| Hotline: 0983.970.780

Viện khoa học trụ vững trong cơ chế thị trường

Siêu phẩm T6 xóa nỗi lo 'trái cây đến vụ, tiêu thụ ở đâu?'

Thứ Tư 10/05/2023 , 06:00 (GMT+7)

Từ nguồn gen trong tự nhiên, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn được giống nhãn chín T6, giúp nhiều tỉnh phía Bắc rải vụ thành công.

Anh Lường Văn Mười cùng thành viên hợp tác xã thăm vườn nhãn tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã. Ảnh: Bảo Thắng.

Anh Lường Văn Mười cùng thành viên hợp tác xã thăm vườn nhãn tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã. Ảnh: Bảo Thắng.

Tái canh miền đất dốc

Tính đến năm 2022, Sơn La là tỉnh có diện tích nhãn lớn nhất cả nước với 20.000ha, sản lượng ngót nghét 100.000 tấn. Trước đó một năm, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La”, như một lời khẳng định cho loài quả nhiệt đới trên miền đất dốc.

Bài liên quan

Tuy nhiên, ít ai biết rằng cách đây khoảng 5 năm, khi đề án phát triển cây ăn quả mới thành hình trên địa bàn tỉnh, cây nhãn phải nhận nhiều nghi ngại từ người dân. Trăn trở chính của bà con, tựu trung nằm ở “Trái cây đến vụ, tiêu thụ ở đâu?”

Một yêu cầu cấp thiết được đặt ra cho những người làm nông nghiệp và cán bộ nghiên cứu khoa học là phải rải vụ bằng được hàng nghìn hecta nhãn, sao cho không để nhãn chín cùng lúc. Bên cạnh đó, là tuyển chọn được giống nhãn có khả năng sinh trưởng khỏe, năng suất cao, chất lượng quả tốt làm đa dạng cơ cấu các giống nhãn.

Từ năm 2010, Viện Nghiên cứu Rau quả đã nghiên cứu tuyển chọn, khảo nghiệm giống nhãn T6 ở các tỉnh phía Bắc. Trong thời gian 5 năm khảo nghiệm từ 2014 - 2019, tại 3 điểm xã Đại Thành (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), xã An Vĩ (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) và xã Yên Hưng (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), Viện đã cho ra giống nhãn T6 có khả năng sinh trưởng khỏe, lá to, hơi vặn, mặt lá bóng, màu xanh đậm.

Thời gian ra hoa của giống trong khoảng tháng 2, gần tương tự như thời gian ra hoa của giống nhãn chính vụ Hương Chi. Năng suất giống nhãn T6 tại các điểm khảo nghiệm đạt 31,5 - 33,7 kg/cây ở độ tuổi 6 năm tuổi. Giống có chất lượng quả tốt, độ brix đạt 21,3 - 22,5%, tỷ lệ phần ăn được đạt 66,8 - 68,6%. Thời gian thu hoạch tập trung của giống thường sớm hơn nhãn chính vụ. Từ năm 2019, Cục Trồng trọt đã công nhận giống nhãn T6 và cho sản xuất thử ở các tỉnh phía Bắc.

Lễ xuất hành nhãn Sông Mã đi tiêu thụ ở thị trường EU hồi năm 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lễ xuất hành nhãn Sông Mã đi tiêu thụ ở thị trường EU hồi năm 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Gia đình chị Phạm Thị Thanh, một trong 17 thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, huyện Sông Mã, đã ghép tạo giống nhãn T6 được 3 năm. Trước đây, như nhiều hộ dân khác, gia đình chị trồng giống nhãn địa phương trên diện tích hơn 1ha. Nhưng do trùng với thời gian thu hoạch nhãn chính vụ tại Hưng Yên, lợi nhuận của gia đình hầu như không đáng kể.

Theo lời tư vấn của một số thành viên trong hợp tác xã, gia đình chị đã học hỏi và cắt, ghép những cây nhãn có tuổi đời hàng chục năm với giống nhãn T6 do Viện Nghiên cứu Rau quả cung ứng. Từ chỗ nửa tin nửa ngờ, gia đình chị Thanh bị thuyết phục bởi năng suất, chất lượng của giống nhãn mới.

“Gia đình tôi thường xuất bán nhãn sớm từ khoảng tháng 6, với giá trị cao gấp vài lần so với nhãn chính vụ. Thời điểm cao nhất, giá nhãn đạt 60.000 đồng/kg, giúp gia đình thu về khoảng 350 triệu đồng”, chị nói.

Cách nhà chị Thanh không xa, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong cũng mạnh dạn chuyển đổi 13/30ha nhãn Miền Thiết sang ghép giống nhãn T6. Từ năm thứ hai, các thành viên trong hợp tác xã đều bị ấn tượng bởi hiệu quả kinh tế mà nhãn chín sớm mang lại.

Giám đốc Lường Văn Mười cho biết, cái khó nhất khi khuyên các thành viên trong hợp tác xã chuyển đổi sang giống nhãn chín sớm là nhãn đang được thu hoạch ổn định, tự dưng cắt bỏ khiến mọi người mất 2 vụ không được thu hoạch.

“Không chỉ là kỹ thuật chăm sóc cần tuân thủ nghiêm ngặt, tốn nhiều công sức, người dân còn phải theo dõi sát sao sự phát triển của cây nhãn, đồng thời căn cứ vào thời tiết để xác định thời điểm để khoanh cành, kích thích cho cây ra hoa”, anh Mười chia sẻ.

Nhờ quyết tâm và sự đồng lòng của các thành viên, giống nhãn chín sớm do hợp tác xã sản xuất đã được tham gia tại gian hàng trưng bày của huyện Sông Mã, ở Festival trái cây và các sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 diễn ra ở TP Sơn La hồi cuối tháng 5/2022.

Hiện tại, thời vụ thu hoạch giống nhãn chín sớm tại Sơn La thường diễn ra sớm hơn các giống chính vụ từ 1 - 2 tháng. Từ đó, người nông dân nơi đây có nhiều điều kiện hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tránh cảnh “được mùa mất giá” như trước đây.

Từ vài năm gần đây, huyện Sông Mã chú trọng xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm nhãn của huyện. Ảnh: Bảo Thắng.

Từ vài năm gần đây, huyện Sông Mã chú trọng xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm nhãn của huyện. Ảnh: Bảo Thắng.

Đẩy mạnh nhãn chín sớm

Ở phía Bắc, nhãn được trồng tập trung ở một số tỉnh gồm Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội. Trong đó, Sơn La và Hưng Yên là hai tỉnh có diện tích trồng và sản lượng thu hoạch hàng năm lớn bậc nhất.

Theo Viện Nghiên cứu Rau quả, các giống nhãn phía Bắc tập trung nhiều hơn ở trà chín muộn, với giống HTM1 và HTM2 trồng tập trung ở Hà Nội, giống PHM99-1.1 được trồng chủ yếu tại Sơn La và Hưng Yên. Với trà chín sớm, mới chỉ có giống PHS2 được trồng quy mô nhỏ tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ngoài ra, trước khi công bố giống T6, trà nhãn chín chính vụ chưa được tập trung nghiên cứu và mới chỉ tuyển chọn được giống nhãn Hương Chi.

Để kéo dài thời vụ thu hoạch, ngoài áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần có cơ cấu giống phù hợp cho từng trà. Do đó, Viện Nghiên cứu Rau quả đã và đang tích cực phối hợp để chuyển giao quy trình kỹ thuật ghép cải tạo thay thế các giống địa phương vào sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, quy trình kỹ thuật ghép cải tạo thay thế giống đang được nhân rộng trên 5.000ha nhãn tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Giống nhãn T6 là kết quả của Viện Nghiên cứu Rau quả sau nhiều năm thai nghén. Ảnh: Bảo Thắng.

Giống nhãn T6 là kết quả của Viện Nghiên cứu Rau quả sau nhiều năm thai nghén. Ảnh: Bảo Thắng.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, trong quá trình khảo nghiệm, năng suất của các giống nhãn ở cả 3 điểm trồng đều tăng dần theo tuổi cây. Đặc biệt, năng suất của dòng nhãn tuyển chọn T6 đạt cao trên 15% so với năng suất của giống nhãn đối chứng. Một số chỉ tiêu đánh giá chất lượng quả của dòng nhãn tuyển chọn T6 như hàm lượng đường, vitamin C... đều tương đương hoặc cao hơn so với cùng chỉ tiêu đánh giá trên giống đối chứng.

“Thời vụ thu hoạch là một trong các chỉ tiêu thể hiện đặc tính của giống và một phần quyết định đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Kết quả theo dõi cho thấy, dòng nhãn tuyển chọn T6 tại điểm khảo nghiệm tại Sơn La có thời gian thu hoạch sớm hơn so với ở các điểm trồng Hà Nội và Hưng Yên khoảng 10 ngày”, ông Hùng bày tỏ. Đây cũng được xem là một trong các tiêu chí giúp giống nhãn T6 ngày càng được lai ghép rộng rãi tại tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, hiện huyện có hơn 7.500ha diện tích trồng nhãn, trong đó khoảng 300ha là nhãn chín sớm, tập trung ở các xã Chiềng Khoong, Chiềng Khương và Nà Nghịu. Để đạt mục tiêu có 1.000ha nhãn chín sớm vào năm 2030, huyện Sông Mã đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã tích cực phối hợp Viện Nghiên cứu Rau quả, tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân ghép các giống nhãn chín sớm để thực hiện rải vụ, nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn.

“Việc nhân rộng diện tích nhãn chín sớm giúp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là đưa các giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thực hiện thành công nhiệm vụ rải vụ nông sản”, ông Phương nói.

Không chỉ cho năng suất cao, nhãn chín sớm Sông Mã còn có chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp, được nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đặt mua.

Từ năm 2017, UBND huyện Sông Mã định kỳ tổ chức "Ngày hội Nhãn Sông Mã". Đây là dịp để người dân trên địa bàn quảng bá thương hiệu nhãn Sông Mã tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.