Chủ động phòng trừ các dịch bệnh mới nổi
Báo cáo đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tới thăm và làm việc ngày 6/5, Viện trưởng Viện BVTV Nguyễn Văn Liêm cho biết, Viện luôn chủ động đi sớm đón đầu các dịch bệnh trên cây trồng, đặc biệt là các nhiệm vụ nghiên cứu trên cây lúa.
Hiện có tuyến trùng nốt sưng lúa mới nổi lên ở một số tỉnh, Viện BVTV đã khẩn trương thu thập mẫu bệnh, giám định và đang triển khai nghiên cứu để phòng trừ hiệu quả đối tượng này.
Đồng thời, Viện BVTV xác định được 2 loài thiên địch có vai trò lớn trong việc khống chế, kiểm soát sâu keo mùa thu hại ngô là các loài bọ đuôi kìm thuộc bộ cánh đa (Dermaptera) và nấm ký sinh Nomuraea riley (Hypocreales: Clavicipitaceae).
Với cây ăn quả có múi, mảng nghiên cứu thế mạnh của Viện BVTV, nhiều năm qua Viện đã có những nghiên cứu sâu về phòng trừ bệnh Greening, Tristera, bệnh ghẻ, sẹo quả cam, phục tráng các giống bưởi, cam, quýt quý của địa phương như: Cam Trưng Vương, Quýt Hà Trì, bưởi Phúc Trạch,...
Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, những kết quả nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh vàng lá, thối rễ cam do phức hợp các tác nhân bởi nấm, tuyến trùng, rệp sáp của Viện góp phần tái canh cam thành công ở một số địa phương như Hòa Bình, Hưng Yên, đang triển khai tại Bắc Giang và nhiều tỉnh thành khác.
Đặc biệt, Viện BVTV đã hoàn thiện các kỹ thuật chẩn đoán bệnh vàng lá greening bằng iodine và DTBIA. Độ chính xác của 2 kỹ thuật này lần lượt là 75,6 và 90%, giúp nhanh chóng phát hiện cây bị bệnh chỉ trong vòng vài phút.
Hiện Viện BVTV xây dựng 5 ha mô hình để quản lý hiện tượng vàng lá trên cây cam, với tỷ lệ tái nhiễm bệnh dưới 3% so với sản xuất đại trà. Hiệu quả giảm bệnh trong mô hình trung bình từ 75 đến 86%. Tỷ lệ chồi, lá và quả bị hại do bọ trĩ, nhện, bệnh thán thư và bệnh loét cam thấp hơn, mức độ thiệt hại giảm 72 – 87% so với đối chứng.
Là một trong 19 đơn vị thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2018-2022, Viện BVTV được giao thực hiện 5-8 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Quốc gia và cấp Bộ hàng năm; 15-18 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện cho nghiên cứu dao động 25 - 28 tỷ đồng/năm.
Viện đã và đang có các dự án hợp tác quốc tế với các tổ chức: Trung tâm rau Thế giới, Trung tâm Nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR), Trung tâm Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc (KOPIA), CIAT, IAEA. Kinh phí hợp tác quốc tế trung bình: 2 -3 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh khó khăn trong việc thương mại hóa các chế phẩm sinh học, Viện BVTV còn gặp vấn đề về cơ sở hạ tầng. Hệ thống nhà kính, nhà lưới, các trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu của Viện đã xuống cấp, không đáp ứng cho yêu cầu nghiên cứu thí nghiệm. Kinh phí được cấp cho chi lương và các hoạt động bộ máy không đủ chi cho các hoạt động của Viện.
Trên cơ sở đó, Viện trưởng Nguyễn Văn Liêm kiến nghị Bộ NN-PTNT 8 nhóm vấn đề, trong đó có tạo điều kiện giao trực tiếp nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản có tính ứng dụng về các đối tượng gây hại mới, mới nổi cho Viện để phục vụ công tác phòng chống dịch và xuất khẩu. Ngoài ra, là có cơ chế đặc thù về việc đăng ký chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Nhiều gợi mở cho công tác nghiên cứu khoa học
Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Thị Thu Hương đánh giá cao nỗ lực của Viện BVTV thời gian qua. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan, những thông tin về các nghiên cứu của Viện chưa được bà con nông dân biết tới nhiều.
Đứng trên góc độ cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng đề nghị viện tập trung vào công tác dự tính dự báo, bởi lực lượng BVTV tại địa phương còn tương đối mỏng và chủ yếu sử dụng "sức người" là chính, thay vì áp dụng khoa học công nghệ.
Trên cơ sở đó, Viện có thể xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về các sinh vật gây hại, tiến tới nghiên cứu về tính kháng thuốc của sâu bệnh hoặc xử lý sinh vật gây hại sau thu hoạch. Từ đó, Viện tham mưu cho Cục để ban hành hướng dẫn cho địa phương
Là một cán bộ trưởng thành từ Viện BVTV, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường chia sẻ, rằng hầu hết người dân chỉ tìm kiếm thông tin về Viện BVTV khi có dịch bệnh xảy ra. Ông đồng tình với quan điểm của Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hương, rằng Viện cần tăng cường truyền thông trên các cơ quan thông tấn, báo chí để những công trình nghiên cứu của Viện được biết đến rộng rãi.
Bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên được Bộ NN-PTNT giao, Cục trưởng Cục Trồng trọt "hiến kế" cho Viện BVTV công tác điều tra toàn diện tình hình sâu bệnh trên cả nước, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh như hiện nay. Ông cho rằng, đây là hoạt động từng diễn ra nhiều lần vào thập niên 1970, 1980, và hoàn toàn có thể triển khai điều tra một cách thường xuyên, liên tục trên những cây trồng chủ lực hoặc sâu bệnh chính.
Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn lưu ý Viện, rằng Tây Nguyên sắp tới sẽ trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm, nhất là cây ăn quả, cây công nghiệp. Do đó, Viện BVTV cần xây dựng lực lượng chuyên trách cho khu vực này, thậm chí di dời trung tâm từ khu vực ĐBSCL lên để đảm bảo công tác dự tính, dự báo.
Ngoài ra, nền nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn. Do đó, GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đề nghị lãnh đạo Viện BVTV tổ chức nghiên cứu bám sát thị trường, đảm bảo đúng tinh thần "Tư duy mở - Hành động nhanh - Kết quả thật" mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề ra.
Tập trung nghiên cứu các sản phẩm có tính ứng dụng
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học của lĩnh vực BVTV. Nỗ lực này giúp toàn ngành nông nghiệp giữ đà phát triển xuyên suốt thời gian qua, đồng thời giảm thiểu được nỗi lo nhiều năm về các bệnh như bạc lá, sâu keo mùa thu...
Qua nhiều buổi làm việc với Chính phủ, cũng như các cuộc gặp song phương với đối tác quốc tế, Thứ trưởng chỉ rõ, giai đoạn hiện tại rất khó khăn khi các nước hầu hết đều giảm tổng cầu. Do đó, ngành nông nghiệp bắt buộc phải có những đường hướng mới để phát triển như tăng cường chất lượng cho sản phẩm xuất khẩu, đẩy mạnh nội tiêu, sản xuất chuyển dần từ nâu sang xanh.
"Các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu những sản phẩm có tính ứng dụng cao, thậm chí đau đáu ngay từ lúc đặt đề bài. Chúng ta cần tư duy theo hướng, tự đứng trên đôi chân bằng các sản phẩm khoa học”, Thứ trưởng chia sẻ.
Kêu gọi cán bộ, nhà nghiên cứu Viện BVTV có tư duy mở trong thời đại 4.0, Thứ trưởng cũng đề ra một số nhiệm vụ. Với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ông đề nghị Viện sớm lên kế hoạch rà soát toàn bộ 19 viện thành viên, đồng thời phân bổ nguồn lực hợp lý cho từng đơn vị và phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Kể kỷ niệm về những chuyến đi thực địa, Thứ trưởng cho rằng các nhà khoa học cần "đứng gần" người nông dân hơn, tạo cho họ cảm hứng ban đầu và chuyển giao những tiến bộ sát nhất với tình hình thực tế. "Người nông dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là mục tiêu trọng tâm của mọi kế hoạch, chiến lược", ông nhấn mạnh.
Trước đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng đề nghị các bên cùng chung tay tạo ra một hệ sinh thái, thậm chí xây dựng cơ chế thí điểm. Đồng thời, bố trí nguồn lực để cử cán bộ đi đào tạo ở những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam.