| Hotline: 0983.970.780

Bệnh sốt xuất huyết gia tăng

Thứ Sáu 05/07/2019 , 08:58 (GMT+7)

Dù mới bước vào mùa mưa, nhưng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) có chiều hướng tăng tại các tỉnh phía Nam.

13-32-27_cp_cuu_-_nguyen_thuy
Phụ huynh cần theo dõi trẻ nếu sốt cao nhiều ngày không hạ, tránh trường hợp bị biến chứng nặng do SXH.

Người dân cần chủ động phòng chống SXH bằng cách diệt lăng quăng, diệt muỗi, không cho muỗi sinh sản và phát triển, đặc biệt không để bị muỗi đốt.
 

Số ca mắc tăng

Theo Viện Pasteur TP.HCM, tại 20 tỉnh phía Nam, tính từ đầu năm 2019 đến nay đã có 49.445 ca mắc bệnh SXH dengue, cao hơn cùng kỳ năm 2018 là 139% (20.707 người) và có 6 trường hợp tử vong do SXH. Riêng tuần thứ 25 đã có 2.163 trường hợp mắc bệnh SXH dengue được phát hiện, trong đó TP.HCM là nơi phát hiện nhiều ca bệnh nhất (715 ca), tiếp theo là tỉnh Đồng Nai (294 ca), tỉnh Bình Phước (225 ca).

Ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, số ca nhập viện điều trị do SXH có chiều hướng tăng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, 6 tháng đầu năm 2019 số ca mắc SXH là 24.768 ca, tăng 176% so với số ca bệnh cùng kỳ năm 2018 (8.959 ca) và ghi nhận 5 trường hợp tử vong do SXH với 3 trường hợp là người lớn, 2 trường hợp tuổi thiếu niên.

“Mùa dịch bệnh SXH 2019 - 2020 đã bắt đầu. Cần có những giải pháp tích cực hơn nữa khi mưa liên tục mỗi buổi chiều kết hợp với nắng nóng buổi sáng. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi để muỗi vằn sinh sản và phát triển làm lây lan nhanh chóng bệnh SXH trong cộng đồng dân cư”, BS Nguyễn Trí Dũng, GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết.

Điều đáng lưu ý là trước đây, bệnh SXH được cho là của trẻ em, tuy nhiên những năm gần đây, tỷ lệ SXH ở người lớn chiếm 50% trong tổng số ca mắc bệnh, các trường hợp tử vong do SXH hầu hết ghi nhận trên bệnh nhân cơ địa béo phì, mắc các bệnh mãn tính.

BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D (BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM) cho biết, từ đầu năm đến nay số ca nhập viện điều trị SXH là gần 800 ca, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và chủ yếu gặp ở người lớn.
“Trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận và điều trị khoảng 25 ca SXH, tuy nhiên trong tháng 6/2019, số ca mắc SXH gia tăng nhanh, có ngày lên tới gần 70 ca. Hiện có 10 ca nặng đang phải thở máy. Như vậy, dịch SXH năm nay có khuynh hướng đến sớm hơn”, BS Phong nói.

Ngoài ra, việc chủ quan tự điều trị tại nhà cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến tình trạng bệnh ngày một xấu, chuyển bệnh nặng phải lọc máu và có trường hợp dẫn tới tử vong.
 

Chủ động phòng bệnh

Theo các chuyên gia y tế, bệnh SXH do muỗi vằn đốt người bệnh rồi truyền sang người lành. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, cũng như chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh này.

Để chủ động phòng chống và kiểm soát nguy cơ bùng phát dịch SXH, mỗi người, mỗi nhà cần chủ động phòng bệnh SXH bằng biện pháp đơn giản, như phòng tránh không để bị muỗi đốt khi ngủ mùng, dùng lưới chống muỗi, diệt muỗi, diệt lăng quăng trong chính ngôi nhà của mình. Bởi chỉ cần có một đồ vật đọng nước bị bỏ quên, một lu chứa nước không đậy kín... đều có thể là nơi phát sinh lăng quăng, muỗi truyền bệnh.

Theo TS. BS Nguyễn Minh Tuấn, trưởng Khoa SXH (BV Nhi đồng 1, TP.HCM), trong 1- 2 ngày đầu, người bệnh bị sốt cao, tuy nhiên dấu hiệu khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường. Chính vì vậy, người bệnh cần xét nghiệm máu để xác định có mắc SXH không. Ở giai đoạn tiếp theo, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 có dấu hiệu hạ sốt, nhưng xuất hiện những vết xuất huyết trên cơ thể, phụ huynh không nên chủ quan, trẻ cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên để tránh bệnh chuyển biến nặng.

“Đối với trẻ có cơ địa thừa cân béo phì, khi mắc bệnh SXH thường bệnh diễn tiến nặng hơn. Để tránh những biến chứng do SXH gây ra, nếu trẻ sốt liên tục 3 ngày kèm dấu hiệu mệt mỏi, có nhiều nốt xuất huyết bất thường ngoài da, đi cầu phân đen, tay chân lạnh, chán ăn, mệt mỏi… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, gia đình cần thông báo cho trạm y tế để khoanh vùng, phun xịt không để bệnh lây lan trên diện rộng”, BS Tuấn khuyến cáo.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều người cho rằng muỗi truyền bệnh SXH Dengue (muỗi vằn) chỉ sinh sản và gây bệnh SXH ở môi trường ao tù, nước đọng. Tuy nhiên, loại muỗi này còn có khả năng sinh sản cao, tập tính đẻ ở nơi nước trong, với vòng đời trung bình sống từ 1- 2 tháng, sau mỗi lần hút máu no khoảng 3 ngày lại đẻ trứng một lần. Chính vì vậy, phòng chống SXH cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát đường huyết

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì chế độ ăn uống phù hợp là điều cần được chú trọng.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu nhanh chóng, hiệu quả

Ngải cứu được biết đến với khả năng xoa dịu cơn đau thần kinh, thúc đẩy tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi, và cải thiện lưu thông máu đến não.