| Hotline: 0983.970.780

Bi kịch từ mối tình đồng tính

Thứ Bảy 30/04/2016 , 06:30 (GMT+7)

Từ lúc sa lưới pháp luật cho đến lúc ra trước vành móng ngựa, Lê Thị Liên (Sinh năm 1983) thường trú thôn Phú Hội 2, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa liên tục chối tội.

Lúc thì Liên cho rằng mình là người Hàn Quốc, lúc thì Liên “giả ngây giả ngô” cho rằng Cơ quan điều tra bắt nhầm người... Những người dự khán phiên tòa không khỏi nghi ngại đó chỉ là những “chiêu trò” để Liên né tránh sự trừng phạt của pháp luật..

Ngày 15-4, Tòa án nhân dân TP.HCM vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Lê Thị Liên bị truy tố về tội “Giết người”. Theo cáo trạng, năm 2009, Liên dùng tên giả là Sam, đến xin làm thuê tại tiệm uốn tóc 1 Hằng Nga (số 37 Tuệ Tĩnh, phường 13, quận 11, TP.HCM) do bà Hỷ Phụng S. làm chủ.

Trong công việc, Liên được chị Nguyễn Thị Phượng (thợ chính của tiệm Hằng Nga) kèm cặp, giúp đỡ và hai người đã nảy sinh quan hệ tình cảm yêu đương đồng tính.

Giữa năm 2012, mối quan hệ đồng tính của Liên và Phượng bị anh Nguyễn Phước Dũng C. (chồng chị Phượng) cùng gia đình phát hiện, ngăn cấm, chủ tiệm Hằng Nga cũng cho Liên nghỉ việc.

Mọi người nghĩ rằng hai người “xa mặt cách lòng” nhưng trên thực tế, Liên, Phượng vẫn lén lút gặp gỡ, cùng nhau 32 lần thuê khách sạn tại số 23 Ngọc Hân Công Chúa, phường 13, quận 11 “tâm sự”. Thông thường, Phượng tá túc trong khách sạn cùng Liên khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng thì ra về, còn Liên thường ở lại khách sạn nghỉ qua đêm.

Khoảng 20 giờ ngày 20-8-2013, Liên gọi điện thoại cho bà Lê Thị S. (là quản lý khách sạn) để đặt phòng. Chị Phượng đến khách sạn trước, ngồi ở quầy lễ tân chờ Liên.

Khoảng vài phút sau, Liên đeo một ba lô màu đỏ đến và đưa giấy chứng minh nhân dân cho bà S. rồi nhận phòng 302. Liên than thở với bà S. về chuyện “buồn chán cuộc đời”.

Đến khoảng 14 giờ ngày 21-8-2013, không thấy Liên trả phòng như thường lệ nên bà S. kêu bà M. lên gõ cửa phòng 302. Bà M. lên kiểm tra, phát hiện Phượng đã tử vong trong trạng thái lõa thể, đắp chăn, trên người có nhiều vết máu, riêng Liên đã biến mất. Bà S. trình báo Công an và khẳng định trong thời gian trên, bà trực suốt ở quầy lễ tân.

Tại công văn số 751/CV-PC54 ngày 08-10-2015 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP. HCM giải thích: Nạn nhân Nguyễn Thị Phượng “không có khả năng tự gây ra tất cả các vết thương trên cơ thể mình”. Kiểm tra lại hiện trường, CQĐT xác định: “Ngoài cửa chính đi vào, không còn một lối đi khác có thể đột nhập vào trong khách sạn. Nếu đi vào cửa chính thì phải qua quầy lễ tân nơi bà Lê Thị S. Từ đó khẳng định không ai có thể đột nhập vào khách sạn mà không bị phát hiện”.

Ngoài ra, những người lưu trú tại khách sạn trong thời gian xảy ra vụ án đều có lai lịch rõ ràng, không có tiền án, tiền sự, nhân thân tốt. Họ đều khai không biết, không nghe, không thấy gì xảy ra ở phòng 302. Từ đó, CQĐT phát lệnh truy nã Lê Thị Liên, nghi can số 1 gây ra vụ án mạng.

Ngày 31-12-2014, Lê Thị Liên bị Công an tỉnh Lào Cai tóm gọn. Tuy nhiên, tại CQĐT Công an TP.HCM, Liên giữ im lặng, chỉ khai mình tên là Kimmora - con nuôi người Hàn Quốc, ngoài ra không thừa nhận hành vi phạm tội, không thừa nhận nhân thân, lai lịch, các mối quan hệ với những người quen biết, trong đó có nạn nhân Nguyễn Thị Phượng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, CQĐT xác định Liên chính là hung thủ sát hại chị Phượng.

Trước vành móng ngựa, Lê Thị Liên vẫn khăng khăng chối tội, cho rằng tên thật của bị cáo là Kimmora. Vị kiểm sát viên bác bỏ lời khai của Liên, quá trình điều tra, CQĐT đã cho người thân trong gia đình của Liên và những người quen biết Liên tiến hành nhận dạng, mọi người đều xác nhận bị cáo chính là Lê Thị Liên (thường gọi là Sam).

Dấu vân tay của bị cáo với dấu vân tay Lê Thị Liên, chứng minh nhân dân số 225313745 là của cùng một người. CQĐT cũng đã giám định AND Liên với mẹ bị cáo là bà Trần Thị S. xác định hai người có quan hệ huyến thống chính xác 99,947%.

CQĐT đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bị cáo. Kết quả cho thấy trước, trong và sau khi gây án, Liên bị bệnh định hướng tình dục loạn trương lực bản thân loại “loạn dục đồng giới”. Liên vẫn có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng hạn chế do bệnh.

Tại tòa, Liên vẫn bác bỏ cha ruột, anh trai và cho rằng bà Trần Thị S. không phải là mẹ ruột và tái khẳng định mẹ bị cáo là một phụ nữ Hàn Quốc. Vị kiểm sát viên kết luận: “Với tài liệu, chứng cứ thu thập được đủ căn cứ để xác định hung thủ gây ra cái chết cho nạn nhân Nguyễn Thị Phượng chính là Lê Thị Liên.

Trong thời gian từ 20 giờ ngày 20-8-2013 đến 14 giờ ngày 21-8-2013, chỉ có Liên và Nguyễn Thị Phượng cùng ở trong phòng 302, Liên đã dùng dao đâm chết người bị hại, sau đó khóa trái cửa phòng rồi đem hung khí gây án bỏ trốn, cho đến khi bị bắt”. Liên bất ngờ lớn tiếng, cho rằng chính cán bộ mới “bị điên”.

Do bị cáo khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội, HĐXX đã tạm nghỉ hội ý và sau đó quyết định hoãn phiên toà, trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định pháp luật. Nhìn Liên bị áp giải ra xe về trại giam, những người dự khán không khỏi lắc đầu ngán ngẩm trước sự ngông nghênh của bị cáo...

(KTGĐ số 16)

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất