới hóa và công nghệ mới
Cơ giới hóa và công nghệ mới đang trở thành chìa khóa để hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án. Theo ông Đỗ Văn Vấn, tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ dự kiến sẽ đạt trên 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. Việc áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại không chỉ giúp tăng năng suất mà còn giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Một số ứng dụng công nghệ nổi bật trong sản xuất lúa bao gồm: Drone phun thuốc, rải giống, bón phân, giảm lượng vật tư sử dụng, tăng độ chính xác trong canh tác; hệ thống cảnh báo mặn và tưới tự động, giúp nông dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bẫy đèn thông minh giúp quản lý dịch hại hiệu quả hơn; cấy máy và gặt đập liên hợp giúp nông dân tiết kiệm thời gian và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Trong các tỉnh thành ở ĐBSCL, TP Cần Thơ là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, được Bộ NN-PTNT triển khai mô hình thí điểm và đã đạt kết quả tốt nhờ lòng ghép triển khai hiệu quả các lớp tập huấn IPHM và các mô hình ứng dụng cơ giới hóa. Ông Vấn nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu Đề án trong vụ đông xuân 2024 - 2025, nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ, liên kết sản xuất qua các HTX và áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác bền vững.