Ngày 3/6, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế (tại điểm cầu Bắc Giang) cùng PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (tại điểm cầu Bộ Y tế) và các chuyên gia đầu ngành của Tiểu ban Điều trị và Hội đồng chuyên môn trong cả nước đã có cuộc hội chẩn trực tuyến về tình hình điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng.
Tại điểm cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận và điều trị cho 16 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 5 trường hợp nặng. Đặc biệt, bệnh nhân 7445 (nam, 22 tuổi, sinh viên năm cuối học tại TP.HCM, quê Cần Đước, Long An) hiện đang trong tình trạng nguy kịch, tổn thương phổi cấp tính tiến triển, có tình trạng rối loạn đông máu lan tỏa gây tắc màng lọc, phải thay màng lọc liên tục.
Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, bệnh nhân 7445 có thể trạng béo phì, do đó nguy cơ càng cao. Dự kiến tối nay (3/6) bệnh viện sẽ chụp CT phổi để tính toán phương án có cần thay huyết tương cho bệnh nhân 7445 hay không.
“Hiện bệnh nhân 7445 đang tiếp tục hồi sức tích cực bằng thở máy, lọc máu màng hấp phụ cytokin OXIRIS, ECMO (một phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp, khi tim hoặc phổi hay cả hai đều không thể hoạt động bình thường) và dùng kháng sinh phổ rộng", bác sĩ Châu giải thích.
Đánh giá về ca bệnh này, GS.TS Nguyễn Gia Bình, cho rằng nếu bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM muộn hơn, sẽ rơi vào chết não và việc duy trì sự sống cho bệnh nhân đến thời điểm này là điều may mắn. “Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã can thiệp ECMO tốt, hiện tại cần lưu ý đến tình trạng “phổi đông đặc” của bệnh nhân. Trường hợp này giống y hệt như bệnh nhân 91 - phi công người Anh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia lưu ý các bác sĩ điều tri tiếp tục thay huyết tương thể tích cao.
Liên quan đến một loại thuốc điều trị cho bệnh nhân 7445 đang có nguy cơ thiếu, các chuyên gia đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra lại nguồn thuốc lưu kho, nếu còn thì điều chuyển hỗ trợ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Trước đó, nam sinh viên năm cuối của một trường Đại học tại TP.HCM, tạm trú trên đường Cao Thắng, phường 13, quận 10, TP.HCM. Bệnh nhân trở về nhà tại Long An thì gặp mưa, cảm thấy mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ, đau họng, ho khan nên tự mua thuốc uống.
Sau 8 ngày, bệnh nhân khó thở tăng dần, được người nhà đưa đến khám tại TTYT huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tại đây, bệnh nhân được khám sàng lọc, có yếu tố nghi ngờ Covid-19 và diễn tiến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Long An.
Tại Bệnh viện Đa khoa Long An, bệnh nhân được chỉ định làm test nhanh và làm xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính.
4 giờ sáng ngày 1/6, bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa Long An (tỉnh Long An) chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng mắt trợn ngược, thở hước, chi lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp khó đo, SpO2 chỉ còn 30% qua thở Oxy mask.
Tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân được các bác sĩ khẩn trương đặt nội khí quản thở máy, hồi sức tích cực, được thở máy, lọc máu và ECMO. Tình trạng phổi tổn thương rất nặng, kèm hội chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển), tổn thương gan nặng, tiên lượng bệnh nhân rất nguy kịch.
Hiện người cha và anh trai của nam sinh viên này cũng đã mắc Covid-19, hiện chùm ba ca mắc Covid-19 trong gia đình này chưa rõ nguồn lây. Trong đó, anh trai của bệnh nhân 7445 tình trạng nặng nên được chuyển từ Long An đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ngày 1/6. Đến sáng nay, hình ảnh Xquang phổi ghi nhận tổn thương lan tỏa hai phế trường.
"Người anh trai này đang diễn tiến nặng dần, tình trạng suy hô hấp gia tăng, tiếp tục hỗ trợ hô hấp bằng máy thở cao tần", bác sĩ Châu chia sẻ.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, có 123 trường hợp tiên lượng nặng, 100 bệnh nhân nặng thở oxy gọng kính, 29 bệnh nhân nặng thở máy không xâm nhập; 29 bệnh nhân nguy kịch, thở oxy xâm nhập; hiện có 7 bệnh nhân đang can thiệp ECMO.
Hầu hết những bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm Covid-19 đều không có biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng trong giai đoạn đầu của bệnh, một số chỉ sốt nhẹ, ho hoặc đau nhức cơ. Những bệnh nhân này đột ngột xấu đi ở giai đoạn sau của bệnh hoặc đang trong quá trình hồi phục với sự xuất hiện của Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) và suy đa tạng xảy ra nhanh chóng, dẫn đến tử vong trong một thời gian ngắn.
“Cơn bão cytokine” được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra ARDS và suy đa tạng ở những bệnh nhân này.
Cơn bão cytokine là một phản ứng miễn dịch quá mức đối với các kích thích đối với cơ thể từ bên ngoài. Cơ chế bệnh sinh của cơn bão cytokine rất phức tạp. Chính “cơn bão cytokine” sẽ làm cho bệnh tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Đã có bằng chứng cho thấy, trong đại dịch Covid-19, diễn tiến nặng ở mức nghiêm trọng ở một số bệnh nhân có liên quan mật thiết đến cơn bão cytokine.