Ảnh mang tính minh họa. |
Khung giá dự kiến áp dụng từ ngày 1/10/2019, cho phép thu một giường nội trú hạng đặc biệt nằm riêng một phòng, với mức 4 triệu đồng/ngày. Thấp hơn một chút là các mức giá dao động từ 1,3 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/giường. Đây là giá tương đương với khách sạn 5 sao, mà nhiều bệnh viện tư đang thực hiện.
Vì sao lại phát sinh dịch vụ siêu đẳng trong hệ thống bệnh viện công? Vụ Kế hoạch tài chính của Bộ Y tế phân tích: Mỗi năm có thể có đến 100.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh với chi phí lên tới 2 tỷ USD. Nếu có cơ chế để giữ lại một nửa số này thì mỗi năm chúng ta có từ 20.000 - 30.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ở Việt Nam có khoảng 500.000 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, nếu có dịch vụ y tế chất lượng cao thì nhóm đối tượng người bệnh này sẽ không phải trở về nước để chữa bệnh.
Đó là cách biện giải theo lý thuyết, còn thực tế lại đặt ra nhiều thách thức khác. Bệnh viện công được đầu tư mọi thứ từ ngân sách nhà nước, kể cả trang thiết bị lẫn lương bổng y bác sĩ. Điều mà cả xã hội đang trông đợi ở bệnh viện công là những bệnh nhân nghèo và những người thu nhập thấp vẫn có thể được khám chữa bệnh thường xuyên và hiệu quả.
Khi đưa ra khái niệm “dịch vụ theo yêu cầu”, nghĩa là thừa nhận người nhiều tiền sẽ được ưu tiên. Nhập nhèm công - tư thì những bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế bỗng dưng trở thành đối tượng không được hoan nghênh ở cơ sở y tế công lập.
Nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế ở bệnh viện công sẽ ra sao khi có sự phân hóa về những khoản thu theo biểu giá thị trường? Trước hết là phân hóa về bệnh nhân, người có tiền thì nằm phòng máy lạnh có đội ngũ nhân viên y tế túc trực hầu hạ, còn người không tiền thì chen chúc nhau ở hành lang chật chội nắng gió.
Tiếp theo là phân hóa về vai vế thầy thuốc, bác sĩ và y tá được thăm khám cho đại gia sẽ sang trọng hơn bác sĩ và y tá được giao trách nhiệm gần gũi khách hàng túng thiếu. Thật đáng kinh hãi, khi trình độ và đạo đức của những thiên thần khoác blouse trắng lại được đánh giá bằng chính cái hóa đơn ở bệnh viện công.
Hiện tại, bệnh viện tư đã được khuyến khích phát triển, thì tại sao lại nảy sinh xu hướng “dịch vụ theo yêu cầu” ở bệnh viện công? Bệnh viện công lập vì lợi ích riêng tư, thì người bệnh sẽ phải đắn đo túi tiền khi đau ốm. Phân biệt giàu nghèo để đối xử, không thể tồn tại trong bệnh viện công. Ánh mắt nhân ái của bác sĩ, bàn tay lương thiện của y tá, lời chào ân cần của điều dưỡng… đều cân đo nặng nhẹ theo chi phí mà bệnh nhân phải trả ư? Một cơ chế lẫn lộn công - tư sẽ tạo điều kiện cho tiêu cực hoành hành.