| Hotline: 0983.970.780

Viện khoa học trụ vững trong cơ chế thị trường

Viện trưởng phải như người thợ cả

Thứ Sáu 05/05/2023 , 21:42 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến động viên cán bộ, công nhân viên Viện Nghiên cứu Ngô nêu cao tinh thần tự chủ trong nền kinh tế thị trường, nhất là về mặt tài chính.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao lịch sử hào hùng của Viện Nghiên cứu Ngô. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao lịch sử hào hùng của Viện Nghiên cứu Ngô. Ảnh: Bảo Thắng.

Lịch sử hào hùng

Sáng 5/5, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm làm việc tại Viện Nghiên cứu Ngô.

Chia sẻ với lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của Viện Nghiên cứu Ngô, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của cây ngô trong đảm bảo an ninh lương thực của đất nước, cũng như đóng góp vào sự phát triển của khối chăn nuôi thời gian qua.

"Viện Nghiên cứu Ngô có cả một lịch sử hào hùng. Chúng ta cần chủ động hơn nữa trong hoạt động tự chủ để kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước để lại", Thứ trưởng nói.

Tiếp ý Thứ trưởng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh kể lại kỷ niệm cách đây khoảng chục năm. Khi ấy, với nhiều cán bộ ngành nông nghiệp, trở thành một thành viên của Viện Nghiên cứu Ngô thực sự là "ước mơ".

Theo ông Thanh, ngô thời gian trước không chỉ đơn thuần là cây lương thực, mà còn là cây kinh tế, là hàng hóa. Tại những vùng như Sơn La, cây ngô đã mở đường cho bà con phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho vùng cây ăn quả phát triển như hiện tại. "Cây ngô thực sự là cây xóa đói giảm nghèo, thậm chí làm giàu cho bà con Sơn La", ông bày tỏ.

Những năm gần đây, Viện Nghiên cứu Ngô còn phát triển một nhiệm vụ nữa là chuyển giao các giống ngô sinh khối, giúp đàn trâu bò ở miền núi đỡ đói rét, theo Giám đốc Lê Quốc Thanh.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm cánh đồng thực nghiệm của Viện Nghiên cứu Ngô. Ảnh: Bảo Thắng.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm cánh đồng thực nghiệm của Viện Nghiên cứu Ngô. Ảnh: Bảo Thắng.

Là đơn vị đối tác với Viện Nghiên cứu Ngô, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, ngô Việt Nam cần cạnh tranh ở "thị trường ngách". Thay vì cạnh tranh ở thị trường ngô hạt, chúng ta có thể cạnh tranh được ở mặt hàng ngô sinh khối - vốn đang được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc.

"Nghiên cứu về ngô không chỉ là về giống, mà cần đặt trong cả một hệ thống canh tác, chuỗi giá trị. Hiện dư địa của ngô sinh khối vụ đông còn khá nhiều. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm, nghiên cứu các gói giải pháp kỹ thuật khác nhau cho từng sản phẩm ngô như ngô sinh tố, ngô cho đồ ăn nhanh", ông Thanh nói tiếp.

Chiếm lĩnh khoảng 20% thị phần hạt giống ngô

Báo cáo đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Xuân Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô  cho biết, từ tháng 9/2005, Viện trở thành thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Viện đã đón nhận nhiều phần thưởng cao quý như:

Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2005; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2013; 3 Huân chương Lao động hạng Nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba; 4 giải thưởng Bông lúa Vàng tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ; 2 giải thưởng VIFOTEC và hàng chục giải thưởng khác.

Tính đến nay, Viện có 157 cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó có 100 biên chế hưởng lương ngân sách; 12 biên chế tự lo lương và 45 hợp đồng lao động. Về trình độ, Viện hiện có 13 tiến sĩ.

Viện trưởng Nguyễn Xuân Thắng báo cáo kết quả hoạt động và một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Viện trưởng Nguyễn Xuân Thắng báo cáo kết quả hoạt động và một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Viện thưc hiện 3 dự án với tổng mức đầu tư hơn 70 tỉ đồng. Giai đoạn 2020 - 2022 Viện đã và đang chủ trì 27 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có 1 đề tài cấp nhà nước, 12 đề tài và dự án khuyến nông, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ; 1 dự án tăng cường trang thiết bị cấp Bộ, 3 nhiệm vụ thường xuyên, 4 đề tài cấp địa phương và cơ sở, 7 đề tài phối hợp với các đơn vị, với tổng kinh phí gần 30 tỉ đồng (không tính nhiệm vụ thường xuyên). 

"Hầu hết các giống mới sau khi được công nhận lưu hành đều đã được chuyển giao cho sản xuất. Giai đoạn 2020-2022, Viện có 15 giống ngô đã được công nhận lưu hành và 17 giống ngô được gia hạn lưu hành. Giai đoạn 2020 - 2022, Viện đã ký hợp đồng chuyển giao quyền phân phối 23 giống ngô lai đơn mới", Viện trưởng Nguyễn Xuân Thắng cho biết.

Tính trung bình hàng năm, khoảng 2.500 - 3.000 tấn hạt giống ngô do Viện nghiên cứu và chọn tạo được cung cấp cho sản xuất, chiếm khoảng 15-20% thị phần giống ngô lai trên toàn quốc.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô, ông Nguyễn Xuân Thắng đi thực tế đồng ngô, chỉ đạo kiểm tra chất lượng giống khi đưa ra trồng trên diện rộng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô, ông Nguyễn Xuân Thắng đi thực tế đồng ngô, chỉ đạo kiểm tra chất lượng giống khi đưa ra trồng trên diện rộng.

Cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô nêu một số khó khăn như: Quỹ lương và kinh phí hoạt động bộ máy có xu hướng giảm dần, thu nhập thực tế của người lao động gặp khó khăn, nhiều cán bộ nghiên cứu không yên tâm công tác xin thôi việc hoặc xin chuyển công tác.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của Viện còn thiếu so với nhu cầu, nhà nước không bố trí đủ nguồn vốn sự nghiệp cho xây dựng cơ bản; Nguồn nhân lực chất lượng có chuyên ngành về di truyền chọn giống và công nghệ sinh học còn thiếu; Nhu cầu sản xuất và tiêu thụ giống ngô trong nước liên tục giảm do giá thành ngô sản xuất trong nước cao hơn nhiều so với giá ngô nhập khẩu. 

Thay mặt Viện Nghiên cứu Ngô, Viện trưởng Nguyễn Xuân Thắng kiến nghị Bộ NN-PTNT bổ sung nhiệm vụ khoa học của Viện theo chương trình công nghệ sinh học, dự án giống... do Bộ chủ trì.

Vận hành theo cơ chế thị trường

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến động viên cán bộ, công nhân viên Viện Nghiên cứu Ngô đề cao tinh thần tự chủ trong nền kinh tế thị trường, nhất là tự chủ về mặt tài chính.

"Tư nhân phải đi thuê đất, bỏ tiền mua thiết bị, thuê nhân lực chất lượng cao nhưng họ vẫn tìm tòi các hướng để cạnh tranh. Các viện nghiên cứu được Nhà nước đầu tư mọi mặt thì càng phải phấn đấu", Thứ trưởng bày tỏ.

Kêu gọi các nhà khoa học thay đổi tư duy, nghiên cứu gắn với thị trường, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng Viện Nghiên cứu Ngô cũng như các đơn vị sự nghiệp khác cần chấp nhận cơ chế thị trường trong thời buổi hiện nay. Ông quan niệm: “Viện trưởng phải như người thợ cả, kiếm việc về cho nhân viên".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến động viên cán bộ Viện Nghiên cứu Ngô tích cực tìm tòi những hướng phát triển mới. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến động viên cán bộ Viện Nghiên cứu Ngô tích cực tìm tòi những hướng phát triển mới. Ảnh: Bảo Thắng.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gợi mở một số định hướng cho Viện thời gian tới. Đầu tiên là chọn giống phù hợp với thị trường, ngô năng suất cao phải có phân khúc thị trường khác với ngô chất lượng cao. Tương tự, những giống có tính chống chịu, thích ứng được với điều kiện khắc nghiệt cũng cần có một thị trường riêng biệt.

Thứ nữa là về công nghệ, Thứ trưởng đề nghị cán bộ Viện Nghiên cứu Ngô, từ những vật liệu di truyền hiện có tiếp tục tạo ra đột phá, chẳng hạn chuyển đổi cả hệ gen thay vì chỉnh sửa một hoặc một vài gen.

Cùng với đó, Viện Nghiên cứu Ngô cần tăng cường hợp tác quốc tế. Qua kinh nghiệm thời còn làm tại Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Thứ trưởng nhận định, nhiều tổ chức quốc tế đang tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. Do đó, Viện nên chủ động tìm cách kết nối, hoặc thông qua tư vấn của Vụ Hợp tác quốc tế.

"Cây ngô đang từng bước trở thành sản phẩm hàng hóa, thậm chí là sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Những cán bộ nghiên cứu ngô, vì thế, cần chuyển giao nhiều hơn nữa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, rằng Việt Nam có sự chủ động về công nghệ giống ngô. Do đó, Viện Nghiên cứu Ngô đã thực hiện tốt việc chuyển giao công nghệ, góp phần quan trọng trong hoạt động tự chủ của Viện.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.